Với thay đổi này, một chiếc xe ô tô có giá bán ra thị trường 50.000 USD vào thời điểm năm ngoái, theo cách tính của NĐ 108 giá bán ra thị trường sẽ đội lên 52.500 - 55.000 USD, còn theo cách tính mới của dự thảo luật thì giá bán sẽ bị đẩy lên tới 55.000 - 60.000 USD.
Với thay đổi này, một chiếc xe ô tô có giá bán ra thị trường 50.000 USD vào thời điểm năm ngoái, theo cách tính của NĐ 108 giá bán ra thị trường sẽ đội lên 52.500 - 55.000 USD, còn theo cách tính mới của dự thảo luật thì giá bán sẽ bị đẩy lên tới 55.000 - 60.000 USD.
Các nhà nhập khẩu ô tô lo ngại cách tính thuế mới sẽ đẩy giá xe nhập khẩu tăng cao - Ảnh: Mai Vọng |
Ngày 14/11, 8 đại diện các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại VN, bao gồm Audi - Công ty TNHH ô tô Á Châu, Bentley & Lamborghini - Công ty TNHH CT - Wearnes Vietnam, BMW & Mini - Công ty cổ phần ô tô Á Châu, Jaguar & Land Rover - Công ty cổ phần ô tô UK, Renault - CN Công ty Auto Motor Việt Nam, Rolls Royce - Công ty cổ phần ô tô Regal, Subaru - Công ty TNHH Hình tượng ô tô Việt Nam, Volkswagen - Công ty TNHH ô tô Thế giới, vừa gửi kiến nghị đến các bộ ngành về các vướng mắc trong cách tính thuế được quy định trong dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2016.
Mới không được, cũ không xong
Đại diện các hãng xe cho rằng, quy định: “Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) do Chính phủ quy định so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra” trong dự thảo luật trái ngược với hướng dẫn trong Nghị định (NĐ) 108 là giá làm căn cứ tính thuế là giá do doanh nghiệp (DN) bán ra không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu.
Một DN đại diện tính toán, với thay đổi này, một chiếc xe ô tô có giá bán ra thị trường 50.000 USD vào thời điểm năm ngoái, theo cách tính của NĐ 108 giá bán ra thị trường sẽ đội lên 52.500 - 55.000 USD, còn theo cách tính mới của dự thảo luật thì giá bán sẽ bị đẩy lên tới 55.000 - 60.000 USD. Đáng nói là các DN đang lúng túng không biết nên tính thuế theo cách mới hay dùng cách cũ.
“Nếu áp dụng theo quy định hiện hành (NĐ 108) thì sợ khi cơ quan thuế thanh tra, truy thu thuế sẽ thâm lạm vào lãi, vì đã ký hợp đồng bán xe thì không thể lấy thêm tiền của khách. Còn theo luật mới thì phải chờ hướng dẫn. Vì vậy, DN kinh doanh ô tô rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan không dám bán xe cho khách, cũng không thể tính giá bán cho các hợp đồng từ ngày 1/1/2016”, một nhà đại diện nói.
Đây là lần đổi cách tính thứ 2 trong năm, sau khi NĐ 108 vừa được ban hành và có hiệu lực vào tháng 10.2015. Trong khi DN đã gửi văn bản đề nghị hướng dẫn cách tính thuế theo NĐ 108 vẫn chưa có hồi âm thì dự thảo luật mới đã ra đời.
Ngoài việc giá sẽ đội lên, theo cách tính mới DN nhập khẩu ô tô sẽ phải nộp tới 2 lần thuế. Theo quy định trước, xe nhập về cập cảng, giá xe bao nhiêu đóng thuế 1 lần. Bây giờ xe cập về cảng, DN đóng thuế TTĐB lần 1, đến khi bán ra phải đóng tiếp thuế trên lãi chênh lệch, rồi khấu trừ lại lần nộp thứ nhất.
Xe nhập tăng nóng để “né” thuế
Sản lượng ô tô từ đầu năm đến nay tăng nóng, đến 60% so với năm ngoái, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô 9 tháng năm 2015 tăng đến 88,5% về lượng và tăng 113% về giá trị. Nhưng theo các DN, sự tăng trưởng này phần lớn không phải do người tiêu dùng có nhu cầu cao hơn, mà do họ có nhu cầu mua để “chạy” thuế theo cách tính mới.
Các DN cho rằng, việc điều chỉnh thuế thay đổi liên tục trong thời gian ngắn sẽ tác động đến sự ổn định của thị trường. Chẳng hạn trong dự thảo luật, thuế TTĐB cho xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, loại có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống, từ ngày 1.7.2016 đến hết ngày 31.12.2017 là 40%, từ năm 2018 là 30%, năm 2019 giảm xuống 20%; xe có dung tích xi lanh trên 1.000 - 1.500 cm3, từ 1.7.2016 đến hết năm 2017 thuế 40%, từ năm 2018 là 35%, năm 2019 là 25%...
“Thuế suất không ổn định tạo tâm lý người mua sẽ đợi, làm ì thị trường, hoặc người mua đổ xô đi mua trước khi thuế tăng làm thị trường tăng nóng giả tạo trong thời gian ngắn. Điều này sẽ tạo ra một thị trường chạy theo chính sách và thuế, các DN khó dự báo để hoạch định chiến lược kinh doanh. Năm 2012 đã từng thay đổi thuế trước bạ tăng lên rồi giảm xuống làm thị trường giảm hơn 30%. Sau khi điều chỉnh lại, thị trường dần ổn định và tăng trưởng trở lại cho đến nay thì lại thay đổi tiếp”, đại diện một hãng xe than phiền.
Dự thảo luật Thuế TTĐB nếu được thông qua dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2016. Thời gian quá cận kề, vì vậy các nhà nhập khẩu kiến nghị trong trường hợp buộc phải điều chỉnh chính sách thuế theo dự luật Thuế TTĐB mới, Bộ Tài chính nên lùi thời gian áp dụng dự kiến vào đầu tháng 7.2016 để các DN có thể nghiên cứu hiểu đúng cách tính thuế mới, áp dụng và lập kế hoạch hoạt động, tránh xáo động kinh doanh, thị trường, người tiêu dùng. Bộ Tài chính cần tổ chức lấy ý kiến các nhà nhập khẩu được ủy quyền chính hãng và các nhà lắp ráp, sản xuất trong nước để thống nhất và đảm bảo ổn định kinh doanh...
Nguồn: http://vtc.vn/gia-o-to-tai-viet-nam-lai-tang-do-doi-cach-tinh-thue.1.580854.htm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin