Xuân bốn mùa ở làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ

Cập nhật, 05:55, Thứ Sáu, 13/01/2023 (GMT+7)
Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ nở hoa quanh năm, cung cấp cho thị trường.
Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ nở hoa quanh năm, cung cấp cho thị trường.

(VLO) Chiều cuối tuần tháng Chạp đẹp trời, chúng tôi đến Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (Cần Thơ). Xét về quy mô, với hơn 210 hộ dân ở hai phường là Long Tuyền và Long Hòa, quận Bình Thủy - làng hoa này có thể không bằng những làng hoa lớn khác, nhưng ở đây hoa nở bốn mùa không chỉ riêng bông Tết.

Làng nghề trăm năm

Chú Đoàn Hữu Bốn - 68 tuổi, nhớ lại thời hoàng kim: “Năm 2011 thành lập làng nghề này, hai bên đường trồng hoa rất nhiều, thời điểm nhiều nhất là gần 400 hộ trồng, trong đó có 10 hộ chuyên kiểng, những hộ còn lại xen canh kiểng và hoa. Thịnh nhất là năm 2012 - 2013”.

Chú Bốn cười: “Cái nghề bông nuôi sống mấy trăm hộ dân ở đây, với thu nhập đều đều mỗi tháng: trồng 10 tép thọ - 10g hạt giống cũng lời được tầm 10 triệu”.

Chú Bốn ngoài trồng bông còn bán phân bón và chậu cho những hộ xung quanh. Xen lẫn trong câu chuyện với chú là những cuộc điện thoại: Có khi hỏi chú Bốn có giống mới về chưa, có khi nói về mớ cúc mới trồng đã sắp nở bông muốn “ăn Tết sớm” nhờ chú chỉ cách neo bông lại, hay câu chuyện đăng ký lô ở chợ hoa xuân chỗ nào mắc rẻ,…

Một nét riêng của làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ là nét đô thị hài hòa với sự thật thà, dễ mến của nông dân miền Tây. Nụ cười chào đón khách đon đả, tự nhiên và rất thị thành nhưng cái sự chân chất không giấu nghề, không ham bán mắc thì rặt miền Tây không lẫn vào đâu được.

Những hộ trong làng nghề, ít cũng 200 chậu kiểng các loại, nguyệt quế, dành dành, lài rồi mai vàng, mai chiếu thủy, ly,…

Để chuẩn bị cho Tết này, chú Bốn trồng hơn 1.000 chậu bông với gần 20 chủng loại: hàng lớn có cúc mâm xôi màu vàng và tím. Chú Bốn nói: “Cây cúc mâm xôi tím, vàng đã bán hết, lái lấy luôn vì sợ hao hụt”.

Còn anh Trần Văn Niềm - phường Long Tuyền đang chuẩn bị những chậu lớn để sang chậu cho cúc mâm xôi. Anh Niềm nói: “Thời tiết năm nay khó, mưa quá trời làm đồ mình nó trễ”. Không chỉ trồng bông Tết, quanh năm anh Niềm còn trồng vạn thọ, cúc đáp ứng yêu cầu thị trường.

Mong Tết an vui

Điểm sáng đặc biệt của làng nghề còn là những con người luôn tìm tòi học hỏi cách trồng hoa, tìm giống mới, kháng bệnh tốt,… Chú Bốn cười khoe “năm nay tôi trồng nhiều hơn năm rồi, đặc biệt đang thử bông mới là cúc mâm xôi tím”.

Nhưng thời tiết không thuận lợi nên người trồng bông gặp nhiều khó khăn, bông dễ nở sớm. Chú Bốn rút kinh nghiệm: “Tôi trồng cùng thời gian với cúc mâm xôi vàng, cùng ngắt đọt, lên cơi nhưng cúc tím lại nở trước.

Từ kinh nghiệm này, những lần tiếp theo tôi sẽ trồng cúc mâm xôi vàng trước”. Trong vườn nhà chú Bốn còn có rất nhiều giống hoa mới lạ mà chú đang trồng thử nghiệm.

Cô Đỗ Thị Thành (phường Long Tuyền) thì khoe 100 chậu cúc kim cương Đà Lạt - “con so” năm nay, đang ra nụ đều. Đám bông mà cô trồng bằng cả niềm say mê “khi cây giống gửi về đã ra rễ, phải trồng liền trong đêm, trời thì mưa rúc rắc, tới 9 giờ đêm mới trồng xong”.

Hơn 40 năm trong nghề, cô Thành ở ngoài vườn bông nhiều hơn ở nhà. “Là chị hai trong nhà đông anh em, có truyền thống trồng bông nên tôi theo nghiệp cha hồi 14 tuổi”.

Theo cô Thành thì nghề trồng bông không nặng nhọc nhưng mất nhiều thời gian chăm sóc “sáng chưa đánh răng đã ra thăm bông”.

Kinh nghiệm từ cha, cô Thành chỉ lên cơi 2 lần cho bông lớn, nếu lên cơi 3 lần bông nhiều hơn nhưng nhỏ. Để chậu bông đều, đẹp phải sửa từng nhánh từ sớm, khi mới có nụ để “lá bông đi lên luôn, nếu sửa trễ nó ngã qua ngã lại không đẹp”.

“Tôi trồng quanh năm, ngày thường thì cúc, vạn thọ bán rằm, mùng 1. Tết thêm hướng dương, mâm xôi, cát tường” - cô Thành nói tiếp: “Mới bán 40 chậu nè, tôi bán sỉ hay lẻ đều không nói thách, có lời chút là bán để cho mọi người mua nhiều, đẹp nhà đẹp cửa”.

Cũng như nhiều người dân làng nghề - luôn tìm giống mới, chú Bốn đang thử nghiệm giống cúc mới thay cho dòng cúc Đài Loan có 2 màu vàng tím… Còn điều trăn trở của chú Bốn hiện nay là: “Đường này nhiều ổ gà, xuống cấp và đang đợi sửa chữa. Giao thông thuận lợi, làng nghề sẽ phát triển hơn”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Các tin khác: