Tam Bình tìm đầu ra ổn định cho cây lúa

Cập nhật, 13:53, Thứ Tư, 28/11/2018 (GMT+7)

Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng mô hình liên kết tìm đầu ra ổn định cho nông sản, bên cạnh mô hình lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc, có 9 xã của huyện Tam Bình cũng đã xây dựng được mô hình bao tiêu lúa.

Lúa được bao tiêu với giá ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Lúa được bao tiêu với giá ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Đầu ra ổn định cho cây lúa

Tìm đầu ra ổn định cho nông sản, hướng tới sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, giúp nông dân tháo gỡ những điệp khúc được mùa, mất giá. Trong vụ lúa Đông Xuân 2018, xã Bình Ninh thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa, tạo lòng tin cho nông dân trong sản xuất.

Ông Phan Thanh Sang- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Ninh- cho biết: Để tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, xã đã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa, ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành nền sản xuất hàng hóa ổn định và bước đầu thực hiện đem lại hiệu quả khả quan.

Vụ lúa Đông Xuân vừa qua, UBND Bình Ninh và Công ty CP Lương thực Vĩnh Long đã ký hợp đồng bao tiêu lúa Đông Xuân với giá 5.950 đ/kg, cao hơn giá thị trường 250 đ/kg, cùng với Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long hỗ trợ giống lúa, Công ty TNHH ADC hỗ trợ kỹ thuật.

Chú Trịnh Văn Đủ (Năm Đủ, ấp An Hòa B) đang sạ 5 công lúa, nói: “Mùa Đông Xuân rồi, tui mần được 35 giạ/công, lời 1 công từ 2 triệu lấy lên”. Niềm vui lớn của chú Năm Đủ là không lo lái lúa làm khó dễ, giá cả bấp bênh. Vụ trước, giá công ty mua cao hơn lái khoảng 500- 700 đ/kg và mua cả lúa không sử dụng giống của công ty nên chú rất mừng.

Anh Huỳnh Chí Trung- cán bộ nông nghiệp xã Bình Ninh- cho biết: “Trước đây, lúa vô vụ đông ken là lái õng ẹo chê dơ, chê xấu… đủ thứ chuyện để sụt giá”. Qua hợp tác bao tiêu lúa như vậy giúp nông dân có lợi so với bán ngoài thị trường, mùa Đông Xuân này, từ 86 hộ tham gia mô hình bao tiêu vụ rồi đã tăng lên thành 154 hộ.

Nông dân xã Bình Ninh đang bước vào vụ lúa được bao tiêu thứ 2.
Nông dân xã Bình Ninh đang bước vào vụ lúa được bao tiêu thứ 2.

Cần nhân rộng

Nói về những dự định trong năm 2019, Bí thư Huyện ủy Tam Bình Lê Tiến Dũng cho biết: “Năm 2018, huyện tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lại vụ mùa, giảm diện tích lúa kém hiệu quả 3%. Sắp tới, huyện tiếp tục nhân rộng cánh đồng mẫu lớn, chọn giống chất lượng, đảm bảo năng suất; đồng thời, duy trì và nhân rộng các mô hình bao tiêu lúa”.

Gieo sạ đồng loạt, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho năng suất cao.
Gieo sạ đồng loạt, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho năng suất cao.

Tờ mờ sớm, chú Nguyễn Tiến Hoan- Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa An Hòa B (xã Bình Ninh) đã đi dọn đồng, chuẩn bị cho gieo sạ đồng loạt. Chú Hoan cười, tay quệt mồ hôi: “Năm nay có đến 68 hộ xin vô tổ hợp tác để được bao tiêu lúa, vì thấy mô hình hiệu quả và yên tâm hơn”. Là một nông dân, ruộng chú Hoan mùa Đông Xuân luôn đạt năng suất từ 40 giạ/công, lời trên 2 triệu đồng/công.

Nhưng cũng như bà con trong tổ hợp tác, chú Hoan băn khoăn: Hiện giờ, công ty mới bao tiêu vụ lúa Đông Xuân, chúng tôi muốn được bao tiêu tất cả các vụ để đầu ra mùa nào cũng ổn định, yên tâm hơn.

9 xã được bao tiêu lúa hàng hóa: Hậu Lộc, Phú Lộc, Mỹ Thạnh Trung, Tường Lộc, Hòa Lộc, Tân Lộc, Tân Phú, Bình Ninh, Loan Mỹ với tổng diện tích thực hiện là 516ha.

Với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp chính quyền địa phương, hợp tác “2 nhà” nông dân- doanh nghiệp trong mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa từ đầu vụ, đang hứa hẹn nhiều thành công mới.

Qua đó, góp phần mở ra một hướng đi mới, một cách làm mới trong sản xuất lúa gạo để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp cũng như thu nhập của người dân và đặc biệt hơn là hướng nông dân đến sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình lúa hữu cơ với diện tích 84ha ở xã Mỹ Lộc (2 vụ Đông Xuân và Hè Thu) năng suất từ 5,8- 6,1 tấn/ha, lợi nhuận từ 22,5- 28,3 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa truyền thống là 0,5- 3,2 triệu đồng/ha. Mô hình lúa hàng hóa, diện tích 255,3ha ở các xã Hòa Hiệp, Hòa Thạnh và Long Phú. Mô hình cánh đồng mẫu lớn diện tích 22.708ha, tăng 6,7ha so với cùng kỳ. Hiệu quả kinh tế cao hơn ngoài mô hình từ 1- 1,2 triệu đồng/ha.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Các tin khác: