Vờ thuê laptop chiếm đoạt tài sản

10:05, 22/05/2024

Thuê laptop ngắn hạn được xem là một trong những giải pháp tiết kiệm chi phí tối ưu đối với các doanh nghiệp hiện nay. Với "vỏ bọc" một giám đốc công ty phát triển phần mềm, B. đã diễn màn kịch lừa đảo hoàn hảo để chiếm đoạt tài sản của người khác.

 

Thuê laptop ngắn hạn được xem là một trong những giải pháp tiết kiệm chi phí tối ưu đối với các doanh nghiệp hiện nay. Với “vỏ bọc” một giám đốc công ty phát triển phần mềm, B. đã diễn màn kịch lừa đảo hoàn hảo để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Nạn nhân trong câu chuyện là anh Q.- một người làm dịch vụ cho thuê laptop. Do làm dịch vụ nên laptop của anh Q. rất đa dạng về mẫu mã và đều là những dòng máy đắt tiền, cấu hình cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho những khách hàng khó tính nhất. Anh Q. cho biết, hôm xảy ra vụ việc, B. liên hệ qua điện thoại di động đặt vấn đề với anh là cần thuê 5 cái laptop cho nhân viên làm việc. Chốt xong thỏa thuận về giá cả, thời hạn thuê, anh Q. hẹn gặp mặt B. với mục đích muốn trực tiếp tìm hiểu trụ sở công ty trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Theo yêu cầu của B., anh Q. chở 5 cái laptop và mang theo hợp đồng đến điểm hẹn vào sáng sớm hôm sau. Tại đây chỉ là một văn phòng nhỏ nhưng nằm ngay mặt tiền trên một con đường lớn. Lúc này, B. cùng người trợ lý đã đứng đợi từ trước ở cổng. Hai người mời anh Q. vào văn phòng công ty. Sau khi quan sát xung quanh thấy mọi thứ đều ổn và không phát hiện điều gì bất thường từ các loại giấy tờ pháp lý mà B. cung cấp, anh Q. và B. chốt hợp đồng thuê với thời hạn 1 tháng. Thường thì với đối tượng khách hành là doanh nghiệp thuê số lượng máy nhiều, anh Q. không lấy tiền cọc mà chỉ cần giữ một số giấy tờ có liên quan hoạt động kinh doanh và thu trước tiền cho thuê.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng, nếu quá trình sử dụng laptop có gặp vấn đề thì trợ lý của B. sẽ liên hệ với anh Q. để xử lý. Nhưng suốt thời gian cho thuê 1 tháng sau đó anh Q. không nhận được bất cứ phản ánh nào. Anh nghĩ việc này là bình thường vì tự tin vào chất lượng laptop của mình. Đến khi hết thời hạn cho thuê, anh Q. gọi cho B. nhiều lần nhưng điện thoại cứ báo “thuê bao không liên lạc được”. Sau đó, anh Q. liên lạc với trợ lý của B. thì người này cho biết sau ngày ký hợp đồng bỗng dưng mất liên lạc với B. nên đã tìm công việc mới. Văn phòng làm việc trước đây thật ra là nhà dân và hiện tại đã cho người khác thuê. Nghe đến đây, anh Q. nghi ngờ có chuyện chẳng lành nên trình báo sự việc đến công an. Sau đó, mới vỡ lẽ mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì đã có những nạn nhân tương tự.

Có thể thấy, để đưa anh Q. vào bẫy lừa đảo, B. đã thuê văn phòng để lập ra công ty giả mạo. Sau khi tuyển trợ lý, B. sử dụng thông tin cá nhân của người này để làm thẻ CCCD giả với ảnh khuôn mặt thật của mình cũng như làm giả một số giấy tờ pháp lý khác. Chỉ vì sơ suất không nhận ra điều này, anh Q. đã mất oan 5 cái laptop có giá trị cao.

KIẾN THÀNH

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh