Nuôi cá trong vèo mùa nước nổi

05:11, 29/11/2022

Nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá trong vèo vào mùa nước nổi từ các năm trước đạt khá cao, nên năm nay nhiều nông dân tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá trong vèo để tạo thêm thu nhập trong mùa lũ.

Ông Thành cho biết, ưu điểm của nuôi cá lóc trong vèo là vừa tránh được hao hụt lại vừa dễ theo dõi, chăm sóc.
Ông Thành cho biết, ưu điểm của nuôi cá lóc trong vèo là vừa tránh được hao hụt lại vừa dễ theo dõi, chăm sóc.

(VLO) Nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá trong vèo vào mùa nước nổi từ các năm trước đạt khá cao, nên năm nay nhiều nông dân tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá trong vèo để tạo thêm thu nhập trong mùa lũ.

Như những năm trước, mùa nước nổi năm nay, ông Trần Ngọc Thành - ấp Thạnh Lợi (xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ) thả nuôi cá lóc trong vèo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thành cho biết: “Thay vì bỏ mương trống thì tui nuôi cá lóc trong vèo, bình quân bán 3 tấn cá thì lời được 1 tấn. Hồi giữa tháng 7 âm lịch tui thả nuôi 1.000 con, thu hoạch cá kiếm lời được khoảng 4,5 triệu đồng” - ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, nuôi cá lóc trong vèo khá đơn giản, do đặc tính sinh trưởng và phát triển của chúng phù hợp với miền Tây Nam Bộ. Trung bình, 1.000 con cá thả nuôi trong diện tích 8 - 12m2.

Thức ăn cũng rất dễ tìm, người nuôi chỉ việc ra đồng bắt cua, ốc bươu vàng về bằm nhuyễn cho cá lóc ăn. Ưu điểm của nuôi cá lóc trong vèo là vừa tránh được hao hụt lại vừa dễ theo dõi, chăm sóc.

Mùa nước nổi năm nay, ông Phước Văn Vũ - ấp Phú Thạnh B (xã Phú Quới, huyện Long Hồ) tiếp tục làm vèo thả nuôi 500 con cá lóc đầu nhím. Ông Vũ cũng cho biết, nuôi cá khá đơn giản, chi phí không nhiều lại cho thu nhập cao mà thức ăn cho cá thì có sẵn trong đồng ruộng.

Nuôi cá lóc trong vèo giúp nông dân có thêm thu nhập vào mùa nước nổi.
Nuôi cá lóc trong vèo giúp nông dân có thêm thu nhập vào mùa nước nổi.

Ông Vũ chia sẻ: Để nuôi cá lóc trong vèo đạt hiệu quả thì trước tiên phải tìm nơi bán cá giống đạt chuẩn. Bên cạnh, phải xử lý ao nuôi cho tốt rồi mới thả cá xuống. Làm vèo bề ngang 2m, dài 4m thì nuôi 300 con là vừa. Lúc cá còn nhỏ cho ăn ngày 2 cử rồi tăng lên 3 cử, đến khi cá lớn thì chỉ cho ăn 2 cử thôi.

Theo Trạm Khuyến nông huyện Long Hồ, mùa lũ năm nay nông dân trong huyện đã thực hiện mô hình nuôi cá trong vèo với hơn 100.000 con cá các loại.

Những hộ thực hiện mô hình này đều cho biết: ưu điểm của nuôi cá trong vèo là ít hao hụt, dễ chăm sóc và dễ theo dõi sự phát triển cũng như bệnh của cá để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hiện, cá lóc nuôi có giá 35.000 - 40.000 đ/kg, cá rô nuôi 32.000 - 36.000 đ/kg. Trung bình, thả nuôi 1.000 con cá khoảng 2,5 tháng thì thu hoạch, lợi nhuận bình quân khoảng 4 triệu đồng.

Ông Phước Văn Dũng - ấp Phú Thạnh B (xã Phú Quới) cho biết: “Tui chủ yếu bắt cua ốc về bằm nhuyễn và trộn với một ít muối cho cá ăn. Trộn muối vào thức ăn là cách để cho cá không bị ghẻ, ăn dễ tiêu, không bị bệnh. Khi nuôi cần chú ý nguồn nước sạch để cá ít bị bệnh và mau lớn”.

Nuôi cá trong vèo ít tốn chi phí đầu tư, người nuôi chỉ cần bỏ vốn mua cá giống, bỏ công tìm kiếm thức ăn cho cá, riêng vèo có thể sử dụng được nhiều lần và tiền mua vèo cũng ít.

Song, mô hình này hiện còn mang tính tự phát, để mô hình nuôi cá trong vèo đạt hiệu quả cao và bền vững, nông dân rất cần ngành chuyên môn hướng dẫn về kỹ thuật nuôi, cách chọn cá giống, cách trị bệnh cho cá để hiệu quả cao hơn.

Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh