Kỳ 2: Giải pháp cho vùng ngập mặn

08:10, 24/10/2018

Đợt hạn mặn năm 2016 đã bộc lộ "tử huyệt" của vùng đất ven biển Tây Nam Bộ và sự "chống đỡ" thụ động trước thiên tai đã để lại thiệt hại nặng nề cho nền nông nghiệp vốn còn nhiều yếu kém.

Đợt hạn mặn năm 2016 đã bộc lộ “tử huyệt” của vùng đất ven biển Tây Nam Bộ và sự “chống đỡ” thụ động trước thiên tai đã để lại thiệt hại nặng nề cho nền nông nghiệp vốn còn nhiều yếu kém.

Cần quy hoạch phù hợp để tận dụng vùng ngập mặn như một lợi thế kinh tế, đồng thời cần những giải pháp khoa học có tính dự báo, dự phòng cao là những vấn đề vĩ mô nằm ngoài năng lực của những cánh đồng truyền thống và những bà con nông dân còn nặng lối tư duy, tập quán sản xuất rời rạc, manh mún và tự phát.

Quy hoạch hạn mặn thành lợi thế

Hạn mặn sẽ tác động nặng nề và để lại “di chứng” lâu dài đối với khu vực duyên hải các tỉnh Tây Nam. Nhưng nếu có được công tác quy hoạch khoa học, phù hợp với các loại cây, con theo mùa, sẽ biến hạn mặn thành một lợi thế trong sản xuất nông nghiệp.

Đi theo đại lộ Xuyên Á dọc qua các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, chúng tôi thấy nổi bật hàng ngàn hecta mô hình lúa- tôm, tôm- rừng ngập mặn ở quy mô lớn đang tạo ra nguồn nguyên liệu xuất khẩu sạch, ổn định.

Mùa mưa sẽ đưa cây lúa xuống, khi thu hoạch lúa xong bước vào mùa nắng hạn, nông dân xả nước mặn vào và con tôm giống tự nhiên theo đó vào ruộng. Hai vụ lúa- tôm cũng vừa hỗ trợ cho nhau chế độ dinh dưỡng, cải tạo đất rất tốt.

Đến tỉnh Cà Mau để tìm hiểu về ngành nông nghiệp của vùng đất chịu ảnh hưởng lớn với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Ở đây, người dân đã được định hướng phát triển mô hình nuôi tôm sinh học trên cùng một diện tích sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hoàn toàn thuận theo thiên nhiên…

Theo ông Nguyễn Trần Thức- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Cà Mau): “Hiện nay, đối với các vùng đất phù hợp cho cả việc trồng lúa và nuôi tôm hoặc nuôi ven rừng phòng hộ, chúng tôi khuyến khích nông dân tham gia vào mô hình sản xuất tôm- lúa, tôm- rừng.

Đây là mô hình tối ưu giúp cho cả đất, cây lúa và con tôm đều khỏe mạnh, đặc biệt là mô hình tôm- lúa vì luôn phụ trợ nhau phát triển, hoàn toàn không dùng bất kỳ loại hóa chất, thuốc thực vật, thuốc hóa học nào can thiệp quá trình sinh trưởng”.

Ông Dương Vũ Phong- nhân viên kỹ thuật Công ty CP Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú (thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú)- cho biết: Hiện nay, dự án lúa- tôm để sản xuất con tôm sinh học đã triển khai được khoảng 400ha với 89 hộ tham gia.

Về lý do thành lập doanh nghiệp xã hội, ông cho biết, nghề nuôi tôm hiện nay vẫn dựa trên nông hộ là chính, diện tích nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cả về vốn lẫn khoa học kỹ thuật,…

Doanh nghiệp xã hội ra đời là cách liên kết nông hộ nhỏ lẻ thành một tập thể sản xuất hàng hóa lớn hơn, tạo thành một “ao nuôi lớn” cho doanh nghiệp. Theo mô hình này, con tôm có giá trị cao hơn 25- 30% so với nuôi thông thường. Giá hiện nay khoảng 150.000 đ/kg tôm, mỗi hecta đạt khoảng 500kg tôm, đó là chưa kể lúa thu hoạch cũng đạt năng suất và chất lượng cao.

Ông Dương Vũ Phong- nhân viên kỹ thuật Công ty CP Xã hội Minh Phú (trái) và TS. Nguyễn Văn Kiền (Việt kiều Úc)- thành viên sáng lập Organic Mekong- thăm ruộng lúa- tôm ở xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình- Cà Mau).
Ông Dương Vũ Phong- nhân viên kỹ thuật Công ty CP Xã hội Minh Phú (trái) và TS. Nguyễn Văn Kiền (Nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia-Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông thôn Đại học An Giang)- thành viên sáng lập Organic Mekong- thăm ruộng lúa- tôm ở xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình- Cà Mau).

Trong khi đó, bà Nguyễn Thùy Linh- cán bộ nông nghiệp xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình- Cà Mau) cho biết, mô hình tôm- lúa được nông dân áp dụng từ những năm gần đây. Hiện toàn xã có khoảng 4.000ha sản xuất theo mô hình cho lợi nhuận kinh tế ổn định, môi trường được bảo vệ lâu dài.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thực hiện vùng nuôi tôm hữu cơ từ năm 2013 và năm 2014 đạt chứng nhận Naturland. Đến năm 2017, đơn vị chủ trương làm đa chứng nhận để sản phẩm đi nhiều thị trường khác nhau. Lần đầu tiên Việt Nam có một bộ quy chuẩn xuất khẩu tôm đa quốc gia được thế giới công nhận.

Điều đó củng cố niềm tin để chúng ta tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ lớn khai thác tiềm năng kinh tế của vùng đất ngập mặn biển Tây, cũng là cơ hội đưa nông dân lên vị thế mới.

Đây chỉ là một góc nhìn nhỏ trong công tác quy hoạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật đánh thức vùng tài nguyên đất ngập mặn nơi cuối trời phương Nam.

Trên cung đường chúng tôi đi qua, đại lộ Xuyên Á đã kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm với diện tích tiềm năng có thể khai thác con tôm hữu cơ lên đến hàng trăm ngàn hecta, rộng ra là cả vùng duyên hải ven biển Đông và biển Tây của đồng bằng.

Cùng với đó, một vấn đề vô cùng quan trọng mà theo TS. Nguyễn Văn Kiền (Việt kiều Úc)- thành viên sáng lập Organic Mekong, sau chuyến khảo sát này ông sẽ có bài viết khoa học giúp thế giới có cái nhìn khác về con tôm Việt Nam, mà bao lâu nay họ chưa có niềm tin và cái nhìn thiện cảm, một phần cũng do cách thức làm ăn của chúng ta chưa thật sự chuyên nghiệp lắm khi bước vào sân chơi lớn.

Một bài học từ tỉnh Bạc Liêu, chúng ta cần có quy hoạch “chiều sâu”, phân tầng để có điều chỉnh cây, con phù hợp cho từng lớp địa chất, địa lý như: vùng ven biển, ngập mặn, nhiễm mặn, nước lợ, vùng ngọt… chủ động ngay trong điều kiện thời tiết, khí hậu biến đổi bất thường.

Khoa học dự báo cho nông nghiệp

Có một người con của quê hương Trà Vinh đã nổi tiếng và thành công trên thế giới ở cả 2 vai trò là nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và ở tuổi 60 ông lại quay về với xứ sở để “khởi nghiệp” lần nữa.

Lần này, ông mang trọn vẹn tình cảm người con xa xứ trở về phụng sự quê hương, đặc biệt sự quan tâm dành cho bà con nông dân vốn còn quá nhiều khó khăn, nghèo khổ ngay trên mảnh ruộng của mình.

Ông “muốn làm nông nghiệp an toàn, bền vững, giúp nông dân… ở nhà làm ruộng”. Và ý tưởng nghiên cứu, sản xuất phao quan trắc để đo độ mặn, ngọt của nước sông; đồng hồ nước thông minh và phân bón thông minh ra đời.

Đó là doanh nhân, TS. khoa học Nguyễn Thanh Mỹ- Chủ tịch HĐQT Công ty Rynan Holding JSC, Chủ tịch HĐQT Công ty Rynan Agrifoods (đều thuộc Tập đoàn Mỹ Lan)- một người con của quê hương Trà Vinh.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ (bìa trái) giới thiệu đồng hồ nước thông minh với khách tham quan.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ (bìa trái) giới thiệu đồng hồ nước thông minh với khách tham quan.

Buổi trưa oi ả như dịu mát hơn khi chúng tôi đến trụ sở Tập đoàn Mỹ Lan, TS. Nguyễn Thanh Mỹ chào khách và bắt tay ngay vào câu chuyện nông nghiệp… bằng cả niềm hăng say. “Định về hưu nhưng đọc báo, nghe đài cứ nhan nhản thực phẩm bẩn không chịu được. Vậy là tôi nghĩ, đã đến lúc mình sống cho quê hương mình xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Xâm nhập mặn là thách thức của thiên nhiên mà mỗi năm ĐBSCL đều phải đối mặt, do đó việc biết được thời điểm xâm nhập mặn và độ mặn của dòng nước sẽ là hướng đi giúp nông dân và chính quyền địa phương tìm ra cách sống chung với nó.

Bài toán khó đã được TS. Nguyễn Thanh Mỹ tìm ra lời giải: Trạm quan trắc nước mặn bằng phao ứng dụng IoT. Và cứ khoảng 10km dọc bờ sông Cổ Chiên, Công ty Rynan Agrifoods đang lắp thiết bị này để đo độ mặn của sông theo từng giờ, từng ngày. Đặc biệt, phao này sử dụng những tấm pin năng lượng mặt trời.

Đã đo được độ mặn để chủ động rồi, nông dân mình cần phân bón thông minh để sản xuất sạch hơn.

Đưa chúng tôi xem những chai, hộp đựng những viên kẹo đầy sắc màu, TS. Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu: “Đây là phân bón thông minh, tan dần trong đất để nông dân chỉ cần bón 1 lần thay vì 4 lần trong 1 vụ lúa, qua đó mình sẽ giảm lượng phân bón lại giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính”.

Về chế biến, TS. Nguyễn Thanh Mỹ tập trung vào bao bì, đóng gói khí cải tiến tức là mình không dùng hóa chất mà dùng không khí để bảo quản, tăng thời gian tồn trữ nông sản, thực phẩm lâu hơn 3- 5 lần.

Về phân phối, chúng tôi làm thương mại điện tử và máy bán hàng tự động. Về tiêu thụ, chúng tôi làm máy in phun mã vạch để chống giả, truy xuất nguồn gốc để tạo niềm tin nhiều hơn cho người tiêu dùng.

Những nông dân đã dùng phân bón thông minh đặc biệt đánh giá cao loại phân này. Nó tiết kiệm chi phí, sức lao động vì chỉ bón một lần mà năng suất lại cao hơn.

Theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ, sử dụng phân bón chậm tan giúp giảm 45% đạm, lân và kali, góp phần giảm chi phí, giảm vận chuyển và giảm phân thừa làm ô nhiễm môi trường; đặc biệt chỉ bón 1 lần trước khi làm đất lần cuối, giảm công lao động từ 2- 3 lần. Bên cạnh đó, phân chậm tan được vùi vào đất nên được đất giữ lại, giảm bốc hơi, rửa trôi, phân được vùi nên giúp bộ rễ ăn xuống sâu, giảm đổ ngã.

Đưa chúng tôi xem đồng hồ nước thông minh do chính công ty ông sản xuất, TS. Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ, do chứng kiến cảnh nước bị nhiễm mặn, lúa bị lép và cuộc sống của người dân ngày càng khắc nghiệt nên đồng hồ nước thông minh ra đời.

Đồng hồ nước thông minh sẽ kết nối với điện toán đám mây, điện thoại di động dù ở bất cứ đâu cũng có thể theo dõi được lượng nước... trong nhà và cả ngoài ruộng. Nói xong, ông mở camera ruộng cho chúng tôi xem và dùng điện thoại điều chỉnh công tắc của máy bơm nước trên thửa ruộng đó.

Việt Nam là quốc gia mà lúa gạo là hàng xuất khẩu chủ lực nhưng gạo Việt Nam chưa thực sự “có tiếng nói mạnh, chi phối” trên thị trường thế giới. Mặt khác, sản xuất lúa ở Việt Nam gây ra lượng phát thải khí nhà kính đứng thứ hai sau sản xuất năng lượng.

Và hơn ai hết, những nông dân ở ĐBSCL trù phú này vẫn còn nghèo trên thửa ruộng của mình. Đưa công nghệ 4.0 vào ruộng đồng là việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng hạt gạo Việt Nam một cách khoa học. Qua đó, sẽ giải phóng nông dân và giảm tác động tiêu cực của thương lái, giúp nông dân thoát nghèo bền vững.

Ths. Lâm Thái Xuyên- Giám đốc Công ty CP Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú

Từ năm 2002, khái niệm “tôm sinh thái” hay “tôm hữu cơ” dần được dùng phổ biến ở Cà Mau và Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, vùng nuôi tôm sú hữu cơ được phát triển nhiều với sự tham gia của 4 công ty thủy sản là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Camimex, Seanamico và Casep. Ngoài tiêu chuẩn Naturland, các doanh nghiệp mở rộng thêm các tiêu chuẩn Organis EU, Bio Suisse, Selva Shrimp…

 


TS. Nguyễn Thanh Mỹ

Muốn thay đổi nền nông nghiệp thông minh hơn thì mình phải thay đổi cả một chuỗi giá trị nông nghiệp:“Tôi muốn giúp người trồng lúa có lời, còn hạt gạo Việt Nam trở thành hạt gạo thật sự sạch, có giá trị. Người nông dân hay bị trường hợp được mùa mất giá, thì mình phải cố gắng làm sao để giúp nông dân được mùa mà giá cao hơn. Do đó, mình phải làm sao quan hệ với đối tác nước ngoài mua gạo của nông dân mình với giá cao, để nông dân có thu nhập tốt hơn”.

 

Bài, ảnh: Nhóm PV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh