Nông nghiệp- tìm hướng "lội ngược dòng"

Cập nhật, 06:49, Thứ Hai, 02/01/2017 (GMT+7)

Năm 2016, ngành nông nghiệp tỉnh đã “vật lộn” với rất nhiều khó khăn, trong đó, phải kể đến những tác động thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn và thị trường nhiều sức ép cạnh tranh…

Năm 2017, bên cạnh thuận lợi, chắc chắn sẽ tiếp tục đặt ra những khó khăn, thách thức mới. Ngành nông nghiệp đang tìm hướng “lội ngược dòng” với những giải pháp ứng phó, khắc phục chủ động và kịp thời, nhằm có bước tăng trưởng tích cực.

Ảnh: VINH HIỂN
Ảnh: VINH HIỂN

Tìm cơ hội trong thách thức

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ nét. Đỉnh điểm là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trong sản xuất đầu năm 2016 đã làm đảo lộn sản xuất.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, lĩnh vực trồng trọt chịu tác động nặng nề nhất. Hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra vào vụ Đông Xuân, mưa lớn làm đổ ngã lúa trên diện rộng ở vụ Hè Thu và Thu Đông.

Ảnh hưởng của thiên tai đã gây thiệt hại lên năng suất một số loại cây trồng chính của tỉnh như lúa, rau màu; ảnh hưởng đến sinh trưởng của một số loại cây ăn trái trong vùng bị thiên tai, đặc biệt là đã làm giảm năng suất lúa hơn 10% so năm 2015, từ đó làm giảm giá trị sản xuất chung của toàn ngành là 2,85%.

Mặc dù diện tích sản xuất lúa, màu, cây ăn trái có tăng nhẹ nhưng năng suất, sản lượng giảm. Ngược lại, chăn nuôi ổn định và phát triển theo hướng trang trại, gia trại. Sản lượng thủy sản có sự phục hồi những tháng cuối năm ước đạt 112.281 tấn, tăng nhẹ so năm trước.

Nổi bật trong năm qua là bên cạnh kịp thời khắc phục hạn mặn, ngành nông nghiệp đã tập trung ứng dụng khoa học và hỗ trợ liên kết vào sản xuất.

Cụ thể, đã thực hiện được 4 mô hình “công nghệ sinh thái” trên lúa đem lợi nhuận cao hơn 2,2 triệu đồng/ha so ruộng ngoài mô hình; 2 mô hình sinh thái trên bưởi; trồng rau màu baby trong nhà màng gia đình,... Hiện nhiều loại trái cây như nhãn, bưởi, chôm chôm đã tiếp cận được với nhiều thị trường xuất khẩu khó tính, như: Mỹ, Australia, Nhật Bản,…

Điển hình là những ngày cuối năm này, hợp tác xã trồng chôm chôm xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) phấn khởi xuất hơn 700kg chôm chôm sang thị trường Pháp. Tuy số lượng còn khiêm tốn, nhưng cho thấy trái cây tiếp cận những thị trường này được là do thời gian qua tập trung xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro.

Bên cạnh, ông Nguyễn Minh Tho cũng cho biết, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ giống phục vụ phát triển cây ăn trái, xây dựng vùng nguyên liệu nên tổng diện tích tăng 4% so năm 2015.

Chăn nuôi và thủy sản tiếp tục tăng trưởng, trong đó nổi bật là tổng đàn heo tăng hơn 13.000 con, gia cầm tăng hơn 5%.

“Mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn do tình hình thiên tai, dịch bệnh. Song, nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của cấp ủy và chính quyền các cấp, cùng với nỗ lực vươn lên của người dân, ngành nông nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn và thử thách”- ông Nguyễn Minh Tho cho biết thêm.

 

Trong năm 2016: nông nghiệp đã xây dựng được những vùng trái cây bưởi, chôm chôm, nhãn đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn; “phân vùng” gắn với liên kết sản xuất cho rau màu, cây ăn trái, phát huy được thế mạnh cho từng địa phương.

 

Hướng đến phát triển bền vững

Ông Nguyễn Minh Tho cho biết, trong năm 2017, ngành phấn đấu tổng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 2,0% so với năm 2016.

Tỉnh chủ trương lựa chọn một số loại cây trồng, vật nuôi để tập trung đầu tư hiệu quả theo hướng hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đối với từng sản phẩm ngành hàng để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển sản xuất theo chiều sâu, lấy giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm làm mục tiêu.

Sản xuất an toàn thực phẩm và có liên kết là xu thế ngành nông nghiệp đang hướng tới.

Sản xuất an toàn thực phẩm và có liên kết là xu thế ngành nông nghiệp đang hướng tới. Ảnh: HOÀNG MINH

Ảnh: VINH HIỂN
Ảnh: VINH HIỂN

 

Để tập trung đầu tư và phát triển, tỉnh dự kiến chọn 3 loại cây trồng chủ lực là lúa, khoai lang và cây có múi (như cam sành, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh); 3 đối tượng chăn nuôi và thủy sản như: heo, bò và cá xác định trọng tâm để triển khai trong giai đoạn 2017- 2020.

Trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, không đầu tư rộng mà chủ yếu hướng vào xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: cánh đồng lớn; rau màu an toàn sinh học; bưởi da xanh, cam sành, chăn nuôi trang trại an toàn sinh học; nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế... theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất là ưu tiên thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp.

Ngành đã hình thành các mô hình kiểu mẫu như cánh đồng mẫu lớn, sản xuất từ 1- 2 giống chất lượng cao; hình thành vùng sản xuất lớn có thương hiệu và phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực như bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, chôm chôm Tích Thiện (Trà Ôn).

Đồng thời khuyến khích sản xuất chuyên canh, luân canh theo hướng an toàn cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Bình Tân, Bình Minh, Long Hồ, cho kinh tế cao gấp 2- 3 lần trồng lúa.

Ông Nguyễn Minh Tho nhận định rằng nông nghiệp đã cơ bản ổn định và vượt qua một năm với đầy những khó khăn và thách thức. Trong năm mới này, ngành tiếp tục chủ động phối hợp cùng chính quyền các cấp chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và sẵn sàng hỗ trợ để người dân yên tâm bắt tay vào sản xuất.

 

Trong năm 2017, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu (tưới, tiêu, ngăn mặn, giữ ngọt); ưu tiên xây dựng các công trình thủy lợi và nước sạch: nạo vét kinh mương nội đồng, trữ nước ngọt, bơm tát chống hạn; sửa chữa, nâng cấp trạm cấp nước tập trung.

HOÀNG MINH