Hệ lụy từ bản hợp đồng vợ ký nhưng chồng không biết

Cập nhật, 10:47, Thứ Sáu, 18/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Vợ ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nhưng chồng không biết kéo theo những hệ lụy do tranh chấp nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết.

Năm 2014, bà T.T.T. (ở TX Bình Minh) thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và căn nhà tường kết cấu một trệt, một gác lửng, diện tích 60m2 cho bà N.T.K.N. để vay tiền.

Do bị nợ xấu, bà T. không thể vay tiền ngân hàng nên được bà N. giới thiệu đến gặp ông V.V.L. vay tiền trả nợ cho bà N..

Ông L. là dân kinh doanh, khi được bà N. giới thiệu đã sử dụng giấy chứng nhận QSDĐ của bà T. thế chấp chung với gói vay kinh doanh của ông L. và được ngân hàng cho vay 400 triệu đồng.

Đến tháng 9/2017, bà T. ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và căn nhà đang ở cho ông L.. Sau đó, ông L. đăng ký kê khai và chuyển nhượng lại cho người khác dẫn đến tranh chấp phải đưa nhau ra tòa.

Quá trình giải quyết vụ việc, ông L. trình bày: Sau khi vay tiền khoảng 1 năm, bà T. có đến nhờ ông tìm người bán nhà. Do không có người mua nên ông đồng ý mua lại nhà của bà T. với giá 500 triệu đồng.

Trong số tiền này, ông đã ứng 400 triệu đồng trả nợ ngân hàng để lấy giấy chứng nhận QSDĐ ra và cấn trừ 33 triệu đồng tiền lãi ngân hàng mà ông đã đóng thay cho bà T., còn lại 67 triệu đồng giao cho bà T. bằng tiền mặt nhưng không làm biên nhận.

Khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, do phòng công chứng không yêu cầu ông T.T.C. (chồng bà T.) ra ký tên nên trên hợp đồng không có chữ ký của ông C..

Tuy nhiên, lúc chuyển nhượng nhà đất thì ông C. vẫn sống chung nhà với bà T. nhưng không tranh chấp. Sau đó, bà T. ký hợp đồng thuê lại căn nhà đã chuyển nhượng với giá mỗi tháng 2 triệu đồng.

Bà T. không đồng ý với lời trình bày trên và cho rằng: Khoảng tháng 9/2017, ông L. kêu bà đến phòng công chứng ký hợp đồng đáo hạn ngân hàng chứ không phải chuyển nhượng QSDĐ. Khi ký giấy tờ tại phòng công chứng, bà không nghe ai đọc lại nội dung của văn bản.

Sau đó, ông L. kêu bà làm giấy thuê nhà để giảm tiền lãi mỗi tháng còn 2 triệu đồng nên bà đồng ý ký. Việc này bà giấu chồng nên ông C. không biết.

Khi được mời làm việc, ông C. thừa nhận có ký hợp đồng thế chấp QSDĐ tại ngân hàng để nhờ ông L. vay tiền dùm. Việc bà T. ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, hợp đồng thuê nhà với ông L. thì ông hoàn toàn không biết.

Đến khi xảy ra tranh chấp, tòa mời làm việc thì ông mới biết việc ông L. chuyển nhượng nhà đất gia đình ông đang ở cho người khác.

Do đó, ông yêu cầu tòa vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ lập ngày 21/9/2017 giữa bà T. với ông L. do giao dịch này không phù hợp quy định pháp luật. Đồng thời vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng nhà đất mà ông L. đã lập với bên thứ ba vào ngày 20/11/2018.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã công nhận các hợp đồng nêu trên là có giá trị pháp lý nên buộc cả nhà bà T. phải di dời đồ đạc trả nhà đất cho ông L.. Bà T. không đồng ý đã kháng cáo và tòa phúc thẩm đã hủy toàn bộ án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu.

Theo HĐXX, hợp đồng thế chấp tài sản để đảm bảo cho ông L. vay tiền ngân hàng dùm thì bà T. và ông C. cùng ký tên.

Điều này cho thấy nhà và đất là tài sản chung của ông C. và bà T. trong thời kỳ hôn nhân. Việc nhờ ông L. vay tiền dùm tại ngân hàng, ông C. và bà T. đều thừa nhận.

Sau khi được ngân hàng giải chấp tài sản thế chấp, ngày 21/9/2017, bà T. ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho ông L. nhưng hợp đồng này ông C. không có ký tên, cũng không có chứng cứ thể hiện việc các bên thỏa thuận mua bán căn nhà gắn liền trên đất nên cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà T. và ông L., buộc cả nhà bà T. giao nhà đất cho ông L. là chưa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của những người liên quan.

Qua lời khai của ông L. và bà T. cho thấy, bà T. không có nhận 500 triệu đồng từ ngân hàng mà được cấn trừ nợ với bà N. và chỉ nhận phần còn lại 88 triệu đồng từ bà N.. Lời khai này của bà T. phù hợp với lời trình bày của ông L. là bà T. nhờ ông vay tiền để trả nợ cho bà N..

Do đó, cần xác định có hay không việc chuyển nhượng QSDĐ giữa bà T. với ông L. hay thực chất chỉ là bà T. nhờ ông L. vay tiền dùm tại ngân hàng.

Từ những phân tích trên, HĐXX cấp phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho tòa cấp sơ thẩm xác minh, thu thập chứng cứ đầy đủ, toàn diện để giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

DIỄM PHƯỢNG