Nông dân đầu tiên lai lúa giống cho vùng biến đổi khí hậu

Cập nhật, 09:55, Thứ Bảy, 25/01/2020 (GMT+7)

Là nông dân chính hiệu nhưng do đam mê và ham học hỏi nên vợ chồng ông Phạm Văn Long- Mai Bích Chương (ấp An Phú A, xã Long An- Long Hồ) đã tự nghiên cứu lai tạo nhiều giống lúa chất lượng cao, trong đó có giống lúa Long Hồ 8 (LH8) phù hợp với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Ông Phạm Văn Long và vợ- bà Mai Bích Chương- cho biết phải tới đời F7 mới cho ra giống lúa thuần LH8.
Ông Phạm Văn Long và vợ- bà Mai Bích Chương- cho biết phải tới đời F7 mới cho ra giống lúa thuần LH8.

“Khùng” mới lai lúa giống (!)

Sau khi lập gia đình, gia đình ông Phạm Văn Long tích góp được một số vốn mua 15 công đất sản xuất lúa. “Thời ấy, mỗi năm làm một vụ, chỉ được 10 giạ/công lại bị thương lái ép giá nữa. Thấy không đủ ăn nên tui mới bàn với vợ tự sản xuất lúa giống bán sẽ không bị ép giá”- ông nhớ lại.

May mắn là đúng vào thời điểm đó Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long) mở lớp tập huấn sản xuất lúa giống (chủ yếu là trồng giống lúa xác nhận), sau đó lại được hỗ trợ giống lúa nguyên chủng nên vợ chồng ông Long đem về sản xuất lúa giống và bán cho bà con.

Cũng từ sản xuất lúa giống mà vợ chồng ông đã ăn nên làm ra, mua thêm 25 công đất để sản xuất lúa giống. Thấy vợ chồng ông “có khiếu” sản xuất lúa giống nên Trung tâm Khuyến nông giới thiệu họ qua Trường ĐH Cần Thơ tham gia khóa học lai giống trong 1 tuần.

Đầu năm 2006, ông bắt đầu lai lúa giống. Do chưa có kinh nghiệm chọn dòng, chọn giống tốt nên “hên xui lắm”, thấy đẹp là chọn. Dần dần, ông rút kinh nghiệm là phải có tiêu chí ban đầu trước khi lai, trang bị nhà lồng để tỷ lệ đậu cao hơn.

Nói về cách lai lúa giống, ông Long chia sẻ kinh nghiệm: “Khi lai lúa giống, trước tiên chọn giống bố mẹ có nhiều ưu điểm, sau đó trồng canh cho 2 giống cùng trổ. Giống mẹ cắt 1/3 vỏ trấu dùng tăm nhỏ lấy 6 túi phấn đực ra nhằm khử đực, lấy giấy bóng mờ bọc lại ghi ngày.

Khi cây lúa cha bung vỏ lúa tuôn phấn ra thì lấy tay búng nhẹ hạt để phấn rơi vào hạt lúa mẹ, sau đó trùm giấy lại. Sau 7 ngày, nếu đậu thì hạt lúa sẽ lú vỏ xanh ra, khi đó phải đem vào trong nhà lưới. Với cách làm này, tỷ lệ đậu khoảng 18- 20%.

Lần đầu tiên lấy được giống F1, xạ F1 xuống sản xuất được giống F2 (phân ly ra khoảng 10 giống khác nhau). Do trước khi lai lúa mình đặt tiêu chí như: chín sớm, mềm cơm, thân cao,... thì mình sẽ lấy lúa theo tiêu chí đó. Sau đó, gieo lúa lai F2 xuống ruộng chọn lấy theo tiêu chí, tiếp tục cho đến khi ra lúa thuần (khoảng F7- F9). Để có một giống lúa thuần phải tốn hơn 2 năm lai tạo”.

“Trong lai tạo lúa giống đòi hỏi phải có đam mê, tỉ mỉ mới làm được, khi thụ phấn phải “rình” lúa bung phấn, khi thụ phấn xong thì sợ gió, sợ côn trùng phá hoại phải làm lại từ đầu, khi gieo xuống đồng sợ không tìm được giống tốt.

Có người bảo gia đình tui “khùng” mới đi lai lúa giống vừa tốn thời gian, công sức và tiền bạc mà không biết có ra giống lúa chất lượng không.

Hơi đâu mà ngồi nghiên cứu, đến Viện Lúa ĐBSCL mua lúa giống nguyên chủng về nhân ra bán lúa giống khỏe hơn”- bà Mai Bích Chương bộc bạch.

LH8 phù hợp với biến đổi khí hậu

So với giống OM5451 và IR50404, giống lúa LH8 có nhiều ưu điểm chịu mặn tốt ở biên độ 3- 4‰.
So với giống OM5451 và IR50404, giống lúa LH8 có nhiều ưu điểm chịu mặn tốt ở biên độ 3- 4‰.

Từ năm 2006 đến nay, gia đình ông Phạm Văn Long đã cần mẫn lai tạo được 14 giống từ LH1- LH14, trong đó ưng ý nhất là LH8, LH9, LH14. Riêng giống lúa LH8 được lai từ LH5 và OM6905 có phẩm chất gạo tốt, năng suất cao nên được nhân số lượng lớn để bán lúa giống.

“Để người dân biết đến lúa giống LH8, gia đình tôi phải tặng mỗi người 5kg gạo LH8 ăn để người dân tin dùng và chịu sản xuất thử, bên cạnh đó chuyển giao kỹ thuật canh tác cho họ.

Do LH8 có nhược điểm hơi yếu rạ nên phải áp dụng biện pháp trồng ngập khô xen kẽ và giảm phân urê, tăng kali để cây không đổ ngã. Một số người làm trúng, tui mừng theo họ, chỉ số ít người làm thất họ điện thoại “mắng vốn” là bán lúa giống gì mà cây ngã hết rồi.

Thế là vợ chồng chạy xe đến nơi xem như thế nào và hướng dẫn kỹ thuật lại. Thế rồi người dân cũng dần dần chấp nhận làm giống lúa LH8, nhất là các vùng ngập mặn”- ông Phạm Văn Long bộc bạch.

Trước những đặc tính hiếm có là trồng được ở vùng ngập mặn, kháng bệnh cao, gạo ngon cơm,... nên giống LH8 được Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long (Sở Nông Nghiệp- PTNT tỉnh) hỗ trợ đánh giá khả năng thích nghi tại các vùng sinh thái, chống chịu với sâu bệnh, điều kiện mặn- phèn và phẩm chất gạo để phát triển giống triển vọng ở ĐBSCL.

Giống đã được đăng ký khảo nghiệm trong mạng lưới khảo nghiệm quốc gia 3 vụ (Đông Xuân 2013-2014, Hè Thu 2015 và Đông Xuân 2015- 2016) ở các tỉnh vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Kết quả khảo nghiệm ở các tỉnh ĐBSCL cho thấy, LH8 là giống lúa ngắn ngày, có dạng hạt gạo thon dài, chất lượng gạo xay xát tốt, ít bạc bụng, cơm sau khi nấu trắng đẹp, mềm, ngọt, hàm lượng amylose thấp (chỉ số càng nhỏ gạo càng mềm) (13,4) và hàm lượng protein khá (7,6%) thuộc nhóm mềm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Năng suất cao, ổn định qua các vụ, vụ Hè Thu đạt năng suất 4- 6 tấn/ha, Đông Xuân 6- 8 tấn/ha (cao hơn giống lúa OMCS 2000 và OM5451 lần lượt là 10,31% và 6%).

Giống lúa LH8 có khả năng chống chịu mặn ở 4‰ tại các giai đoạn đẻ nhánh- trổ. Ngoài ra, LH8 có khả năng thích nghi với phèn, có tính chống chịu tốt với đạo ôn và rầy nâu.

Trong quá trình khảo nghiệm tại Trại Lúa giống, bà Trương Thị Thu Hương- Trại trưởng Trại Lúa giống (Trung tâm Giống nông nghiệp) cho biết: “Khi ảnh hưởng mưa gió thì nhiều giống lúa sẽ bị sập, bông gục xuống đất. Tuy nhiên, giống lúa LH8 có một đặc tính đặc biệt là khi cây sập xuống rồi nhưng hễ trời nắng lên bông lại vươn lên nên rất dễ thu hoạch”.

Từ khi nông dân biết và tin tưởng sử dụng giống lúa LH8 thì giống lúa này lúc nào cũng không đủ bán- nhất là mùa Đông Xuân, vì khoảng thời gian này hiện tượng xâm nhập mặn diễn ra nhiều. Giống lúa LH8 được nhiều người dân ở tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang,... mua về trồng với số lượng khá lớn.

Theo ông Dương Thùng Minh (ấp Trường Thành, xã Trường Khánh, huyện Long Phú- Sóc Trăng): “Tôi đã sử dụng giống lúa LH8 hơn 5 năm nay trên diện tích 57 công. Giống lúa LH8 này cái gì cũng tốt, chỉ có điều hơi yếu rạ.

Tôi nhớ năm 2016, xã Trường Khánh mặn lên 7‰, nông dân trồng LH8 thì lúa vẫn tốt, năng suất lúa đạt khá trong khi một số giống khác bị chết hết. Hiện nay, tôi vừa canh tác lúa vừa là đại lý lúa LH8. Vụ Đông Xuân này, nhu cầu xã Trường Khánh cần trên 10 tấn lúa giống LH8 nhưng ông Long không còn lúa giống để cung cấp”.

Nói về lợi nhuận, ông Phạm Văn Long sản xuất lúa giống LH8 trên diện tích 4ha thu về được trung bình 6 tấn/vụ/ha. Với cách tính đơn giản: 6 tấn/vụ/ha x 9.500 đ/kg x 4ha= 228 triệu đồng trừ đi chi phí 48 triệu đồng/vụ, lời 180 triệu đồng/vụ, vậy lợi nhuận hàng năm của gia đình ông trên 500 triệu đồng.

Hiện đã có công ty đòi mua bản quyền lúa giống LH8 với giá khá cao, nhưng ông nhất quyết không bán mà muốn để giống lúa này lại cho bà con nông dân mình trồng.

Gia đình ông Phạm Văn Long là nông dân đầu tiên lai tạo lúa giống thành công và cũng là chủ nhân của giống lúa LH8 được phép sản xuất thử. Không dừng ở LH8, ông đang nghiên cứu cho ra nhiều giống lúa mới. Hy vọng không xa, những giống lúa tới đây của ông Long có thể là giống gạo ngon nhất thế giới mang tên LH...!

Ngày 10/7/2019, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) ra quyết định công nhận sản xuất thử giống lúa thuần LH8 của nhóm tác giả: TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, ThS. Nguyễn Tiến Anh, ThS. Nguyễn Hồng Cúc, KS. Trương Thị Thu Hương, nông dân Phạm Văn Long, nông dân Mai Bích Chương và PGS. TS. Huỳnh Quang Tín. Trong đó, nông dân Phạm Văn Long, nông dân Mai Bích Chương là người trực tiếp lai tạo ra giống lúa LH8.

 

Bài, ảnh: TẤN TÂN