Tích cực gia cố, nỗ lực ứng phó triều cường

06:10, 13/10/2022

Dù đã được cảnh báo và triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó, tuy nhiên, nước dâng cao trong mấy ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân và thiệt hại sản xuất. Các địa phương đang nỗ lực ứng phó kịp thời với các tình huống, nhằm hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra.

 

Nhiều diện tích cây ăn trái, hoa màu bị ngập do triều cường.
Nhiều diện tích cây ăn trái, hoa màu bị ngập do triều cường.

Dù đã được cảnh báo và triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó, tuy nhiên, nước dâng cao trong mấy ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân và thiệt hại sản xuất. Các địa phương đang nỗ lực ứng phó kịp thời với các tình huống, nhằm hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra.

Nhiều thiệt hại sinh hoạt - sản xuất

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN), triều cường trong các ngày qua vượt mức lịch sử năm 2019. Ghi nhận mực nước đo được trên các sông chính tại trạm Mỹ Thuận là 2,13m (trên báo động III là 0,33m), trạm Cần Thơ là 2,23m (trên báo động III là 0,33m).

Tại TP Vĩnh Long, địa phương đã có chuẩn bị như đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến kè chống sạt lở, khai thông cống rãnh các tuyến đường nội ô, chuẩn bị sẵn các máy bơm nước, đồng thời thông báo đến người dân chủ động ứng phó. Tuy nhiên, do nước trên các sông lớn dâng lên cao, tràn qua đường nên việc vận hành máy bơm không thể thực hiện, các tuyến đường nội ô bị ngập nặng. Theo đó, từ ngày 9 - 11/10, nhiều tuyến đường nội ô ngập sâu, có nơi ngập tới 0,5m, khiến cho việc lưu thông, sinh hoạt và mua bán của người dân gặp nhiều khó khăn.

Còn tại huyện Bình Tân - nơi được xem là “rốn lũ”, triều cường đã gây nhiều thiệt hại, như: tràn bờ bao, sạt lở đập, ngập rẫy rau màu, vườn cây ăn trái, tràn ao cá làm thất thoát trên 7,2 tấn,… Anh Võ Văn Bé Tám (xã Tân Thành), cho biết: “Triều cường lên nhanh quá trở tay không kịp. Mọi năm vườn mít của tôi không bị ngập mà năm nay nước dâng cao khiến mít bị ngập sâu. Có thể sẽ ảnh hưởng đến năng suất”.

Tại xã Tân An Luông (Vũng Liêm), Phó Chủ tịch UBND xã - Trần Thành Trung, cho hay: Những ngày qua nước dâng cao và ngập nhiều khu vực, xảy ra tràn nước ở một số điểm cục bộ. Hiện tại, có nhiều công trình như đê bao sông Măng Thít, đê bao Mương Khai đã góp phần hạn chế tình trạng ngập ở các khu vực nhà dân gần bờ sông. Địa phương cũng đã sớm có kế hoạch ứng phó với triều cường, trong đó chú trọng triển khai thực hiện nhanh các công trình, dự án thủy lợi, cống giao thông trước mùa mưa bão; thường xuyên theo dõi tình hình bão lũ, triều cường để vận hành hệ thống các công trình thủy lợi, chống tràn.

Còn tại xã An Bình (Long Hồ), triều cường đã làm một số ao cá bị sạt lở và tràn nhiều đoạn bờ bao, thiệt hại hơn 120 triệu đồng. Địa phương cũng đã thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, vận động người dân tự be bờ, gia cố đê bao để bảo vệ cây trái và ao cá.

Tại cù lao Dài gồm 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện (Vũng Liêm) - nhờ thực hiện tốt công tác chủ động ứng phó nên triều cường chỉ tràn nước cục bộ ở một số nơi nhưng cũng nhanh chóng rút theo triều. Riêng một con đập tại ấp Thông Lưu - xã Thanh Bình bị sạt nhỏ cũng đã được địa phương và người dân tích cực gia cố.

Khắc phục kịp thời, nỗ lực ứng phó

Ông Hồ Thế Nhu - Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Long Hồ cho biết, nước dâng cao nguy cơ gây ngập 35ha lúa gần đến ngày thu hoạch của người dân, nên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã điều động máy cơ giới đến hỗ trợ người dân thu hoạch ngay để hạn chế thiệt hại. Đối với tình hình nước tràn, sạt lở cục bộ, ban chỉ huy cũng hỗ trợ, phối hợp địa phương khắc phục ngay. Trong những ngày tới, sẽ tiếp tục nắm tình hình, phối hợp yêu cầu địa phương rà soát, dự báo tình hình để kịp thời thực hiện những giải pháp bảo vệ các công trình, gia cố đê bao, đường đi; tăng cường tuyên truyền người dân chủ động kiểm tra, gia cố bờ bao, kịp thời báo địa phương hỗ trợ để khắc phục các sự cố tràn nước lớn hoặc sạt lở.

Ông Lưu Nhuận - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Ngay từ đầu năm đã có cảnh báo sớm về tình hình triều cường năm nay, do đó các địa phương đã có chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó và thông tin đến người dân biết để có sự chuẩn bị, do đó tình hình thiệt hại do triều cường được hạn chế. Hiện các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân khắc phục và thống kê thiệt hại, tiếp tục theo sát tình hình để gia cố kịp thời các vị trí xung yếu, giảm thiểu tối đa các thiệt hại trong đợt triều cường này.

Theo ông Lưu Nhuận, dự báo từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ còn đối mặt với 5 đợt triều cường nữa, trong đó tập trung vào các đợt cuối tháng 11 và 12 âl, do đó các địa phương cần tích cực triển khai các giải pháp để ứng phó. Theo đó, cần tăng cường cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông kênh rạch có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở, chủ động phòng, chống ngập úng, vận hành các máy bơm thoát nước, nhất là ở khu dân cư, trường học, nuôi trồng thủy sản, vườn, hoa màu… Đồng thời, cần tổ chức lực lượng ứng trực kịp thời, sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý ngay các sự cố sạt lở, đảm bảo an toàn,…

Từ ngày 6 - 11/10, triều cường đã làm ngập 250ha lúa Thu Đông, hơn 90ha hoa màu, hơn 140ha cây ăn trái; 34 tuyến bờ bao bị tràn, 20 đoạn bờ bao bị sạt lở, 19 đập bị tràn, 8 đoạn đập sạt lở, hơn 400 căn nhà bị ngập; 2 chợ ngập, nhiều tuyến đường giao thông, đường đan bị ngập, tràn; tràn 1 ao nuôi ba ba và 68 ao cá. Ước thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại do sạt lở trên 680 triệu đồng, thiệt hại thủy sản 500 triệu đồng. 

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh