Mặc dù tác động từ việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc gây ảnh hưởng đến ĐBSCL từ 22- 28/1/2020 không xảy ra hạn mặn lịch sử trùng dịp Tết Nguyên đán như dự báo. Tuy nhiên, thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp nên nguy cơ hạn, mặn cao trong nửa đầu tháng 2 là rất lớn nên cần có kế hoạch trữ nước, bảo vệ sản xuất ngay từ bây giờ
Mặc dù tác động từ việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc gây ảnh hưởng đến ĐBSCL từ 22- 28/1/2020 không xảy ra hạn mặn lịch sử trùng dịp Tết Nguyên đán như dự báo. Tuy nhiên, thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp nên nguy cơ hạn, mặn cao trong nửa đầu tháng 2 là rất lớn nên cần có kế hoạch trữ nước, bảo vệ sản xuất ngay từ bây giờ.
Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo việc tranh thủ trữ nước từ nay đến ngày 7/2. |
Nguy cơ xâm nhập mặn vào nửa đầu 2/2020
Tuy chưa đến mức khan hiếm nước nhưng ruộng của anh Lê Thành Đạt (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) ở xa kinh nội đồng nên anh tranh thủ bơm nước cho lúa vào sáng mùng 2 tết (26/1).
Thời điểm anh bơm nước thì độ mặn vẫn ở ngưỡng cho phép nhưng anh cũng hơi lo vì thấy lúa không được tươi tốt như lúc chưa bơm nước vào. Qua theo dõi thông tin trên báo, đài biết là độ mặn giảm nên anh mới phần nào an tâm là lúa không bị nhiễm nước mặn.
Thận trọng hơn, để chăm sóc vườn mai vàng trong dịp tết, anh Phạm Văn Tư (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) múc từng thùng nước dưới mương vườn để tưới cho mai vì lo ngại nước máy có thể nhiễm mặn, gây hại vườn mai kiểng.
Bởi theo anh Tư, mỗi khi nghe thông tin độ mặn tăng lên thì nếm thử nước máy là thấy mằn mặn liền, nên anh tưới mai bằng nước dự trữ trong mương vườn cho chắc ăn.
Báo cáo về tình hình hạn, mặn trong dịp Tết Nguyên đán (21- 31/1/2020), tức từ 27 tháng Chạp- mùng 7 tháng Giêng của Chi cục Thủy lợi tỉnh cho thấy, độ mặn có tăng lên sau đó giảm dần, độ mặn lớn nhất tại các nơi chỉ xuất hiện ở mức từ 0,1- 1,2‰, chưa xảy ra thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước đảm bảo sản xuất và sinh hoạt.
Theo ông Hà Thành Thặng- Chi cục phó Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), thời gian qua, ngành chuyên môn tiếp tục thông tin nhanh về diễn biến và dự báo mặn hàng ngày thông qua hệ thống tin nhắn SMS đến 292 đầu số thuộc ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó đến trực tiếp người dân phòng, chống xâm nhập mặn.
Bên cạnh, các địa phương đã thực hiện tốt việc vận hành công trình thủy lợi, chủ động đóng, mở cống ngăn mặn, lấy nước, trữ và cấp nước ngọt hợp lý cho sản xuất và sinh hoạt.
Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, ảnh hưởng của việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc theo thông báo trước đã về đến Tân Châu và Châu Đốc từ 22/1 và kết thúc vào ngày 28/1/2020.
Tuy nhiên, hiện thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp, nguy cơ hạn, mặn cao vào nửa đầu tháng 2 nên dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 2/2020.
Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo các địa phương tranh thủ tích trữ từ nay đến ngày 7/2 và vận hành hệ thống thủy lợi hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể và hạn chế tiêu thoát nước, kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với diễn biến nguồn nước.
Bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), tính đến cuối tháng 1/2020, toàn tỉnh đã thu hoạch 6.925ha lúa Đông Xuân với năng suất 5,8 tấn/ha tại các huyện: Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn. Bên cạnh đó lúa Hè Thu sớm đã xuống giống 4.006ha, trà lúa giai đoạn mạ.
Trong tuần qua, sinh vật gây hại trên trà lúa Đông Xuân 2019- 2020 là 3.264ha, tăng 629ha so với tuần trước do thời tiết sáng nhiều sương mù, ẩm độ không khí cao kết hợp giai đoạn lúa thích hợp diện tích nhiễm sâu bệnh gia tăng.
Các loại bệnh hại chủ yếu như rầy nâu, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá. Dự báo trong thời gian tới, những sinh vật gây hại như rầy nâu, sâu cuốn lá, cháy lá, đạo ôn, chuột, ốc bươu vàng, muỗi hành, bệnh lem lép hạt, cháy bìa lá có thể gia tăng diện tích.
Hiện nay nguồn nước mặn tại các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình đã giảm chủ yếu ở mức dưới 1‰, độ mặn có thể cao trong các con nước sau.
Vì vậy, các địa phương chủ động cập nhật các bản tin dự báo mặn thường xuyên để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, bố trí mùa vụ hợp lý với các diễn biến nguồn nước.
Để bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đưa ra khuyến cáo một số biện pháp quản lý- canh tác như tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật kịp thời tình hình sản xuất trong điều kiện hạn, mặn trên tất cả các loại cây trồng.
Đối với lúa, dễ bị thiệt hại ở giai đoạn mạ và giai đoạn lúa trổ, nếu độ mặn trên 1‰ không cho nước vào ruộng, khi sử dụng nước pha thuốc phun xịt thì nên sử dụng nước không nhiễm mặn (nhỏ hơn 0,8‰).
Hiện nay, điều kiện thời tiết sáng sớm xuất hiện sương mù kết hợp cùng giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát sinh và gây hại, vì vậy bà con cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh hại khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh bà con ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá.
Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.
Đối với rau màu, hoa kiểng cần thận trọng hơn, có kế hoạch trữ nước ngọt để tưới. Đối với cây ăn trái, sầu riêng là cây nhạy cảm nhất đối với mặn nên cần theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới trong thời gian mặn xâm nhập.
Các cây ăn trái khác cũng không nên dùng nước nhiễm mặn để pha thuốc phun hoặc tưới nhiều lần trong lúc mặn xâm nhập.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin