Xây hàng rào trên đất người khác, nếu không được đồng ý, phải tháo dỡ

03:04, 05/04/2023

Tôi vừa sang nhượng 1 thửa đất. Khi mua thì chủ đất cũ chỉ đưa tôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), không nghe nói gì về hiện trạng đất. Qua khảo sát, tôi cũng không thấy có gì bất thường, xung quanh đất đều có rào ngăn cách với các thửa đất khác. 

(VLO) Tôi vừa sang nhượng 1 thửa đất. Khi mua thì chủ đất cũ chỉ đưa tôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), không nghe nói gì về hiện trạng đất. Qua khảo sát, tôi cũng không thấy có gì bất thường, xung quanh đất đều có rào ngăn cách với các thửa đất khác. Nhưng khi tôi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất thì phát hiện diện tích đất bị mất một phần do nhà bên cạnh lấn chiếm xây tường rào. Khi tôi nói về việc lấn chiếm này, chủ đất bên cạnh nói rằng lúc xây do khoán cho thợ, không có thời gian kiểm tra, từ lúc xây đến hoàn thành cũng không nghe chủ đất bên cạnh nói gì nên nghĩ là chủ đất cũ đồng ý nên họ tiếp tục để nguyên hiện trạng và sử dụng đến ngày nay. Tôi không đồng ý về điều này nên đề nghị họ tháo dỡ nhưng họ lại xin cho tiếp tục sử dụng một thời gian khi có điều kiện sẽ xây lại. Khi tôi yêu cầu họ viết giấy cam kết về thời gian tháo dỡ thì họ lại không đồng ý viết. Trường hợp này, tôi có quyền yêu cầu bên lấn chiếm đất tháo dỡ tường rào trong một thời gian nhất định không?

L.T.T. (Long Hồ)

Trả lời: Theo khoản 1, Điều 176 Bộ luật Dân sự: Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Do vậy, việc chủ đất bên cạnh lấn chiếm đất lân cận xây tường rào là sai quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, diện tích đất bị nhà bên cạnh nói trên lấn chiếm tuy là của chủ đất cũ nhưng hiện nay là của bà, diện tích này đã được thể hiện trong giấy chứng nhận QSDĐ.

Việc chủ đất cũ không phản đối khi nhà bên cạnh lấn chiếm một phần diện tích đất của mình để xây hàng rào không đương nhiên được hiểu là chủ đất cũ đã cho nhà bên cạnh diện tích đất lấn chiếm nói trên.

Khi chủ đất cũ chuyển nhượng QSDĐ cho bà là đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích trên giấy chứng nhận QSDĐ (gồm cả diện tích đất bị lấn chiếm), cho thấy chủ đất cũ vẫn xác định diện tích đất này là của mình. Khi sang nhượng, bà đã trả tiền cho toàn bộ diện tích đất trên giấy chứng nhận QSDĐ.

Do vậy, nếu bà không đồng ý để nhà bên cạnh tiếp tục sử dụng tường rào trên đất đã lấn chiếm, chủ đất bên cạnh phải tháo dỡ tường rào trả lại phần diện tích đất đã lấn chiếm cho bà.

Trường hợp này, bà có quyền yêu cầu chủ đất bên cạnh tháo dỡ tường rào trả lại phần diện tích đất đã lấn chiếm đúng theo giấy chứng nhận QSDĐ mà bà đã sang nhượng.

Nhằm tạo điều kiện cho họ thực hiện việc tháo dỡ tường rào, bà có thể cho họ một thời hạn nhất định. Nếu hết thời hạn này, họ vẫn không thực hiện, bà có quyền yêu cầu cơ quan chức năng nơi có đất giải quyết.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 202 Luật Đất đai: Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Sau khi đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành, bà có quyền gửi đơn đến TAND cấp huyện yêu cầu giải quyết.

Theo khoản 1, Điều 203 Luật Đất đai: Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án giải quyết.

HT tư vấn

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh