Mất tiền thật bởi tài khoản Facebook ảo

08:02, 24/02/2023

Có lẽ chúng ta không còn xa lạ gì thủ đoạn hack, chiếm đoạt tài khoản Facebook sau đó nhắn tin cho bạn bè, người quen nạn nhân hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền gấp qua hình thức chuyển khoản. 

Có lẽ chúng ta không còn xa lạ gì thủ đoạn hack, chiếm đoạt tài khoản Facebook sau đó nhắn tin cho bạn bè, người quen nạn nhân hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền gấp qua hình thức chuyển khoản. Song hiện nay, bên cạnh thủ đoạn trên, kẻ lừa đảo còn sử dụng đến cả chiêu trò gọi video. Nhưng làm cách nào để bọn chúng làm cho “con mồi” tin tưởng rơi vào bẫy? Vụ việc của chị N. là một lời giải đáp.

Vụ việc của chị N. bắt nguồn bởi lời mời kết bạn từ một tài khoản Facebook có họ tên giống bạn thân của chị là Nguyễn Thùy T., thậm chí ngay cả ảnh đại diện cũng là hình T.. Do thường trò chuyện qua mạng xã hội nên chị N. có mối quan hệ khá thân thiết với T.. Vì vậy, khi có lời mời kết bạn từ tài khoản mang tên T., chị N. chỉ nghĩ đơn giản rằng người bạn của mình sử dụng thêm một tài khoản Facebook khác nên không có chút nghi ngờ. Sau khi chị N. chấp nhận đề nghị kết bạn, tài khoản Facebook Nguyễn Thùy T. liền gửi tin nhắn nhờ vả chị N. với nội dung “Con mình đang cần tiền phẫu thuật gấp nhưng mình xoay tới xoay lui vẫn chưa đủ. Bạn có thể cho mình mượn 20 triệu đồng không? Mình hứa sẽ trả lại trong vài ngày tới”.

Tất nhiên, một người cẩn thận như chị N. không vội tin lời ngay mà chủ động gọi điện qua video với tài khoản Facebook trên để xác nhận lại xem đó có phải là bạn mình hay không? Tuy nhiên, cuộc gọi chỉ có thời lượng vỏn vẹn... 1 giây khi chị N. chưa kịp hỏi thăm thì bên kia đã tắt máy, không nói một lời nào. Sau khi cúp máy, tài khoản Facebook Nguyễn Thùy T. nhắn tin viện lý do đang trong bệnh viện lo cho con nên chỉ có thể gọi video thấy mặt chứ không tiện nói chuyện. Sau đó, tài khoản này nhắn cho chị N. số tài khoản ngân hàng để hối thúc việc mượn tiền. Lúc đầu, chị N. cứ đinh ninh sẽ gọi vào số điện thoại của người bạn mình để xác nhận lần nữa cho chắc, song vì sợ chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng đứa bé nên đã chuyển khoản ngay. Hơn nữa, thấy họ tên tài khoản người nhận đúng với tên bạn thân của mình, chị N. cứ nghĩ niềm tin của mình đã đặt đúng chỗ.

Tuy nhiên, sau khi chuyển 20 triệu đồng, chị N. nhắn tin thông báo thì phát hiện đã bị tài khoản Facebook Nguyễn Thùy T. chặn tin nhắn. Lúc này, chị N. gọi vào số điện thoại của T. thì mới tá hỏa biết đã bị lừa khi người bạn phủ nhận việc mượn tiền chữa bệnh cho con.

Các đối tượng lừa đảo đã lập tài khoản giả mạo Facebook của T. và dùng hình ảnh đăng trên mạng xã hội của người này để đối phó khi chị N. gọi video. Và tất nhiên, để tránh việc bị lộ, cuộc gọi không thể kéo dài mà chỉ diễn ra trong tích tắc, đủ cho chị N. nhận ra đây là người quen, từ đó tạo niềm tin để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Qua câu chuyện trên, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những trường hợp tương tự. Nếu gặp phải cần bình tĩnh tìm cách xác minh xem người mượn tiền có phải đúng là người quen của mình hay không, tốt nhất là liên hệ xác nhận lại thông tin qua số điện thoại di động hoặc gặp mặt trực tiếp chứ không nên tin tưởng vào các tài khoản ảo trên mạng xã hội.

P. TẤN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh