Rộn ràng những ngày giáp Tết

Cập nhật, 05:42, Thứ Ba, 10/01/2023 (GMT+7)
Lẩy lá mai chuẩn bị đón Tết.
Lẩy lá mai chuẩn bị đón Tết.

Người Việt mình đón năm mới bằng từ “ăn Tết”- có lẽ chuyện ăn uống là phần quan trọng nhất cho những công việc chuẩn bị trong những ngày giáp Tết.

Thực ra thì đâu chỉ có chuyện ăn, còn là sửa sang, trang hoàng nhà cửa và từ trước rằm tháng Chạp mọi người đều lẩy lá những cây mai trước nhà. Canh sao cho bung nở sắc vàng rực rỡ đúng 3 ngày Tết.

Vậy nên, cái không khí chộn rộn trước Tết nó mới thực sự “Tết”, riêng chuyện ăn là đã bắt đầu từ trước đó vài tháng trời. Người miền Tây - thì sau mùa cá, mùa tát đìa bao giờ cũng làm khô để dành.

Từ 5 - 6 tháng trước, người ta nuôi heo dành mổ thịt bởi nhà nào cũng không thể thiếu nồi thịt kho hột vịt thiệt lớn.

Nồi thịt càng kho càng ngon, hột vịt thì càng dai lòng trắng, còn thịt thì càng mềm rục mà thành thịt heo kho rệu, đến nỗi lớp mỡ dày cui chạm đũa vào là tan ra.

Cận Tết lai rai muối dưa cải, món ăn kích thích ngon miệng vừa hỗ trợ tiêu hóa tốt trong mấy ngày thịt mỡ, bánh trái ê hề. Cùng với đó, loại nếp ngon nhất được để dành gói bánh tét.

Chuẩn bị Tết ngày xưa quả thực quá công phu, bởi trong cả năm sắp nhỏ mới được ăn uống thả ga mà. Nhưng còn là vì chợ búa ngừng buôn bán đến mùng 7 hạ nêu, nên mọi thứ đều phải trữ sẵn, toàn những món ăn có thể dành lâu ngày, bởi đâu có tủ lạnh như ngày nay.

Còn với trẻ con, niềm vui lớn nhất có lẽ là được may cho bộ đồ mới, cái cảm giác nôn nao, háo hức đợi chờ đó hẳn không còn nữa với trẻ em ngày nay. Cái thời mà vải vóc khan hiếm nên may được bộ đồ là quý lắm - ngay với cả người lớn.

Còn nhớ, thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, sinh viên có thể đem cái áo, cái quần cũ ra chợ Thủ Đức… bán, là đủ tiền xe về quê rồi. Ba má dành dụm cả năm mới có thể sắm mấy bộ đồ mới cho con, gặp nhà nghèo đông con thì… khỏi đi; đứa em mặc lại đồ đứa anh.

Hoa kiểng hồi xưa cũng đâu có nhiều như giờ, có khi một cây mai cổ thụ trong xóm tới xin ít nhánh về cắm bình bông là đủ rồi.

Chợ Tết ngày cuối năm người ta cũng cắt nhánh mai bán, đâu được “chơi” cả cây, hoa thì chở cả xe như ngày nay vậy. Thường nhà nào cũng tự trồng vài chục cây vạn thọ đủ cúng bàn thờ.

Với chuyện ăn uống thì tự làm cho đỡ tốn kém. Ngoài món bánh tét, các bà hay phơi chuối khô để ngào đường với thiệt nhiều gừng, cũng là món ăn theo nguyên lý hòa trộn âm dương.

Các chị, các cô hay trổ tài nữ công gia chánh, tỉ mẩn làm nhiều món mứt kiểu “cây nhà lá vườn” như mứt bí, mứt me… Sang lắm thì mới đi chợ mua bịch thèo lèo hay một ít mứt chà là. Miền Tây mình nói gì nói vẫn thích thủ sẵn trong nhà mấy món khô cá lóc, sặt rằn, cá chạch.

Nhiều thứ đã đổi thay, nhưng hương vị Tết cổ truyền vẫn được giữ gìn theo cách mới, tiện lợi hơn bởi nhiều người bận rộn hơn, không còn rảnh rang thời thuần nông một vụ nữa.

Vẫn còn đó bánh tét phương Nam lại có thêm bánh chưng trên bàn thờ, sum họp văn hóa Bắc - Nam, càng thêm hay. Những chậu mai vàng ngược đường ra Bắc, còn những cành hồng phai thì hối hả vào Nam.

Giờ cứ nhìn lên bầu trời đêm, trăng khuyết dần cho tới đêm 30 là đón Giao thừa. Những cây mai trước sân ươm đầy mầm nụ chuẩn bị bung nở mãn khai đúng ngày Mùng 1, rực rỡ sắc vàng đặc trưng của những ngày Tết phương Nam.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG