Vụ lúa Thu Đông hàng năm ở tỉnh ta thường bị ảnh hưởng của mưa, lũ gây ngập úng gây chết giống, thất thoát sau thu hoạch. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành chuyên môn, từ đây đến cuối năm, do tác động của hiện tượng El Nino nên mưa, lũ ít hơn, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để có thể mở rộng diện tích vụ lúa Thu Đông năm nay.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo cần chú trọng khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa Hè Thu để chuẩn bị tốt cho vụ Thu Đông. |
(VLO) Vụ lúa Thu Đông hàng năm ở tỉnh ta thường bị ảnh hưởng của mưa, lũ gây ngập úng gây chết giống, thất thoát sau thu hoạch. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành chuyên môn, từ đây đến cuối năm, do tác động của hiện tượng El Nino nên mưa, lũ ít hơn, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để có thể mở rộng diện tích vụ lúa Thu Đông năm nay.
Điều kiện thuận lợi
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, vụ lúa Thu Đông năm nay có kế hoạch gieo sạ 30.000ha, chia làm 3 đợt chính: Đợt 1 là 4.000ha (từ ngày 25/5-15/6), đợt 2 là 20.000ha (từ ngày 27/6-12/7) và đợt 3 là 6.000ha (từ 27/7-11/8).
Như vậy, lúa sẽ được thu hoạch vào thời điểm giữa tháng 9 đến hết tháng 11/2023, đây là thời kỳ có nhiều mưa, lũ, bão, triều cường.
Tuy nhiên, theo dự báo từ đây đến cuối năm, do tác động của hiện tượng El Nino nên mưa, lũ ít hơn, mùa lũ năm nay có thể không thừa nước như mùa lũ năm 2022, đây là yếu tố thuận lợi để có thể mở rộng diện tích vụ lúa Thu Đông.
Tại Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng-Thủy văn tỉnh, từ tháng 8-10/2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ (TBNN trong thời kỳ có hoảng từ 6-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới) và tác động chủ yếu đến các khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.
Lượng mưa trong thời kỳ này phổ biến xấp xỉ so với TBNN trong tháng 8-9 (tổng lượng mưa tháng đạt từ 200-250mm) và thấp hơn từ 20-30% so với TBNN trong tháng 10.
Theo các nhà khoa học, khi lũ thượng nguồn càng giảm, lũ có xu hướng lũ nhỏ, xâm nhập mặn càng tăng gây khó khăn cho vụ Đông Xuân và Hè Thu thì cần tập trung đầu tư, mở rộng diện tích và tăng sản lượng vụ lúa Thu Đông hơn nữa, nếu như đáp ứng đầy đủ, kịp thời về nguồn nước cho sản xuất, nhất là công tác thủy lợi.
Về điều kiện này, hiện hệ thống thủy lợi của tỉnh đã cơ bản đáp ứng cho sản xuất và mở rộng vụ lúa Thu Đông vì đã được đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua.
Hiện hệ thống này đã khép kín, chủ động tưới, tiêu 94,24% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (tương đương 112.855ha), nhờ vậy mà triều cường lịch sử vào năm 2022 gây thiệt hại không lớn cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có vụ lúa Thu Đông năm 2022.
Một điều kiện thuận lợi nữa là giá lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 và vụ Hè Thu 2023 trong khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đều ở mức khá cao (bình quân cao hơn cùng kỳ năm trước từ 1.100-1.500 đ/kg), thị trường tiêu thụ lúa dễ dàng, xuất khẩu thuận lợi, tạo động lực cho nông dân đầu tư cho các vụ tiếp theo.
Để sản xuất thắng lợi
Theo kế hoạch, hiện đang là thời điểm xuống giống đợt 1 với 4.000ha, từ ngày 25/5-15/6, phân bố tập trung ven QL54 của TX Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn và các vùng đất gò ven sông Măng thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và một phần của huyện Vũng Liêm.
Để sản xuất thành công vụ lúa này, Sở Nông nghiệp-PTNT khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân cần rà soát, kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao đã xuống cấp và tăng cường nạo vét các kinh, mương nội đồng nhằm đảm bảo tiêu, thoát nước chống úng cho lúa trong điều kiện mưa, bão.
Những vùng có điều kiện sản xuất lúa khó khăn hoặc trồng 3 vụ lúa không hiệu quả có thể giảm vụ, chuyển đổi sang loại cây trồng khác hoặc bố trí lại mùa vụ theo hướng 2 vụ lúa- 1 vụ màu, 2 vụ lúa- 1 vụ cá, 2 vụ màu- 1 vụ lúa hay chỉ 2 vụ lúa.
Đồng thời, áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như IPM, ngập khô xen kẽ, bón phân cân đối hạn chế tối đa việc bón thừa phân đạm,… nhằm giúp cho cây lúa phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, chống chịu tốt các loại dịch hại và hạn chế đổ ngã.
Bên cạnh, cần chú trọng khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng. Sau khi thu hoạch vụ lúa Hè Thu phải vệ sinh đồng ruộng, cày, xới vùi gốc rạ vào đất và phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh. Nên bắt đầu xuống giống lúa Thu Đông tập trung cách thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu khoảng 3-4 tuần.
Lịch thời vụ xuống giống cần bố trí theo hướng tập trung “né rầy”, đồng loạt trên từng khu vực; không nên xuống giống kéo dài so với khung lịch chung. Kết hợp theo dõi số liệu rầy nâu vào đèn tập trung vào những ngày cuối tháng (từ ngày 20-25 dương lịch).
Đối với cơ cấu giống lúa, toàn tỉnh phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương. Trong đó, nhóm giống lúa chủ lực có khả năng thích ứng rộng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt: OM5451, OM4900, OM6976, Đài thơm 8, OM18, OM380,… Nhóm giống lúa bổ sung gồm: LH8, OM2517, OM9577, OM9955,…
Sở Nông nghiệp-PTNT còn chỉ đạo các đơn vị thuộc sở tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, chăm sóc phòng trừ dịch hại; khuyến cáo, nhân rộng các mô hình như “IPM”, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, mô hình công nghệ sinh thái, áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV, bón phân cân đối, nhằm giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa.
Đồng thời phối hợp với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, các tổ chức cung ứng giống phục vụ kịp thời cho sản xuất trong vụ lúa này.
Bài, ảnh: MỸ TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin