Sẽ tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng

Cập nhật, 07:14, Thứ Ba, 13/12/2016 (GMT+7)

Đó là trả lời chất vấn của ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT (ảnh) về các ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

* Đại biểu Lê Văn Lập (đơn vị huyện Vũng Liêm) chất vấn: Tình hình hạn mặn, đầu năm 2016 gây thiệt hại nặng cho huyện trên lĩnh vực nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện. Đề nghị sở quan tâm bố trí xây dựng 10 cống hở thuộc 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện để ứng phó với xâm nhập mặn.

- Sở đã tổng hợp, báo cáo với Trung ương và được trả lời, do nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn lực có giới hạn nên công trình chưa được đưa vào danh mục đầu tư xây dựng cơ bản trung hạn 2016- 2020. Sở đề nghị Trung ương cho đưa vào quy hoạch thủy lợi của tỉnh giai đoạn 2017- 2020 và tiếp tục đề nghị Trung ương bố trí nguồn vốn này.

Tôi xin thông tin thêm, được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp- PTNT, năm 2017 tỉnh được đầu tư 2 công trình lớn để ngăn mặn, giữ ngọt đó là công trình cống Vũng Liêm và cống Tân Dinh (Trà Ôn).

* Đại biểu Nguyễn Hiếu Nghĩa (đơn vị TX Bình Minh) đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT quan tâm chỉ đạo đơn vị thi công phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đê bao sông Đông Thành (từ vàm Phù Ly đến ranh xã Đông Thành) và đê bao sông Cái Vồn.

- Về công trình nâng cấp đê bao sông Đông Thành (từ vàm Phù Ly đến ranh xã Đông Thành), hiện nay chủ đầu tư đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây lắp và địa phương đang tiến hành kiểm kê áp giá lập phương án bồi thường, sẽ triển khai thi công ngay sau khi phương án bồi thường được phê duyệt và giải phóng mặt bằng.

Đê bao sông Cái Vồn (TX Bình Minh) thì đang được triển khai thi công tuyến đê bao sông Mỹ Thuận (phía bờ trái, xã Thuận An).

Tuy nhiên, hiện nay còn vướng mặt bằng tại 5 hộ dân và tuyến ống nước thuộc Công ty CP Nước và Môi trường Bình Tân quản lý chưa được phê duyệt phương án bồi thường. Riêng bờ phải tuyến đê bao sông Mỹ Thuận, chưa triển khai thi công, hiện nay hội đồng bồi thường đang hoàn chỉnh phương án bồi thường để trình thẩm định phê duyệt.

* Đại biểu Lê Tiến Nam (đơn vị huyện Vũng Liêm) chất vấn: Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp được các ngành, các địa phương đánh giá cao và đồng loạt triển khai. Tuy nhiên, kết quả đạt được thấp so với mục tiêu đề ra. Vậy theo ông thì kết quả đạt thấp là do những nguyên nhân nào?

Và vì sao ngành nông nghiệp đề nghị trả lại ngân sách tỉnh 2,798 tỷ đồng trong khi nguồn kinh phí này đã được bố trí cho triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực tế đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường đầu tư nhằm đạt mục tiêu đề án đặt ra.

- Theo đánh giá, 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp.

Song kết quả đạt thấp so mục tiêu đề ra. Ngoài 3 nguyên nhân chung của khu vực là hội nhập kinh tế quốc tế mà trọng tâm là sản xuất theo thị trường còn yếu; nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu là nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì Vĩnh Long còn có những khó khăn riêng.

Đó là việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đạt yêu cầu; kinh tế hợp tác (tổ hợp tác, hợp tác xã) hoạt động kém hiệu quả và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chưa nhiều; việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương còn chậm và tỉnh chưa có nhiều chính sách đặc thù đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp...

Về phần ngân sách tỉnh phải trả lại, xin giải trình như sau: Ngày 28/6/2016, Bộ Tài chính có Công văn số 8835 về một số giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách địa phương 6 tháng cuối năm 2016.

Theo đó, văn bản này quy định “Dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đến ngày 30/6/2016 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán”.

Tại thời điểm này, sở có 4 dự án chưa được phê duyệt (tổng các dự án hơn 2,6 tỷ đồng) do tính đặc thù của dự án là thời gian triển khai không trùng với thời gian tính năm tài chính.

Sở không chủ động đề nghị, khi có thông báo của các cơ quan chức năng yêu cầu cắt vốn, bản thân cũng “đứt từng đoạn ruột” chứ không tự mình xin trả vốn, vì ngành có nhu cầu rất lớn.

Hướng tới, 4 dự án này sở đưa vào dự toán ngân sách năm 2017 để tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

* Đại biểu Lê Phước Thiện (đơn vị huyện Vũng Liêm) chất vấn: Thời gian qua, nguyên nhân do biến đổi khí hậu mà trực tiếp là vấn đề xâm nhập mặn đã ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Vậy năm 2016 ngành nông nghiệp đã triển khai hiệu quả những giải pháp gì? Định hướng các năm tiếp theo ngành nông nghiệp có kế hoạch gì trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất..., nhằm thích ứng với tình hình trên?

- Ngay từ khi xảy ra hạn mặn, ngành chủ động phối hợp, kiểm tra và hỗ trợ địa phương khắc phục cũng như triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân theo quy định.

Theo đó, về nhóm giải pháp phi công trình, đã hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục hạn, mặn; chuyển đổi mùa vụ, dời lịch thời vụ ở những nơi nhiễm mặn, chọn giống phù hợp với chịu hạn mặn…

Về nhóm giải pháp công trình, sở đề xuất và triển khai thực hiện 18 công trình thủy lợi nội đồng, khắc phục hậu quả hạn, xâm nhập mặn từ nguồn vốn ngân sách dự phòng của tỉnh; đã triển khai 14 công trình từ nguồn vốn khắc phục hậu quả và xâm nhập mặn của Trung ương, đề xuất Trung ương và được đầu tư hệ thống thủy lợi lớn như hệ thống ngăn mặn giữ ngọt của khu vực Bắc Vũng Liêm, dự án ngăn mặn tiếp ngọt của Vũng Liêm và dự án đã được ghi vào danh mục công trình trung hạn giai đoạn 2017- 2020.

Đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư hệ thống thủy lợi cồn Lục Sĩ Thành, Phú Thành (Trà Ôn) nhằm ngăn mặn khu vực này. Bước đầu, Trung ương tạm ứng 50 tỷ và đã hoàn tất chỉ định thầu thực hiện (thực hiện theo cơ chế khẩn cấp theo Luật Đấu thầu).

Về khắc phục đã ban hành cơ chế hướng dẫn các địa phương khắc phục thiên tai, triển khai các hoạt động hỗ trợ khắc phục hạn, xâm nhập mặn năm 2016 từ nhiều nguồn vốn với trên 64 tỷ đồng. Các loại thiên tai khác được ngành triển khai hỗ trợ kịp thời.

Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành sẽ tập trung nâng cao công tác dự báo, cảnh báo tình hình (đã trang bị các thiết bị đo độ mặn tại các vị trí xung yếu); ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nhắn tin dự báo hàng ngày đối với đầu mối, phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là đối với sản xuất, dân sinh.

Rà soát và hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu sản xuất hợp lý để thực hiện thâm canh các sản phẩm chủ lực có hiệu quả. Hiện ngành đã trình cấp thẩm quyền và đã được chấp thuận chủ trương tiến hành rà soát, điều chỉnh 4 quy hoạch của ngành gồm: quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch thủy sản, quy hoạch cấp nước sạch nông thôn và quy hoạch thủy lợi.

Các quy hoạch này đều hướng đến mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Trên cơ sở quy hoạch này và định hướng tái cơ cấu, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực gồm 3 cây (lúa, khoai lang, cây có múi) và 3 con (heo, bò, cá) và các sản phẩm tiềm năng.

Về sản xuất, vấn đề quan trọng hiện nay là thu hút doanh nghiệp và liên kết sản xuất với tiêu thụ.

Ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan và địa phương thực hiện các hoạt động phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là khởi nghiệp doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ; liên kết sản xuất theo chuỗi với 2 trọng tâm là phát triển hợp tác xã và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Lúa tiếp tục được xác là cây chủ lực trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Lúa tiếp tục được xác là cây chủ lực trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thủy lợi, đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường đầu tư và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu là vừa tưới, vừa tiêu, vừa ngăn mặn, vừa giữ ngọt.

Tham mưu ban hành các chính sách đặc thù cho địa phương về lĩnh vực nông nghiệp nhằm phát triển sản xuất, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà trọng tâm là các sản phẩm chủ lực và sản phẩm tiềm năng.

THANH TÂM (ghi)