Hoa lan cắt cành: hướng đi hiệu quả

04:10, 12/10/2022

Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị, trong vài năm qua, nhiều người dân tại TP Vĩnh Long đã chú trọng phát triển nhanh mô hình trồng hoa lan cắt cành. Đây cũng là mô hình thích hợp cho những hộ có quỹ đất ít để phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

 

 

Người dân có thu nhập khá từ mô hình trồng hoa lan cắt cành.
Người dân có thu nhập khá từ mô hình trồng hoa lan cắt cành.

Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị, trong vài năm qua, nhiều người dân tại TP Vĩnh Long đã chú trọng phát triển nhanh mô hình trồng hoa lan cắt cành. Đây cũng là mô hình thích hợp cho những hộ có quỹ đất ít để phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều người trồng hoa lan cho hay: Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp đang dần thu hẹp, do đó, cần phải lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp để tăng thu nhập. Trong đó, trồng hoa lan cắt cành đem lại thu nhập khá trong nhiều năm qua.

Có hơn 6 năm trồng hoa lan cắt cành, chú Phan Văn Chẩn (phường Tân Ngãi), cho biết: “Năm 2015 được Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long hỗ trợ 200 cây lan giống. Sau thời gian trồng thử nghiệm gặp không ít khó khăn, nhờ kiên trì, chịu khó vườn lan của tôi ngày càng phát triển, sinh trưởng tốt”. Đến nay, với 500m2 đất xung quanh nhà, chú Chẩn đã trồng 6.000 cây lan Mokara.

Theo chú Chẩn, hoa lan có hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác. Tại những vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả hay diện tích hạn hẹp thì có thể trồng lan vì không cần nhiều đến độ dinh dưỡng của đất và có thể trồng treo, trồng sạp, trồng luống. Thị trường tiêu thụ hoa lan còn rất tiềm năng, nhất là vào các dịp lễ, tết, ngày rằm. “Do đó, theo nhu cầu thị trường tôi quyết định trồng lan Mokara. Trung bình 1 tháng xuất bán từ 900 - 1.000 cành lan Mokara, thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng”.

Chú Dương Văn Thạnh (phường Tân Ngãi) cũng cho hay: “Vườn lan của tôi có trên 600 cây, mỗi tháng cũng cho thu nhập khá. Nhiều lúc hút hàng nhưng không có đủ cung cấp cho mấy shop hoa”.

Thấy hiệu quả kinh tế từ trồng hoa lan cắt cành, người dân đã học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để nhân rộng. Người trồng lan cho hay, cây lan thích hợp với nhiều loại giá thể như vỏ dừa khô, xơ dừa, than. Có thể tận dụng vật liệu rẻ tiền, phế phẩm làm nguyên liệu nhưng mang hiệu quả cao giúp giảm chi phí đầu vào. Lan trồng một lần có thể thu hoa liên tục 8- 10 năm. Lan Mokara có ưu điểm màu sắc đa dạng, độ bền hoa cắt từ 15- 40 ngày, tùy mùa vụ.

Ông Lê Xuân Hiếu- Phó Chủ tịch UBND phường Tân Ngãi, cho biết: “Trước đây, phường Tân Ngãi có 3- 4 hộ trồng hoa lan cắt cành. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường cao, người dân có điều kiện phát triển mô hình này nên hiện có tới 11 hộ trồng lan cắt cành. Tùy theo quy mô đầu tư của người dân mà có thể thu nhập từ 3- 8 triệu đồng/tháng, thậm chí có thể hơn 10 triệu đồng”.

Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, hiện thành phố có 10/11 phường với trên 40 hộ trồng hoa lan cắt cành, tổng diện tích khoảng 1,6ha; với số lượng lên đến hàng chục ngàn cây. Phần lớn người trồng chọn lan Mokara, vì có thể ra hoa quanh năm, dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao.

Nghề trồng hoa lan cắt cành đang trở thành xu hướng mới trong nông nghiệp đô thị.
Nghề trồng hoa lan cắt cành đang trở thành xu hướng mới trong nông nghiệp đô thị.

Có thể thấy, việc trồng hoa lan cắt cành không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn phù hợp định hướng phát triển du lịch sinh thái ở khu vực TP Vĩnh Long, trở thành xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp đô thị. Vì vậy, các đơn vị chuyên môn đang tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ người dân để mô hình này được duy trì, phát triển hơn.

Bà Lâm Thị Thảo Trang- Phó Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, cho biết: Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật, cập nhật những kiến thức mới cho người dân về trồng hoa lan. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa lan cắt cành. Thời gian tới, phòng sẽ vận động người dân tiếp tục tham gia vào các tổ hợp tác, HTX để trao đổi kinh nghiệm cũng như tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, phát huy hơn nữa mô hình này.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh