Để hạn chế lúa đổ ngã trong mùa mưa

07:06, 10/06/2023

Lúa đổ ngã không chỉ làm ảnh hưởng năng suất, phẩm chất lúa, mà còn làm tăng chi phí khâu thu hoạch, có thể gây thất thu lớn. Để hạn chế đổ ngã, đặc biệt trong mùa mưa bão, nông dân cần áp dụng nhiều biện pháp.

 

 

Lúa đổ ngã khiến lúa giảm năng suất, nông dân tăng chi phí.
Lúa đổ ngã khiến lúa giảm năng suất, nông dân tăng chi phí.

Lúa đổ ngã không chỉ làm ảnh hưởng năng suất, phẩm chất lúa, mà còn làm tăng chi phí khâu thu hoạch, có thể gây thất thu lớn. Để hạn chế đổ ngã, đặc biệt trong mùa mưa bão, nông dân cần áp dụng nhiều biện pháp.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT), vụ lúa Hè Thu 2023 trà lúa sớm đã thu hoạch hơn 1.400ha, ước năng suất bình quân 6,55 tấn/ha. Hiện tại, diện tích chắc xanh chín và chuẩn bị thu hoạch 15.000ha. Diện tích còn lại chủ yếu giai đoạn làm đòng đến trổ. Diện tích đổ ngã lúa giai đoạn chín do ảnh hưởng của mưa lớn với diện tích 12ha, thiệt hại nhẹ 5-10%.

Theo ngành nông nghiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đổ ngã trên lúa, như: do yếu tố thời tiết khí hậu (thiếu nắng và mưa nhiều), đặc tính giống lúa yếu thân hoặc có thân vươn cao, do rễ phát triển kém, mặt đất quá mềm nhão hoặc tầng canh tác mỏng, do thiếu nước hoặc bệnh trên thân phát triển khiến thân khô. Ngoài ra còn bởi dinh dưỡng không cân đối khiến vách tế bào mềm nên cây lúa cũng dễ đổ ngã.

Lúa bị đổ ngã làm cho khả năng quang hợp giảm, quá trình tạo hạt bị đình trệ do việc vận chuyển tinh bột vào hạt kém nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Đối với khu vực trũng, lúa đổ ngã bị ngâm lâu trong nước thiệt hại còn cao hơn. Thêm vào đó tiền công thu hoạch cũng tăng lên.

Nhiều nông dân cho hay, nếu như lúa đứng, công thu hoạch khoảng 250.000-300.000 đ/công thì lúa sập tiền công tăng lên từ 450.000-550.000 đ/công. Mặt khác, lúa ngã làm bông lúa ngập trong nước thúc đẩy hạt nẩy mầm, hoặc hư thối do nấm bệnh tấn công và giảm chất lượng gạo, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cũng tăng lên do lúa nằm sát mặt ruộng máy không thể cắt hết lúa và lúa bị rụng hạt nhiều.

Có 4 công lúa bị sập gần 40%, anh Lê Văn Lộc (xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình) cho biết: “Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là lúa có thể thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều trận mưa kèm theo gió mạnh đã làm lúa bị gãy đổ, ngã rạp xuống mặt ruộng. Vụ này, phải tăng thêm chi phí nhân công thu hoạch”.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, thời điểm này, do ảnh hưởng của mưa lớn, kết hợp giai đoạn lúa thích hợp tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại mạnh. Vì vậy, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh hại như đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt… khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh, người dân cần ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, để hạn chế hiện tượng đổ ngã, ngập úng trên lúa trong mùa vụ sản xuất, nông dân cần thực hiện một số giải pháp ngay từ đầu vụ. Cụ thể, ngay sau khi thu hoạch vụ trước cần cày ải phơi đất để tạo nên lớp đế cày, giúp khoáng hóa các chất hữu cơ và giải bớt các chất độc trong đất, giúp rễ lúa phát triển, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, lúa cứng cây hơn. Ruộng canh tác lúa cần làm bằng phẳng và có độ nghiêng để thoát nước được dễ dàng.

Nên chọn những giống lúa cứng cây, vừa kháng được sâu rầy, vừa hạn chế được đổ ngã khi lúa chín. Sạ mật độ vừa phải, hợp lý, sạ thưa không chỉ giúp tiết kiệm được giống, còn giúp rễ lúa phát triển tốt, thân khỏe, cứng cây, ít sâu bệnh, ít đổ ngã, dễ thu hoạch bằng máy.

Nông dân cần áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế đổ ngã lúa trong mùa mưa.
Nông dân cần áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế đổ ngã lúa trong mùa mưa.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho biết: Hiện đang trong giai đoạn thời tiết cực đoan, thay đổi thất thường, mưa nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa, nhất là giai đoạn chín, sắp thu hoạch.

Để hạn chế đỗ ngã trên cây lúa cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp như: bón phân cân đối, hạn chế bón thừa phân đạm, bổ sung thêm kali, canxi, silic… nhằm tăng cường tính chống chịu cho cây lúa, làm cho thân và rễ lúa cứng cáp hơn.

Khuyến cáo nông dân phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách khi phun thuốc, thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để đúng nơi quy định nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Đồng thời nên rút nước khô ruộng 7-10 ngày trước thu hoạch để mặt đất cứng tránh đổ ngã và dễ thu hoạch.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh