Đối thoại trực tiếp và hợp tác

07:11, 26/11/2015

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ĐBSCL vừa qua đã tạo được dấu ấn mới khi không tập trung nhiều vào việc giới thiệu chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư mà dành phần lớn thời gian cho các đơn vị tư vấn cũng như nhà đầu tư quốc tế tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp (DN) và đại diện chính quyền địa phương, để tìm hiểu rõ hơn về khả năng hợp tác đầu tư.

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ĐBSCL vừa qua đã tạo được dấu ấn mới khi không tập trung nhiều vào việc giới thiệu chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư mà dành phần lớn thời gian cho các đơn vị tư vấn cũng như nhà đầu tư quốc tế tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp (DN) và đại diện chính quyền địa phương, để tìm hiểu rõ hơn về khả năng hợp tác đầu tư.

Doanh nghiệp Bến Tre giới thiệu sản phẩm từ dừa đến các đối tác Nhật Bản.
Doanh nghiệp Bến Tre giới thiệu sản phẩm từ dừa đến các đối tác Nhật Bản.

Xích lại gần hơn

Với chủ đề “Kinh tế ĐBSCL sau năm 2015- Tương lai kinh doanh và đầu tư ngành thực phẩm”, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ĐBSCL lần 3 năm 2015 đã mở ra nhiều triển vọng tiềm năng về đầu tư cho các tỉnh.

Bên cạnh việc giới thiệu cơ hội đầu tư, những thay đổi căn bản về hạ tầng và triển vọng hợp tác kinh doanh, đầu tư, tạo cơ hội cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầu tư tại các tỉnh ĐBSCL một cách chất lượng, chính xác và dễ dàng, diễn đàn này đã thiết lập và phát triển bền vững mối quan hệ 2 chiều giữa DN- DN, DN- chính quyền địa phương.

Ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ, cho biết:

“Mặc dù đây là lần đầu tiên VCCI Cần Thơ tổ chức một sự kiện song phương Việt Nam- Nhật Bản với quy mô lớn, nhưng ngay từ đầu, BTC đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía Tổng Lãnh sự Nhật Bản, các tổ chức hữu nghị và Hiệp hội DN Nhật Bản. Hy vọng chương trình sẽ trở thành một sự kiện thường niên giúp thúc đẩy văn hóa Việt Nam- Nhật Bản cũng như tạo điều kiện cho các DN 2 bên có thêm thông tin và cơ hội hợp tác kinh doanh.

Dưới góc độ một nhà ngoại giao có nhiều năm kinh nghiệm, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, ông Nakajima Satoshi cho rằng, chương trình giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam- Nhật Bản và hội nghị đầu tư vào ĐBSCL là cơ hội giúp hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam được cụ thể hơn. Hy vọng qua đó số lượng DN Nhật Bản đầu tư vào ĐBSCL sẽ tăng lên.

Hội nghị lần này còn có sự tham gia của hơn 200 đại diện DN đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, EU, Đài Loan… với kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt giúp phát triển ngành nông thủy sản vốn là thế mạnh của ĐBSCL.

Theo ông Phạm Thành Khôn- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh Vĩnh Long, Phó Chủ nhiệm CLB Các trung tâm xúc tiến ĐBSCL, các nhà đầu tư đã tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo địa phương nơi có dự án mà họ quan tâm và đi khảo sát thực tế. Đặc biệt, qua sự kiện này đã phản ánh góc nhìn về chiến lược đầu tư vào ĐBSCL của những đơn vị tư vấn quốc tế có uy tín.

Cần vượt qua “nút thắt”

Một trong những “nút thắt” đối với sự phát triển kinh tế ĐBSCL chính là cơ sở hạ tầng. Theo phân tích của bà Victoria Kwakwa- Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mặc dù ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nhưng mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu đặt ra của các nhà đầu tư nên việc thu hút vốn FDI vào vùng này còn khó khăn, gây hạn chế không nhỏ đến phát triển kinh tế- xã hội vùng.

Trên thực tế, bên cạnh cơ chế chính sách và thủ tục đầu tư, các DN nước ngoài trước khi quyết định bỏ vốn vào bất cứ một dự án nào tại ĐBSCL đều quan tâm và khảo sát kỹ càng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật tại chỗ và khả năng kết nối giữa địa phương với TP Hồ Chí Minh cũng như khả năng xuất- nhập hàng hóa giữa ĐBSCL với thị trường các nước.

Ông Kim Chan Young- phụ trách tư vấn đầu tư của Tổ chức Xúc tiến Đầu tư Hàn Quốc- cho biết: ĐBSCL muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư cần cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết hơn nữa. Phải nhấn mạnh vào lĩnh vực địa phương có thế mạnh.

Thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến là thế mạnh của vùng, ngoài ra, cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và mạng lưới giao thông.

Theo số liệu công bố, ĐBSCL hiện có 1.007 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 12 tỷ USD, chiếm khoảng 2,2% số vốn FDI đăng ký trong cả nước. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, con số này còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.

Trong nhiều năm qua, mặc dù vẫn giữ vị trí là vùng nông nghiệp trọng điểm, là vựa lúa và xuất khẩu thủy- hải sản hàng đầu của cả nước nhưng ĐBSCL vẫn chưa thể tạo nên một lực hấp dẫn đủ mạnh để kêu gọi đầu tư.

Vốn FDI tại đây hiện còn khiêm tốn khi so sánh với các vùng khác. Ngay cả Cần Thơ, được xem là thành phố trung tâm, là động lực phát triển của vùng hiện mới chỉ có khoảng 60 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn thực tế hơn 300 triệu USD.

Ông Yasuzumi Hirotaka- Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, ĐBSCL có những điểm yếu cần phải tập trung cải thiện. Đó là nhà đầu tư thiếu thông tin về cơ hội, chính sách đầu tư, thiếu hụt nhân công có tay nghề, dịch vụ hỗ trợ, công nghiệp hỗ trợ còn yếu. Hiện vẫn còn nhiều DN, tập đoàn lớn chưa biết ĐBSCL là vùng nông nghiệp trù phú, có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp.

Do đó, để ĐBSCL thực sự là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, bên cạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, việc nỗ lực hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng kết hợp với đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương là hết sức quan trọng.

 

Thông qua hội nghị đầu tư vào ĐBSCL lần 3 năm nay, ĐBSCL mời gọi đầu tư 74 dự án với tổng vốn khoảng 4 tỷ USD, trong đó Vĩnh Long đề xuất 9 dự án. Việc thu hút đầu tư vào các dự án này sẽ giúp cải thiện hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sản phẩm đặc trưng của vùng, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thô.

 

Bài, ảnh: LÊ SƠN- THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh