Cảnh báo tội phạm: Dấu hiệu lừa đảo của "sàn BO"

12:08, 25/08/2021

Bằng cách dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số,... Nếu dự đoán đúng, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận theo tỷ lệ sàn đưa ra. Nếu dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền cho giao dịch đó.

 

Sàn Hitoption trước khi bị công an triệt phá.
Sàn Hitoption trước khi bị công an triệt phá.

(VLO) Bằng cách dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số,... Nếu dự đoán đúng, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận theo tỷ lệ sàn đưa ra. Nếu dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền cho giao dịch đó.

Đây là hình thức đầu tư tài chính trên không gian mạng, hay còn gọi là các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (sàn BO).

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vừa đưa ra cảnh báo hoạt động này có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình thức lừa đảo

Theo điều tra, thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đã thiết lập hàng trăm sàn giao dịch quyền chọn nhị phân và giới thiệu là sản phẩm của công nghệ tài chính nước ngoài, gắn mác ứng dụng công nghệ Blockchain trong cuộc cách mạng 4.0, khiến nhà đầu tư lầm tưởng các sàn này đã được cấp phép tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Thông tư số 21/2004/TT của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28/2016/TT-NHNN ngày 5/10/2016) thì chỉ có tổ chức tín dụng được phép thực hiện kinh doanh ngoại hối.

Do vậy, các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân đang hoạt động tại Việt Nam không thuộc đối tượng được xem xét, cấp phép.

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, có nhiều dấu hiệu nhận biết hoạt động đầu tư tài chính là hoạt động của các “sàn BO”.

Trong đó, các đối tượng giới thiệu là sàn của nước ngoài, được cấp phép tại nước ngoài nhưng thực chất đây là sàn do các tổ chức, cá nhân người Việt Nam thiết lập và điều hành, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút và phát triển nhà đầu tư.

Ví dụ như mô hình hoạt động của các sàn: Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, Remitex, Ares BO, Binanex, Fxtradingmarket, GardenBO, Hitoption. Các đối tượng cam kết lợi nhuận với các nhà đầu tư, chia hoa hồng cao khi lôi kéo được nhà đầu tư mới.

Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các “chủ sàn” sẽ can thiệp vào giá, điều chỉnh thắng thua hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.

Tháng 6/2021, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an TP Hải Phòng triệt phá 16 sàn giao dịch ngoại hối, forex, BO, tiền ảo và các website hoạt động theo phương thức đa cấp, trong đó có sàn Hitoption với hàng ngàn người tham gia.

Sàn này sử dụng chế độ tự động để đặt lệnh, sau đó can thiệp khiến khách hàng nhận kết quả thua hoặc thắng theo ý muốn.

Nhà đầu tư tham gia đặt cược theo tỷ giá lên, xuống của các cặp tiền điện tử trong 30 giây, nếu dự đoán đúng thì được hưởng 95% tiền đặt cược, nếu dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền (tương tự như trò chơi tài xỉu).

Nâng cao cảnh giác

Việc kiếm tiền bằng cách dự đoán xanh (tăng), đỏ (giảm), về cơ bản là hình thức cờ bạc tài xỉu. Từ đó, xuất hiện các khái niệm như: “tỉa nến”, “thổi nến”; “đọc lệnh”, kèm theo các cái tên như: “Chuyên gia đọc lệnh”, “hotgirl tỉa nến”, “thợ đục sàn”. “Đọc lệnh” là hành động mua hay bán một tài sản nào đó và người đưa ra lệnh là những “chuyên gia tài chính 4.0”.

“Nến” là từ được dùng để ám chỉ các thanh biểu đồ lên xuống trong bảng quyền chọn nhị phân, gồm nến xanh (giá tăng) và nến đỏ (giá giảm).

“Thổi nến” “tỉa nến” ám chỉ khả năng dự đoán chính xác đà tăng giảm của thị trường mà những “chuyên gia tài chính 4.0” này tự giới thiệu.

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, bản chất đây là các đối tượng môi giới, thường xuyên lôi kéo, dụ dỗ các nhà đầu tư tham gia hoạt động của các “sàn BO”.

Các đối tượng này thường xuyên tạo hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Họ tự nhận là chuyên gia, người dẫn đường, người tiên phong, người truyền cảm hứng trong lĩnh vực tài chính 4.0.

Các “chuyên gia tài chính” tự phong này luôn xuất hiện với biểu đồ xanh, tím, đỏ của một sàn giao dịch theo hình thức quyền chọn nhị phân và hình ảnh xe sang, đồng hồ, trang sức xa xỉ, phong cách sống thượng lưu nhằm “đánh bóng tên tuổi”.

Người tham gia vào các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân như nêu trên có nguy cơ bị mất tiền, tài sản. Ngoài ra, các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân sử dụng các đồng tiền ảo BTC, ETH, USDT để giao dịch, do vậy người tham gia sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân cần cảnh giác không để bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các tổ chức, cá nhân không quảng cáo, môi giới, tiếp tay cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu lợi dụng các hoạt động của sàn giao dịch quyền chọn nhị phân để tổ chức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư, các cá nhân cổ súy, tiếp tay cho các đối tượng thiết lập, điều hành trong việc quảng bá, hoạt động thanh toán có thể bị xử lý hình sự theo Điều 217a Bộ luật Hình sự về tội “Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” hoặc Điều 290 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh