Trị bệnh nấm da trên thỏ

03:07, 18/07/2023

Gần đây tôi thấy đàn thỏ bị rụng lông, lớp lông bị rụng lốm đốm, thỏ gầy, chậm lớn. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị bệnh này.

(VLO) Gần đây tôi thấy đàn thỏ bị rụng lông, lớp lông bị rụng lốm đốm, thỏ gầy, chậm lớn. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị bệnh này.

Nguyễn Văn Thông (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít)

Anh Thông mến!

Từ những dấu hiệu trên có thể đàn thỏ của anh đã bị bệnh nấm da, do sợi nấm ký sinh trên da, chủ yếu 3 chủng nấm microsporum, trichophyton và epidermophyton gây ra.

Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường phát triển và lây lan mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ và ẩm độ môi trường tăng cao, ở nơi thiếu ánh sáng. Bệnh có thể gây hại trên tất cả giai đoạn phát triển của thỏ, nhưng chủ yếu là trên thỏ con theo mẹ và thỏ sau cai sữa. Bệnh có thể lây lan sang người.

Biểu hiện đầu tiên, dễ thấy nhất là thỏ bị rụng lông. Lớp lông bị rụng có thể lốm đốm hoặc theo mảng tròn. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ tròn màu trắng ở vị trí mí mắt và tai. Từ những chấm nhỏ sẽ lan rộng thành nhiều vùng màu trắng tròn và nhỏ như cúc áo, đồng xu.

Nếu nặng có thể lan ra nhiều vùng da khác, thậm chí toàn thân của thỏ. Nếu không được cách ly và chữa trị kịp thời, bệnh sẽ lây lan rất nhanh sang những con thỏ khác trong chuồng.

Bệnh nấm da ở thỏ không nguy hiểm nhưng rất khó điều trị. Tỷ lệ tái phát cao nếu không có phác đồ điều trị đúng, điều trị toàn bộ và vệ sinh, sát trùng chuồng trại một cách triệt để.

Khi phát hiện thỏ nhiễm bệnh, cần tách riêng những con thỏ bị bệnh ra khỏi đàn. Cắt sạch lông vùng bị nấm, vệ sinh sạch sẽ. Sau đó tẩy uế chuồng nuôi và môi trường xung quanh bằng thuốc sát trùng 3 lần/tuần.

Dùng vime-iodine 10% vệ sinh hết vùng da bị nấm 1 lần/ngày/5 ngày liền. Sau đó, sử dụng thuốc vimectin 0,3% để tiêm dưới da với liều 1ml/12-15kg thể trọng.

Tiếp theo, cần dùng thuốc trị nấm bôi lên vùng da bệnh liên tục 4-5 ngày (1 lần/ngày). Phương pháp này mang lại hiệu quả rất tốt trong phòng trị bệnh nấm da thỏ. Cùng đó, bổ sung thêm vitamin C + B1 và ADE để tăng sức đề kháng cho thỏ. Đồng thời cho thỏ uống thuốc giải độc gan thận.

Để phòng bệnh cần chọn mua con giống tại những cơ sở uy tín, chất lượng, đảm bảo không bị bệnh nấm. Sau khi mua giống về, nên nuôi cách ly chúng với các chuồng thỏ cũ để hàng ngày tiện theo dõi sức khỏe của từng con. Sau vài tuần nếu không phát hiện bất thường có thể nhập đàn.

Nuôi nhốt thỏ với mật độ hợp lý. Chuồng nuôi cần đảm bảo thông thoáng, thức ăn, nước uống phải được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi cho ăn. Tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

BẠN NHÀ NÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh