Phát triển lúa gạo sạch, chất lượng cao

Cập nhật, 11:21, Thứ Hai, 23/01/2023 (GMT+7)
Nhiều nông dân, hợp tác xã chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất lúa theo hướng an toàn, hữu cơ.
Nhiều nông dân, hợp tác xã chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất lúa theo hướng an toàn, hữu cơ.

(VLO) Nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thị trường, nhiều nông dân, hợp tác xã tại huyện Vũng Liêm đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, an toàn, chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu lúa gạo.

An toàn từ đồng ruộng đến bàn ăn

Thời gian qua, các mô hình cơ cấu lại ngành nông nghiệp tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Theo đó, Vũng Liêm tiếp tục thực hiện cánh đồng lúa chất lượng cao 4.100ha, duy trì diện tích sản xuất lúa hướng hữu cơ gần 100ha.

Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm.
Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm.

Trong đó, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi) đang có đầu ra ổn định và triển vọng phát triển bền vững gắn kết giữa sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Là hợp tác xã đầu tiên ở ÐBSCL đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ EU (Liên minh châu Âu), USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và JAS (tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản), ông Ðoàn Văn Tài - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt chia sẻ: Hơn 10 năm nay, hợp tác xã đã xây dựng và phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị và định hình thương hiệu gạo hữu cơ Tấn Đạt.

Mô hình này đã tạo ảnh hưởng tích cực trong việc bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho lao động, tạo điều kiện mở rộng liên kết với nông dân.

Nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn.
Nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn.

Cũng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ an toàn, ông Lê Văn Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận) cho hay: Các thành viên hợp tác xã đã chuyển đổi từ hình thức canh tác lúa vô cơ sang hữu cơ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đưa sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng cao đến người tiêu dùng.

“Quy trình trồng lúa hữu cơ tốn nhiều công sức, chi phí đầu tư cũng cao hơn. Tuy nhiên, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ hạt chắc cao. Khi thu hoạch, chất lượng gạo cũng ngon hơn, bán được giá hơn” - ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, việc không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ còn giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch cũng như các loài thủy sinh sống trong ruộng lúa.

Vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật cũng được thu gom đúng chỗ. Nông dân cũng đã ý thức chấp hành quy trình chăm sóc bằng phân hữu cơ để giúp tăng trưởng cho cây lúa và cải tạo đất.

Sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ

Bên cạnh phát triển sản xuất lúa theo hướng an toàn, hữu cơ, công tác liên kết sản xuất tiêu thụ cũng được ngành chức năng, hợp tác xã quan tâm bởi đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo.

Ngoài Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt; Hợp tác xã Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận sản xuất lúa theo hướng hữu cơ liên kết thu mua với Công ty MS 2019, còn có Hợp tác xã Nông nghiệp Tân An Luông liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với công ty thuộc Tập đoàn Lộc Trời và đang tiếp tục thực hiện chuỗi giá trị sản xuất.

Sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận.
Sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận.

Ông Lê Văn Sơn cho hay: Hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết nhà nông - doanh nghiệp nên thành viên không phải lo về giống, phân bón, góp phần giải quyết tình trạng bấp bênh về giá lúa.

Ông Dương Ái Đạo - Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vũng Liêm

Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ kết hợp doanh nghiệp liên kết tập huấn cho nông dân trong cánh đồng lúa chất lượng cao; vận động các hợp tác xã nông nghiệp gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong sản xuất lúa và cây ăn trái với các doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp - PTNT tiếp tục hỗ trợ thực hiện mô hình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Hợp đồng được ký hàng năm, nếu giá thị trường tăng thì sẽ thương lượng lại theo hướng có lợi cho nông dân.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Tân An Luông cho hay: Khi thực hiện liên kết sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia.

Bên cạnh đó, hợp tác xã sẽ đảm bảo ổn định sản xuất cho các thành viên, tăng cường sự gắn kết, đoàn kết giúp nhau tổ chức sản xuất theo quy trình chung.

Doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ có vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường, sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăm sóc, thu hoạch, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Tân An Luông cho biết: Trong thời gian qua, nông dân đã áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng mô hình canh tác thích hợp để thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao.

Hiện toàn xã có 7/12 ấp áp dụng sản xuất lúa theo hướng an toàn, chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sẽ ổn định đầu ra sản phẩm, nâng thu nhập cho nông dân, giúp hợp tác xã có vùng sản xuất lúa ổn định.

Có thể thấy, để phát triển sản phẩm lúa gạo theo hướng bền vững, thì việc chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ là một hướng đi đúng, nhằm tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Kế hoạch Thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030 của huyện Vũng Liêm, phấn đấu đến năm 2030: có 7.000ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, đạt chứng nhận hữu cơ và theo hướng GAP, an toàn thực phẩm, trong đó 600ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Bài, ảnh: THẢO LY