Vì 845m2 đất, gia đình kéo nhau ra tòa

01:08, 26/08/2021

Mẹ qua đời để lại di chúc cho con là 4 căn nhà nhưng không nhắc đến 2 thửa đất. Một trong số những người con cho rằng mình có quyền hưởng thừa kế phần đất này nên xảy ra tranh chấp, kéo gia đình ra tòa giải quyết.

(VLO) Mẹ qua đời để lại di chúc cho con là 4 căn nhà nhưng không nhắc đến 2 thửa đất. Một trong số những người con cho rằng mình có quyền hưởng thừa kế phần đất này nên xảy ra tranh chấp, kéo gia đình ra tòa giải quyết.

Cụ L.T.S. có 12 người con, trước khi qua đời, cụ để lại di chúc giao 4 căn nhà cho người con trai là ông L.L.T. toàn quyền thừa hưởng.

Tuy vậy, ông T. “phát hiện” cụ S. còn có 2 thửa đất tổng diện tích hơn 845m2 nhưng không nhắc đến trong di chúc. Ông T. nghĩ mình là con phải được chia phần tài sản này nên làm đơn kiện ra tòa đòi quyền lợi.

Trong đơn, ông T. cho rằng anh ruột ông là L.V.X. và một số anh chị em khác trong gia đình tự ý lập văn bản thỏa thuận phân chia cho ông X. được thừa hưởng 2 thửa đất trên mà không có sự đồng ý của ông.

Ông T. lý giải, do mẹ ruột không lập di chúc để phần đất cho bất kỳ ai nên ông yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể, chia ra 12 phần cho 12 anh chị em, trong đó ông được hưởng 1 phần.

Do nguyên đơn hiện đang sinh sống ở nước ngoài, bị đơn là ông X. có nơi cư trú thuộc tỉnh Vĩnh Long và tài sản tranh chấp cũng nằm trên địa bàn tỉnh nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh.

Tại tòa, phía bị đơn cho rằng 2 thửa đất cụ S. không có đề cập trong di chúc vì do ông L.H.P. (cũng là con của cụ S.) đưa tiền cho ông X. mua giùm, nhưng người này có quốc tịch nước ngoài, lúc đó không đứng tên quyền sử dụng được nên mới nhờ bà S. đứng tên.

Đến năm 2014, ông P. qua đời, anh chị em trong gia đình thống nhất làm thủ tục cho ông X. đứng tên quyền sử dụng 2 thửa đất này, đợi khi vợ ông P. về nước thì bán và trả lại tiền mặt.

Về phần bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là anh chị em ruột đều xác định 2 thửa đất không phải là di sản của cụ S. để lại mà là tài sản riêng của ông P. do ông X. đứng tên giùm, nên không đặt ra chia thừa kế cho các con. Do đó, không đồng ý chia thừa kế thửa đất này theo yêu cầu của nguyên đơn là ông T.

Theo HĐXX, thời điểm năm 2006 cụ S. đã đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng 2 thửa đất nhưng đến năm 2009 khi cụ lập di chúc phân chia tài sản cho các con đã nêu rất rõ: “Vật chất, của cải cha mẹ không có gì để lại cho các con ngoài 4 căn nhà”. Riêng 2 thửa đất, cụ S. không đề cập trong di chúc và cũng không nhắc đến ở bất cứ tài liệu nào khác.

Ngoài ra, qua xem xét hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng, mặc dù cụ S. là người ký tên trên hợp đồng chuyển nhượng nhưng việc giao dịch và trả tiền toàn bộ là do ông X. trực tiếp trả giúp vợ chồng ông P.

Điều này cho thấy, lời trình bày của ông X. và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cho rằng cụ S. chỉ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giùm con chứ đất này không phải tài sản của cụ S. là có căn cứ chấp nhận.

Hơn nữa, cụ S. sinh năm 1931, đến thời điểm mua đất vào năm 2006 cụ đã 76 tuổi. Một người con của cụ cũng trình bày thời điểm này cụ S. già yếu sống nhờ các con, không có số tiền lớn để mua đất và cũng không có nhu cầu kinh doanh đất đai để kiếm lời vì toàn bộ tài sản cụ cũng phân chia hết cho các con.

Ông T. chỉ căn cứ vào việc cụ S. đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định phần đất này là di sản của cụ S. để lại, ngoài ra không cung cấp được chứng cứ nào khác nên tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh