Để nông nghiệp hữu cơ chuyển mình lớn dậy

05:01, 23/01/2020

Xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là tất yếu, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay.

Xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là tất yếu, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay.

Nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón (thứ 4 từ trái sang) thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình).
Nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón (thứ 4 từ trái sang) thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình).

Làng hữu cơ Hiếu Thuận

Đó là tên của hợp tác xã nông nghiệp canh tác lúa theo phương pháp hữu cơ được thành lập trong năm 2019 tại xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm).

Theo ông Lê Văn Trưởng- thành viên hợp tác xã: Trước nay, bà con thường làm lúa theo kinh nghiệm truyền thống, sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu.

Môi trường, hệ sinh thái đều bị ảnh hưởng, dưới kinh rạch không còn tôm cá. Tháng 7/2019, hợp tác xã Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận ra đời, canh tác lúa theo phương pháp hữu cơ, tạo ra thực phẩm an toàn cho con người và môi trường sinh thái, được người dân đồng tình ủng hộ.

Ở vụ lúa Thu Đông, với hơn 20ha, hợp tác xã đã liên kết với 2 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Lúa gạo Tín Thương cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào là phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Vụ này, bà con được hỗ trợ một phần chi phí đầu vào nên đã giảm được chi phí sản xuất, ước tính chỉ khoảng 925.000 đ/công.

Năng suất lúa đạt 6 tấn/ha, người dân có lời khoảng 2,2 triệu đồng/công. “Làm lúa kiểu này thì lợi nhiều mặt, nhất là môi trường, cá tép bắt đầu sinh sôi trở lại như trước rồi”- ông Lê Văn Trưởng cho biết vậy.

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính với hệ thống đo đạc và vận hành các chỉ số chất lượng của môi trường nước tại xã Bình Phước (Mang Thít).
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính với hệ thống đo đạc và vận hành các chỉ số chất lượng của môi trường nước tại xã Bình Phước (Mang Thít).

Tập đoàn Lúa gạo Tín Thương là đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã. Ông Trần Văn Mây- đại diện tập đoàn này- cho rằng, trước đây nói làm lúa hữu cơ bà con mình chưa tin tưởng.

Việc bao tiêu thường gặp khó khăn nên rất khó để nhân rộng mô hình. Nay, doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đảm bảo cao hơn giá thị trường 100 đ/kg và trả thêm 10% chi phí hỗ trợ cho hợp tác xã tham gia mô hình xây dựng chuỗi.

Tham dự hội thảo đánh giá mô hình xây dựng chuỗi liên kết giá trị lúa theo hướng hữu cơ sinh học tại hợp tác xã Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Vĩnh Long hiện có 2 hợp tác xã làm lúa hữu cơ là hợp tác xã Tân Tiến (Tam Bình) và hợp tác xã Tấn Đạt (Vũng Liêm).

Nay, hợp tác xã Hiếu Thuận xây dựng thành công mô hình này là một tín hiệu rất đáng mừng. Bởi lâu nay, vấn đề liên kết đầu vào thì dễ, còn đầu ra rất khó.

Đây cũng là một trong các nguyên nhân khó nhân rộng các mô hình lúa hữu cơ. Do đó, để nông nghiệp hữu cơ có cơ hội phát triển hơn nữa, các mắt xích trong chuỗi sản xuất đều phải dần hoàn thiện mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Mở đường nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, năng lực tài chính hạn chế nên chưa tham gia sâu vào các khâu trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản và thiếu doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tuy được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu- nhất là ứng dụng công nghệ cao.

Chưa kể, khâu tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm hàng hóa phân tán, chất lượng không đồng đều. Việc sản xuất còn nặng về số lượng, chưa xây dựng được thương hiệu cho các nông sản chủ lực.

Toàn tỉnh có gần 1.000 trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kế hoạch năm 2020, sản lượng nuôi cá lồng bè tăng dần và đạt 18.000 tấn/năm. Đối với cá tra thì tập trung nâng cao chất lượng con giống, duy trì và giữ vững diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP và tương đương, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Là người có nhiều duyên nợ với dự án sản xuất lúa hữu cơ tại Vĩnh Long, ông Phạm Chánh Trực- nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương- nêu quan điểm cơ cấu lại nông nghiệp mở đường cho sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ phát triển, trước tiên cần thay đổi tập quán sản xuất chạy theo sản lượng lớn sang sản xuất chất lượng, giá trị cao.

Trong đó, chú trọng chuyển từ sản xuất tự phát lạm dụng hóa chất sang bắt buộc sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, kể cả bằng quy định pháp luật và vận động giáo dục nhân dân, đồng thời sản xuất bằng sinh học, hữu cơ ở mức độ, quy mô cần thiết, hợp lý.

Trả lời câu hỏi có thể sản xuất nông sản sạch, an toàn trên cơ sở hạn chế và tiến tới không sử dụng hóa chất được không, ông Phạm Chánh Trực khẳng định chắc nịch: Chắc chắn được! Minh chứng cho điều này, ông nêu kinh nghiệm từ hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình), nếu phát huy được những ưu điểm qua thực tế sản xuất lúa hữu cơ, đồng thời khắc phục được những điểm yếu về tổ chức quản lý- nhất là tinh thần tự nguyện tự giác tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất theo hợp đồng kinh tế đã ký kết.

Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) đạt chuẩn GlobalGAP.
Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) đạt chuẩn GlobalGAP.

Có thể gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ bằng cách nào? Thị trường là chỉ dẫn cho sản xuất. Cần thấy trước nhu cầu hợp lý và tiên tiến của xã hội là thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ. Sản xuất ổn định và hiệu quả nhất là sản xuất theo đơn đặt hàng.

Theo đó, ngành thương mại cần phải chủ động tìm nguồn hàng và đặt hàng cho người sản xuất. Đó là hướng hợp tác giúp cho kinh doanh ổn định và góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón từng khẳng định: Vĩnh Long xác định đi lên từ nông nghiệp sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao. Và nông nghiệp hữu cơ là điểm sáng cần được duy trì. Đây là hướng đi đúng phù hợp chủ trương chung.

Tỉnh cam kết sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ đối với mô hình nông nghiệp hữu cơ. Bởi mô hình đã cho thấy hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Đáng kể nhất là sản phẩm làm ra được bao tiêu, phân bón, thuốc hữu cơ đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn. 

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, mô hình cánh đồng lớn đã hình thành được vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu với quy mô từ 15.000- 20.000ha. Người dân đã áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật vào trong sản xuất như IPM, “1 phải, 5 giảm”, SRI, VietGAP,… góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo.

Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng màu trên đất ruộng được xây dựng và nhân rộng đạt hiệu quả tốt. Rau màu sản xuất trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng nông sản, giảm nguy cơ lưu tồn hóa chất, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giảm ô nhiễm môi trường.

Hiện diện tích cây ăn trái sản xuất theo hướng an toàn và GAP đạt chứng nhận trên 448ha. Trong đó, bưởi, chôm chôm sản xuất theo GlobalGAP là 84ha, trên 354ha đạt VietGAP và 10ha đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Diện tích được cấp mã số vùng trồng trên 113ha với các loại cây: xoài, chôm chôm, bưởi và nhãn.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh