Miền Tây xả lũ đón… phù sa

Cập nhật, 15:37, Chủ Nhật, 27/08/2017 (GMT+7)

Năm nay, nước lũ từ thượng nguồn về sớm, ít nhiều gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp do người dân chưa kịp thu hoạch lúa, hoa màu. Nước lũ tràn đồng mang theo lượng phù sa và nguồn thuỷ sản dồi dào, giúp người dân phát triển làng nghề, cơ hội mưu sinh và tận dụng khai thác các sản vật mùa lũ.

Theo Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, mực nước đo được trên sông Tiền tại Tân Châu ngày 25-8 cao 3,6m. Dự báo đỉnh lũ cao nhất tại Tân Châu, Hồng Ngự ở mức từ báo động 2 đến báo động 3, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10 tại Tân Châu cao từ 4 - 4,5m.

Đỉnh lũ năm nay cao hơn trung bình nhiều năm là cơ hội lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, cải tạo độ pH của đất, chuẩn bị cho vụ đông xuân năm sau bội thu. Đồng Tháp có 200.000 ha lúa hè thu, trong đó đã thu hoạch 123.000 ha.

Còn 140.000 ha lúa thu đông trong các ô bao đảm bảo an toàn, người dân đang thu hoạch dứt điểm trong tháng 8-2017.

Nông dân thượng nguồn biên giới tỉnh An Giang phấn khởi vì phù sa bồi đắp ruộng đồng.
Nông dân thượng nguồn biên giới tỉnh An Giang phấn khởi vì phù sa bồi đắp ruộng đồng.

Năm nay lũ về sớm, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã khuyến khích người dân xả lũ đối với những diện tích chưa xuống giống. Diện tích đã thu hoạch xong thì không xuống giống và cho xả lũ đưa phù sa vào bồi dưỡng cho đất.

Theo kế hoạch, Đồng Tháp cho xả lũ khoảng 100.000 ha diện tích trồng lúa. Tại các xã biên giới huyện Hồng Ngự, từ ngày 16-8, chính quyền địa phương đã mở cống, xả lũ đón phù sa, cải tạo và vệ sinh đồng ruộng.

Những ngày đầu tháng 7 âm lịch, tại các vùng đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp, nước đã mênh mông tràn đồng, nhiều nơi ngập sâu cả 1m, với màu phù sa đặc trưng.

“Năm nay, nước lũ về sớm nên đã thu hoạch xong vụ đông xuân, mở nước cho phù sa tràn đồng. Năm nào, nước lũ về sớm, năm đó bà con trúng đậm”, ông Nguyễn Văn Út, lão nông ngụ xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự hớn hở nói.

Tại An Giang, diện tích xả lũ tràn đồng đến thời điểm này đã hơn 23.000 ha. Ghi nhận tại các cánh đồng ở thượng nguồn biên giới, nước đã tràn vào, có nơi ngập đạt 1m, dòng nước đỏ ngầu, tín hiệu mang nặng phù sa cho đồng ruộng.

Ông Lê Văn Sơn (ngụ ấp Hưng Phú, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú) cho biết: “Mấy bữa nay, lội xuống đồng thì một lớp đất mịn bám vào chân cho thấy đây là phù sa, thứ mà bà con chúng tôi chờ đợi từ nhiều năm nay.

Cho nước lũ vào đồng sẽ tẩy trôi các chất độc tồn đọng trong các vụ trước, ém cỏ dại chết sạch, sâu bọ bị tiêu diệt, đất thêm màu mỡ, hứa hẹn mùa vụ sau bội thu”.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho biết, tại các cánh đồng nằm trong vùng đê bao khép kín sau khi nông dân thu hoạch lúa, hoa màu xong mùa vụ, ngành nông nghiệp cho “mở đồng đón nước”. Hiện, có hơn 80% các cánh đồng đã đưa lũ vào. Đây là việc làm mang lại lợi ích rất lớn cho vụ sản xuất sau.

Cụ thể, việc đưa nước vào đồng sẽ giúp thực hiện đúng quy trình vận hành kiểm soát lũ, theo hướng định kỳ, luân phiên xả lũ. Các loại dịch bệnh, sâu bọ sẽ bị nước lũ “nhấn chìm”, trả lại trạng thái sản xuất “sạch” cho bà con.

Nước đưa phù sa vào đồng ruộng, giúp đất “phục hồi sức khỏe” tạo điều kiện cho đất nghỉ ngơi. Thông qua việc đưa nước vào đồng, ngành nông nghiệp đã thống nhất, cân bằng lại lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt cho vụ lúa sau.

Việc đưa nước vào đồng sẽ giúp cân đối cung – cầu, điều chỉnh việc sản xuất theo đúng khuyến cáo của ngành chức năng.

Theo ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, lũ là hiện tượng tự nhiên xảy ra hàng năm gắn với lịch sử phát triển của ĐBSCL.

Sau trận lũ lịch sử năm 2011, những năm còn lại là lũ nhỏ, có mực nước thấp. Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL mong chờ một “mùa lũ đẹp”, mang theo lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng.

Nước lũ về, giúp vệ sinh đồng ruộng, tạo độ lắng phù sa và mang lại những vụ lúa bội thu. Người dân vùng ngập lũ tận dụng và khai khác những nguồn lợi thuỷ sản do mùa nước lũ mang lại.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công tác xả lũ sẽ giúp cải tạo đất canh tác, lưu giữ lượng phù sa, dinh dưỡng trong đất ruộng.

Việc xả lũ tại từng địa phương gắn liền với tình hình chung toàn tỉnh và có sự điều tiết mực nước, xây dựng giải pháp bảo vệ sản xuất lúa vụ thu đông, vườn cây ăn trái... tránh xung đột quyền lợi của các loại hình sản xuất.

PGS-TS Lê Tuấn Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) nhận định, những năm qua, đồng ruộng bị đóng kín trong các đê bao, nên chất lượng đất, nước bị suy giảm do thiếu phù sa và làm gia tăng ô nhiễm đồng ruộng. Hai tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp và An Giang cho mở đê bao xả lũ để đón phù sa là việc làm đáng khuyến khích.

Đồng quan điểm, GS-TS Võ Tòng Xuân khẳng định, việc cho lũ vào đồng ruộng là việc làm phù hợp với tự nhiên. Lũ vào cho đất thông thoáng, bớt lão hoá đất và giúp nhà nông cải tạo đất. Lũ vào tạo điều kiện cho cá đồng có chỗ sinh sôi, giúp người dân khai thác nguồn lợi thủy sản tăng thêm thu nhập.

Theo CAND