Phòng chống dịch bệnh vật nuôi giai đoạn chuyển mùa

02:05, 16/05/2023

Thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi, vì vậy người chăn nuôi cần phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi để hạn chế phát sinh và lây lan.

Người chăn nuôi cần chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi giai đoạn chuyển mùa.
Người chăn nuôi cần chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi giai đoạn chuyển mùa.

(VLO) Thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi, vì vậy người chăn nuôi cần phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi để hạn chế phát sinh và lây lan.

Theo ngành chăn nuôi, thời tiết đang bước vào mùa mưa, đây được xem thời điểm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và lây lan. Cần có giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong mùa mưa nhằm giảm thiệt hại cho các hộ nuôi.

Có 4 con bò vừa mới tiêm vaccine, chú Nguyễn Văn Ro (xã Tân Hưng, huyện Bình Tân) cho hay: “Bước vào mùa mưa tôi đã tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn bò, hạn chế cho người lạ vào khu vực chăn nuôi và đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng để đàn bò tăng sức đề kháng”.

Có hơn 1.000 con gà, chị Lê Thị Diễm (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Thời tiết ẩm ướt là tác nhân gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của gia cầm.

Do đó, tôi đã chủ động phòng dịch, bên cạnh tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, tôi cũng thường xuyên rắc vôi bột xung quanh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun xịt thuốc sát khuẩn theo định kỳ. Nhờ vậy mà đàn gà của tôi luôn được an toàn, khỏe mạnh, ít khi bị dịch bệnh tấn công”.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 200.000 con heo, trên 84.000 con bò và trên 11 triệu con gia cầm. Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, không phát hiện bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên gia súc và bệnh cúm gia cầm.

Theo đó, để chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan diện rộng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và hoạt động sản xuất của người chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện kế hoạch tổng vệ sinh, khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Qua đó, nhằm chủ động loại trừ mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi, hạn chế phòng ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò, lở mồm long móng và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác… bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi và sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế do dịch bệnh cho người chăn nuôi.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ trong môi trường chăn nuôi, tích cực hưởng ứng các đợt tiêu độc khử trùng do tỉnh phát động, góp phần khống chế mầm bệnh, không để phát sinh dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản, vào giai đoạn chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi, sức đề kháng của vật nuôi giảm, khiến cơ thể yếu, cộng thêm yếu tố mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể khiến vật nuôi dễ có nguy cơ mắc bệnh.

Đặc biệt là gia súc, gia cầm sơ sinh và gia súc đang có thai rất nhạy cảm khi thời tiết mưa nắng thất thường. Bên cạnh việc nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, người chăn nuôi phải nâng sức đề kháng cho vật nuôi.

Cụ thể, người chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra chuồng trại chăn nuôi. Tu sửa, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh.

Di dời đàn vật nuôi lên cao để tránh úng ngập. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi.

Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1-2 lần/tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi.

Bên cạnh đó, luôn để gia súc, gia cầm nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì gia súc, gia cầm trong môi trường ẩm ướt, lạnh chân sẽ rất dễ mắc bệnh. Chú ý giữ ấm cho gia súc, gia cầm; hạn chế tăng đàn trong mùa mưa.

Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Đối với heo con và gà con ở giai đoạn úm nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.

Song song đó, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh, phải báo ngay cho thú y viên hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa cần được người chăn nuôi thực hiện thường xuyên, liên tục để đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh