Nỗi niềm mùa nước nổi bên Bến Cá miền Tây

08:09, 01/09/2017

Để đến được Bến Cá, tận mắt xem các loại cá thuyền ngư dân bắt về, từ 2h sáng phải đi xe từ Cao Lãnh.

Để đến được Bến Cá, tận mắt xem các loại cá thuyền ngư dân bắt về, từ 2h sáng phải đi xe từ Cao Lãnh.

Thuyền cá về, ngư dân vớt ra rổ, lựa cá cho người buôn, cân ký tính tiền. Bữa sáng 26-8 cá có vẻ ít nên ngư dân toàn lớn tiếng đòi tiền “tươi”.
Thuyền cá về, ngư dân vớt ra rổ, lựa cá cho người buôn, cân ký tính tiền. Bữa sáng 26-8 cá có vẻ ít nên ngư dân toàn lớn tiếng đòi tiền “tươi”.

Qua khỏi cây cầu trên tỉnh lộ 955A bắc qua kinh Thứ Tư đổ vào kinh Vĩnh Tế, xe quẹo phải theo hướng dẫn của anh Tô Ba, chúng tôi đến ngã ba đầu tiên cách lộ chừng vài chục thước. Xe kiếm chỗ đậu.

Đi bộ quẹo trái đến một nơi những tia sáng đèn đội không ngừng thay hướng giao nhau: đó là Bến Cá, nơi cá mùa nước nổi về…

Để đến được Bến Cá, tận mắt xem các loại cá thuyền ngư dân bắt về, từ 2h sáng phải đi xe từ Cao Lãnh. Phải đến nơi lúc 5g mới kịp chứng kiến cảnh trên bến dưới thuyền, cá về, người đong kẻ cân.

Thứ bảy ngày 26-8-2017, cá linh tại bến chưa làm ruột, cắt đầu cắt đuôi 35.000 đồng/kg. Muốn ăn, chỉ cần nài lại một hay hai ký của một chị bán cá, là có để xách về.

Cá hôm nay đã trộng lắm rồi. Một ngư dân nói: “Hồi đầu mùa ở đây có lúc trên hai trăm một ký”. Nhiêu đó cũng cho thấy niềm thương nhớ cá đã lên cao trào.

Dưới bến, chừng bảy, tám chiếc thuyền… Tiếng cãi nhau của ngư dân đòi tiền tươi thật ồn ào, váng động cả một không gian trên kinh Vĩnh Tế buổi đầu ngày. To tiếng nhất là chị mua cá tên Tuyết. Tô Ba chỉ tay ra xa xa: “Đất Miên nằm ở ngoài lùm cây kia”.

Năm nay nước về nhiều hơn mấy năm trước, nhưng cá ít, một phần vì đầu mùa, tỉnh An Giang cấm bắt cá linh nhỏ, sau đó xả lịnh, cá có con bằng ngón tay trỏ.

Tô Ba thở dài: “Nước nhiều cá ít, không biết sao, có khi cạn kiệt rồi”. Nỗi ưu tư của một lão ngư nghe thật đáng sợ.

Chiều 24, ở chợ cá Cao Lãnh có chừng hai, ba người bán cá linh, với những mớ cá ít ỏi. Sáng 25, cũng tại đấy, chỉ chừng mười người vừa làm cá vừa chờ người mua. Không ai có nhiều.

Đặc biệt, con nước đầu tháng 7 cô hồn, mà chợ chỉ lưa thưa vài mớ cá bống trứng – vừa có trứng lẫn với không có trứng, tuy tên chúng là “cá bống trứng”, không rộ như hồi đầu tháng trước.

Lại càng không đủ nhiều để chia loại có trứng bán riêng, loại không trứng bán riêng như ở chợ Phong Điền mà chúng tôi đã kể. Cá giờ coi bộ bắt đầu “hiếm muộn” như người. Chợ cá Cao Lãnh sáng, không thấy phong phú sản vật của mùa con nước về…

Cá heo đuôi đỏ đặc trưng, với cái râu giống răng nanh heo nên gọi là nanh heo, riết rồi rụng mất từ nanh. Bây giờ rất khan hiếm.
Cá heo đuôi đỏ đặc trưng, với cái râu giống răng nanh heo nên gọi là nanh heo, riết rồi rụng mất từ nanh. Bây giờ rất khan hiếm.

Bảy Đúng, một thợ đàn ca cổ, một thời đi buôn cá, nói: “Ngày xưa cá nhiều lắm. Đâu có chích điện gì. Nước từ kinh Trung Ương (còn gọi là kinh Long An –PV) về cá lên đồng hết trơn.

Mà đồng hồi đó làm lúa mùa Trần Hưng, Nàng Tây, Nàng Tri đỏ. Còn bên Miên cũng lúa mùa Huyết Rồng, Móng Chim… Đợi nước giựt mới có cá nhiều”.

Buổi trưa chúng tôi được mời ghé nhà lão ngư Tô Ba. Thật ra, anh ấy tên Tô, thứ ba, nhưng ảnh giải thích: “Vì “ba tô” tui ăn không hết, nên mới đổi lại thành Tô Ba riết rồi quen.

Có khi còn “kiêu” bằng hàng hiệu Toshiba…” Tô Ba để dành cho khách mớ cá heo, còn gọi là cá nanh heo, loài cá tất bật ngược xuôi mà tôi đã từng kể về chúng.

Anh lại thở ra: “Cá này giờ mắc lắm. Nhưng có cá đâu mà bán. Tui thả đú bắt được mớ nào, để dành nhậu với bạn bè mớ đó”.

Nhìn những con nanh heo – mọc sợi râu trông như cái nanh, đuôi đỏ đặc trưng, tôi có dịp nhớ lại lần đầu tiên ăn thứ danh ngư này cách đây phải ba, bốn năm. Lúc đó là món kho lạt, ăn với rau ghém thấy đã ngon lắm rồi. Nhưng Ba Tô nói: “Chỉ có kho tiêu là ngon nhứt”.

Chắc là do chúng nhiều “mỡ máu”, béo hết sảy. Lần này có dịp và phải kể luôn là có hạnh được ăn cá heo nướng. Mùi mỡ của chúng thơm lừng. Vừa ăn vừa tiếc nhớ cho những ngày sắp tới. Đã vậy trong cái lồng rộng mớ cá heo còn có mấy con cá chốt bông lần đầu tiên tôi biết.

Trong bữa ăn, tôi còn được biết thêm món rau kim thất. Tô Ba giải thích: rau này chỉ mọc hoang dại ở núi Cấm, không mọc ở núi Sam.

Vị không thơm lắm nhưng hăng hắc lạ lẫm. Kim thất còn có tên là rau tàu bay. Cũng ở bữa ăn này, tôi còn biết thêm về lại lịch tận tường của súng. Mới biết, súng có đến ba loại súng.

Khi xào tép – con càng nhỏ càng ngọt – với bông điên điển và thêm mớ súng thiên nhiên vào mới ngon, vị ngọt cân bằng với vị nhẩn của bông điên điển. Súng này gọi là súng ta, phân biệt với súng mình và súng ma. Súng ta nụ đỏ nhưng hoa trắng.

Súng mình là súng trồng nụ đỏ nở bông cũng đỏ. Súng ma là súng mọc dài theo chiều sâu mực nước ngập. Súng ta bây giờ phải hái tận bên Campuchia, ở Việt Nam không còn vì “tệ nạn” một năm hơn ba vụ lúa…

Cảm ơn ông thầy lão ngư Tô Ba, hẹn gặp lại giữa Sài Gòn…

Theo NGỮ YÊN (Thế Giới Tiếp Thị)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh