Do không có tiền mặt cho mượn nên người đàn ông 65 tuổi ở TP Vĩnh Long đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho cô bạn mang đi thế chấp để vay tiền dẫn đến tranh chấp phải ra tòa giải quyết.
Do không có tiền mặt cho mượn nên người đàn ông 65 tuổi ở TP Vĩnh Long đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho cô bạn mang đi thế chấp để vay tiền dẫn đến tranh chấp phải ra tòa giải quyết.
Ông N.C.H. và chị T.T.N.H. có mối quan hệ thân thiết nên khi chị N.H. hỏi mượn tiền, ông H. không có tiền mặt đã tự nguyện giao giấy chứng nhận QSDĐ thửa 192, diện tích 1.959,3m2 do ông đứng tên để chị N.H. mang đi thế chấp vay tiền.
Sau đó, chị N.H. đến gặp và vay của bà P.T.T. 350 triệu đồng nhưng không làm hợp đồng vay mà ký hợp đồng chuyển nhượng với nội dung quá 1 tháng, chị N.H. không trả số tiền thì ông H. phải làm thủ tục sang tên cho bà T. thửa đất 192. Nội dung hợp đồng hoàn toàn bất lợi cho ông H. và khi bà T. giao tiền, ông H. cũng không nhận đồng nào nhưng vẫn đồng ý ký tên và ra công chứng hợp đồng.
Sau vay tiền khoảng nửa tháng, chị N.H. bất ngờ thông báo với ông H. là không có khả năng trả lãi, yêu cầu ông H. thế chấp thửa đất 192 vay tiền ngân hàng vì lãi suất thấp hơn vay của bà T..
Do sợ mất đất nên ông H. đồng ý làm theo lời đề nghị của chị N.H. và đã đến một ngân hàng trên địa bàn TP Vĩnh Long thế chấp thửa đất 192 vay 300 triệu đồng. Khi ngân hàng giải ngân, ông H. đã giao toàn bộ tiền vay cho chị N.H. để trả nợ cho bà T.. Sau khi bà T. trả lại QSDĐ thửa 192, ông H. đã thế chấp cho ngân hàng.
Chị N.H. hứa sẽ đóng lãi và trả số tiền 300 triệu đồng mà ông H. đã vay dùm. Tuy nhiên, việc ông H. cho chị N.H. mượn QSDĐ, mượn tiền đều không làm biên nhận, chỉ thỏa thuận miệng. Khi các con ông H. biết được đã yêu cầu ông H. và chị N.H. đến phòng công chứng lập hợp đồng vay nợ ngày 20/4/2020 để hợp thức hóa việc ông H. vay dùm chị N.H. 300 triệu đồng.
Sau khi lập hợp đồng vay ngày 20/4/2020, chị N.H. cố tình không trả nợ gốc và lãi nên ngày 6/7/2022, ông H. gửi đơn khởi kiện yêu cầu chị N.H. trả số tiền 300 triệu đồng và lãi suất 1 %/tháng tính từ ngày 20/4/2020 cho đến khi nào chị N.H. trả xong nợ.
Quá trình giải quyết vụ án, chị N.H. không tham dự các phiên họp, hòa giải cũng không có bản khai trình bày ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhưng căn cứ hợp đồng vay ngày 20/4/2020 đã được đôi bên xác lập và công chứng, HĐXX có đủ cơ sở xác định chị N.H. có vay của ông H. 300 triệu đồng.
Do từ ngày xác lập hợp đồng vay đến nay, chị N.H. chưa thanh toán nợ gốc và lãi cho ông H. là vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận nên yêu cầu khởi kiện của ông H. là có căn cứ chấp nhận. Do đó, HĐXX đã tuyên buộc chị N.H. phải trả cho ông H. nợ gốc 300 triệu đồng và 99 triệu đồng tiền lãi chậm trả. Sau ngày tòa xử, nếu chị N.H. không thi hành sẽ phải tiếp tục chịu tiền lãi theo quy định.
Vay nợ phải trả và chị N.H. phải chấp hành theo phán quyết của tòa, đó là quy định. Nhưng với trường hợp của ông H. thì ngày ông được nhận lại số tiền trên chông chênh như lúc ông đặt bút ký vào hợp đồng vay tiền dùm cô bạn. Bởi không lâu sau ngày xác lập hợp đồng vay nợ, chị N.H. đã âm thầm rời khỏi địa phương và theo công an xác nhận thì từ năm 2021 đến nay, chị N.H. không còn sinh sống trong căn nhà đăng ký thường trú và cũng không rõ đã đi đâu.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin