Thực hiện chuyển dịch giống cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân tỉnh An Giang đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, như: xoài, cam,... Trong đó, trồng chuối xiêm là mô hình mới, nhiều tiềm năng và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương.
Thực hiện chuyển dịch giống cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân tỉnh An Giang đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, như: xoài, cam,... Trong đó, trồng chuối xiêm là mô hình mới, nhiều tiềm năng và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương.
Nhiều năm trồng lúa thu nhập bấp bênh do thường "được mùa, mất giá", thêm vào đó thổ nhưỡng không thích hợp, đất bị nhiễm phèn khiến lúa giảm năng suất, nên anh Phạm Thanh Phong, ngụ ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú đã chuyển đổi 4.000m2 đất trồng lúa sang trồng chuối xiêm.
Mô hình trồng chuối của anh Phạm Thanh Phong. |
Đầu tiên, anh lên liếp toàn bộ diện tích đất và mua 300 cây chuối xiêm của người dân địa phương về trồng. Mỗi liếp cách nhau 3m và cây cách cây 4m.
Sau hơn 1 năm chăm sóc, lứa chuối đầu tiên, anh Phong bán được trên 10 triệu đồng. Anh chia sẻ: "Chuối thu hoạch quanh năm.
Ngoài thu hoạch trái, chuối còn có thể thu hoạch bắp và lá để bán. Số tiền này cũng đủ để gia đình trang trải cuộc sống hằng ngày".
Theo anh Phong, chuối xiêm rất dễ trồng. Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 9-10 tháng. Nếu trồng đúng kỹ thuật, giống tốt, bờ lên liếp cao, cây sẽ cho trái to, trổ buồng sai, bình quân 8 - 10 nải/buồng.
Chuối trồng sau một thời gian sẽ nhảy con nên có thể thu hoạch xoay vòng trong cả năm. Chuối xiêm ít tốn phân, thuốc, ít tốn công chăm sóc.
Chuối sau khi thu hoạch cần được tỉa bớt lá và dọn sạch đất để tạo môi trường thông thoáng cho cây sau phát triển; đồng thời giảm nguy cơ bệnh "chuối sùng".
Cách đây 4 năm, để phát triển kinh tế gia đình, ông Huỳnh Thanh Vân, 55 tuổi ở tổ 11, ấp Mỹ Thuận, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới đã mạnh dạn chuyển đổi 17.000m2 đất rẫy, vườn tạp sang trồng xoài Đài Loan.
Tận dụng thời gian lúc xoài chưa cho trái, ông Vân trồng xen chuối xiêm (khoảng 6.000m2) để có thêm thu nhập. Trung bình 3 - 4 ngày, ông Vân cắt một vài buồng chuối đem ra chợ bán, giá bình quân từ 5.000- 10.000 đồng/nải.
Mỗi đợt bán, ông thu nhập từ 300.000-400.000 đồng. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên 60 triệu đồng từ bán chuối.
Theo ông Vân, chuối xiêm có thị trường tiêu thụ khá rộng và mạnh nhất so với các loài chuối khác. Ngoài nguồn thu chính bán trái, gia đình ông còn bán bắp chuối, lá chuối. "Bắp chuối giá ổn định từ 5.000-10.000 đồng/bắp. Còn lá chuối tôi bán cho các cơ sở làm nem tại Vĩnh Long...
Khoản thu nhập từ trồng chuối, tôi mua phân phân bón cho toàn mảnh vườn và trang trải cuộc sống hằng ngày…
Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng chuối xiêm theo hình thức chuyên canh chứ không trồng xen canh như hiện nay" – ông Vân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mỹ Luông, cho biết: Mô hình trồng chuối xiêm của gia đình ông Huỳnh Thanh Vân được xem là một trong những mô hình mới, tạo thu nhập ổn định so với các mô hình trồng cây ăn trái khác.
Đầu ra và giá cả ổn định, chuối xiêm là cây trồng phù hợp cho việc lấy ngắn nuôi dài đối với những vườn cây ăn trái đặc sản. l
Theo Cần Thơ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin