Về miệt cây trái Phong Điền

Cập nhật, 06:18, Chủ Nhật, 27/08/2017 (GMT+7)

Men theo con đường Cái Răng- Ba Láng- Vàm Xáng… chúng tôi đến Phong Điền (TP Cần Thơ) vào một ngày nắng đẹp. Đường tỉnh 923 uốn lượn bên sông, đón khách với vẻ dịu mát của dòng Cái Răng, mùi thơm của sầu riêng, măng cụt, khóm, chôm chôm,... xua tan cái nắng, cái xô bồ phố thị. Phong Điền đón chân người bằng những vườn cây xanh mát rất đồng bằng.

Một vựa trái cây ở Phong Điền.
Một vựa trái cây ở Phong Điền.

Nơi bốn mùa cây lành trái ngọt

Trục đường chính ở Phong Điền như một dải lụa đầy màu sắc chạy dọc theo dòng Cái Răng uốn lượn. Một hàng hoa quỳnh dài tít tắp là ranh giới giữa lộ và sông.

Những ngôi nhà xanh đỏ bên đường cũng là những vựa trái cây nho nhỏ kiểu “có gì bán nấy, mùa nào thức nấy”.

Nhà thì treo nhiều chùm chôm chôm đỏ rực, nhà thì để phía trước một sọt măng cụt màu đỏ tím, kế bên là những trái sầu riêng khổ qua, Ri 6 còn xanh cuống.

Đến Cần Thơ, nói đến trái cây là nhớ Phong Điền. Nói như chú Đoàn Văn Trọng ở ấp Trường Long B (xã Tân Thới- Phong Điền) thì: “Vùng đất này ngộ lắm, cây ăn trái gì trồng xuống cũng ngọt, cũng ngon”.

Chú Trọng trồng hơn 5 công vú sữa bơ, khoe: “Mỗi trái hơn nửa ký, láng o mà ngọt lịm nghen”.

Điểm nhấn màu sắc ở Phong Điền là những chùm dâu Hạ Châu vàng ươm. Nhiều người cho rằng dâu Hạ Châu trồng ở đây đặc biệt ngon ngọt và mỏng vỏ.

Bé Quỳnh ngồi cạnh mẹ trước hiên nhà bán dâu, miệng chúm chím mời: “Dâu Hạ Châu đi cô, bao ngọt, bao ngon, bao sạch”.

Cô bán chôm chôm ở nhà biệt thự cười hiền khô “thôi, tên tuổi gì, tui chỉ là người bán trái cây thôi”. Chôm chôm vườn mới hái ngọt ngọt, chua chua tróc vỏ giá 20.000 đ/ký.

Khách du lịch, người ở xa hay hàng xóm láng giềng cũng đồng giá, được khuyến mãi thêm nụ cười đôn hậu, dịu dàng của cô gái miền Tây.

Chú Trọng thì nói về quê mình từ thời “Phong Điền còn nhỏ xíu, lộ toàn ổ gà” mới mấy năm đã thay da đổi thịt. Chợ lớn hơn, có thêm bờ kè công viên thoáng mát, khách nước ngoài thì “tới hà rầm”.

Không khí trong lành, có nhiều vườn trái cây đặc sản, Khu du lịch sinh thái Phong Điền đã trở thành một điểm đến lý tưởng cho nhiều người với hơn 40 điểm tham quan trong đó có 28 khu du lịch sinh thái từ các vườn cây ăn trái với hàng chục loại trái cây đặc sản.

Đó là ông Trần Văn Liền- chủ vườn du lịch Vàm Xáng- có khu vườn rộng 3ha được ông trồng xen hơn 30 loại cây ăn trái để lúc nào cũng có trái cây phục vụ du khách; ông Lâm Thế Cương trồng và duy trì vườn ca cao hơn 50 năm… Năm 2016, huyện Phong Điền đã đón hơn 772.000 lượt du khách, đạt doanh thu 120 tỷ đồng.

Thăm vườn sầu riêng Tân Thới

Xã Tân Thới thuộc huyện Phong Điền có gần 400 hộ trồng sầu riêng với những CLB sầu riêng Ri 6. Chạy dọc theo con đường bao đê Xáng Xà No thênh thang rợp bóng cây kế bên dòng sông Cầu Nhím hiền hòa, chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Hoàng Thông- một trong những gia đình đầu tiên trồng sầu riêng Ri 6 ở xã này.

Anh nông dân trẻ xởi lởi đón chào chúng tôi với nụ cười chất phác. Lăng xăng làm mấy ly nước chanh, vợ anh Thông ra vườn hái chùm nhãn Ido thơm nức mời mà như tiếc nuối: “Sầu riêng mới cắt hết mấy hôm, không thì có thêm món Ri 6 nữa rồi”.

Trước hiên nhà mát rượi, anh Thông kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện người trồng sầu riêng và sầu riêng nuôi người.

Hơn 10 năm trước, 3ha vườn nhà anh Thông trồng cam mật nhưng cứ lối nước lên là lo ngai ngái “chưa có đê bao nên cỡ tháng 9 là không khô ống quần” vậy là cây cam chết.

Khi đường sá thông thương và bao đê được củng cố, anh xem tin tức và biết về sầu riêng của ông 6 Ri nên lặn lội qua đến Bến Tre mua cây giống về trồng.

“Sầu riêng là giống cây rất khó tính, những năm đầu lơ mơ ai chỉ gì làm nấy, sầu riêng ra trái mừng rơn mà nó lại bị sượng, xì mủ cây...”- mỗi lần thất bại là mỗi lần rút ra bài học, nay vườn sầu riêng đã ra trái ngọt nuôi người.

Anh Thông khoe: “Trái sầu riêng ngon phải đẹp nữa, xanh gai nhỏ, vỏ mỏng, cơm vàng ươm, vị ngọt, béo bùi”. Anh Thông cười khoe trong hơn 500 gốc thì lứa sầu riêng rồi có 50 gốc cho trái, anh mới cắt 10 tấn, được tròn 400 triệu đồng.

Vườn sầu riêng anh Thông xen mít thái xanh um, những lớp phân hữu cơ dính đầy gót giày. Anh nói: “Bà con ở đây đang tiến tới sản xuất hữu cơ để trái sầu riêng vừa ngon, vừa sạch”.

Cũng như bao người nông dân khác, anh Thông và những bà con nông dân nơi đây mong nông sản ổn định đầu ra, mong có nhiều chính sách sao cho nông sản Việt Nam đi ra thị trường quốc tế.

Trong tương lai xa, anh Thông và nhiều bà con nơi đây còn muốn mở khu du lịch sinh thái tại nhà, phục vụ những du khách muốn tìm đến nơi bình yên, sống gần gũi với thiên nhiên kiểu “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”.

Trong đôi mắt của người nông dân trẻ vừa ánh lên niềm tự hào vừa là một sự kỳ vọng. Anh hẹn chúng tôi 5 năm nữa lại ghé thăm, lúc đó 3ha sầu riêng sẽ cho trái rộ, biết đâu nhà anh sẽ là khu du lịch mới chốn này.

Lưu luyến rời Phong Điền, hành trang chúng tôi mang về là một xe trái cây với chôm chôm, dâu, sầu riêng và măng cụt, đường về như gần hơn. Hẹn đến Phong Điền vào một ngày không xa, nắng đẹp.

Xã Tân Thới có khoảng 700ha vườn, trong đó sầu riêng được trồng nhiều nhất với 156ha/338 hộ. So với năm 2012, diện tích trồng sầu riêng tăng gấp 4 lần. Hiện xã đang tiến tới thành lập Tổ hợp tác sầu riêng Tân Thới, tổ hợp tác sẽ hợp đồng với công ty phân bón cung cấp phân hữu cơ và bao tiêu sản phẩm.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY