Nỗ lực phòng hạn, mặn mùa khô

03:12, 20/12/2016

Rút kinh nghiệm năm trước, khi hạn, mặn bất ngờ không kịp trở tay, huyện Trà Ôn và Vũng Liêm đã và đang chủ động xây dựng các biện pháp phòng tránh, ứng phó với tình trạng này trong mùa khô năm 2016- 2017.

Rút kinh nghiệm năm trước, khi hạn, mặn bất ngờ không kịp trở tay, huyện Trà Ôn và Vũng Liêm đã và đang chủ động xây dựng các biện pháp phòng tránh, ứng phó với tình trạng này trong mùa khô năm 2016- 2017.

Nỗ lực phòng hạn, mặn mùa khô

Nhiều diện tích lúa thiệt hại nặng do ảnh hưởng hạn, phèn và xâm nhập mặn trong mùa khô 2015- 2016.

Đến nay, huyện Trà Ôn đã xuống giống dứt điểm trên 9.951ha lúa Đông Xuân 2016- 2017. Hiện trà lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh trên 5.122ha, giai đoạn đòng trổ vào chắc 4.829ha.

Rau màu cũng được xuống giống 345,2ha và 166ha cây công nghiệp ngắn ngày. Riêng vụ Hè Thu năm 2017, huyện có kế hoạch xuống giống 9.800ha lúa và 2.000ha cây màu các loại.

Trong đó, kế hoạch xuống giống lúa được chia làm 2 đợt. Đợt 1 xuống giống tập trung quanh con nước 15- 25 tháng Chạp (12- 22/1/2017) với diện tích khoảng 4.000ha tại các xã Thiện Mỹ, Tích Thiện, Tân Mỹ, Vĩnh Xuân, Trà Côn, Hựu Thành,…

Đợt 2 xuống giống tập trung quanh con nước 10- 25/2 âm lịch (7- 22/3/2017) với diện tích khoảng 5.800ha còn lại.

Riêng cây màu, diện tích vùng chuyên màu 1.000ha tại 2 xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành và 1.000ha màu xuống ruộng tại các xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Vĩnh Xuân, Thuận Thới, Hựu Thành, Trà Côn, Tích Thiện.

Theo ông Nguyễn Minh Thuấn- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, để bảo vệ sản xuất, huyện triển khai thực hiện nhanh các công trình thủy lợi đã được bố trí vốn để đưa vào khai thác nhằm tăng cường khả năng ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ chống hạn, mặn đảm bảo cho sản xuất.

Vận động khuyến khích hộ dân các xã Tích Thiện, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân sử dụng nước giếng khoan, hướng dẫn người dân trữ nước khi nguồn nước mặt bị xâm nhập mặn.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo lịch thời vụ gieo trồng lúa, rau màu hợp lý cho từng vùng nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn, mặn, đảm bảo xuống giống đồng loạt, tập trung cho từng cánh đồng ở các vùng đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.

Riêng vùng có nguy cơ thiếu nước ngọt do hạn, mặn thì khuyến khích người dân chuyển đổi, lựa chọn giống cây trồng thích hợp để gieo trồng hoặc đợi tới mùa mưa thì mới canh tác nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Thời gian qua, huyện Trà Ôn đã chủ động các biện pháp công trình như nạo vét một số kinh chính, kinh tạo nguồn, đắp đập, đê bao ngăn mặn, sửa chữa các cống, đập điều tiết nước, trữ ngọt, bố trí trạm, máy bơm cấp nước tưới với 45 máy bơm dầu D12, D15 và 2.503 máy bơm nhỏ trong dân.

Tổng diện tích cần bơm 4.017ha, trong đó bơm tập trung 600ha ở 2 xã Tích Thiện và Thiện Mỹ. Diện tích bơm phân tán trong dân là 3.417ha.

Vũng Liêm là huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất do hạn, xâm nhập mặn, trong năm 2016, tổng thiệt hại trên 225 tỷ đồng. Nhiều khả năng Vũng Liêm sẽ tiếp tục bị hạn, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng trong mùa khô sắp tới.

Hiện lúa Đông Xuân 2016- 2017 toàn huyện đã xuống giống 11.892ha, đạt 88,3% kế hoạch. Cây màu xuống giống 316ha chủ yếu là các loại rau màu phục vụ tết. Riêng vụ Hè Thu, huyện có kế hoạch xuống giống 12.400ha lúa và 500ha màu.

Ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm cho biết, để chủ động ứng phó hạn, mặn, trong năm huyện phối hợp với tỉnh thi công 8 công trình thủy lợi, tiến độ đạt 93,7%. Riêng huyện đã thi công 35 công trình chống hạn, mặn, tiến độ thi công đạt trên 90%. Các xã- thị trấn cũng đã thực hiện 245 công trình thủy lợi nội đồng.

Năm 2017, huyện tiếp tục phối hợp tỉnh triển khai thi công 7 công trình phòng chống thiên tai (kinh phí 53,3 tỷ đồng), triển khai 8 công trình cấp huyện (kinh phí 4,24 tỷ đồng) và chỉ đạo các xã- thị trấn nạo vét các tuyến kinh nội đồng (100.000m3, dài 100km, ước kinh phí 2 tỷ đồng).

Ngành chuyên môn hướng dẫn người dân chăm sóc vườn sầu riêng sau đợt xâm nhập mặn.
Ngành chuyên môn hướng dẫn người dân chăm sóc vườn sầu riêng sau đợt xâm nhập mặn.

Bên cạnh, vận động nhân dân đóng góp kinh phí đóng mới nắp cống ngăn mặn, giữ ngọt cho khoảng 500 cống tròn. Để hỗ trợ bơm tát chống hạn, huyện có khả năng huy động 3 trạm bơm điện cố định, 7 điểm bơm di động, 12 máy dầu D15 và 5.394 máy bơm nhỏ trong dân.

Qua kiểm tra công tác chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn tại Trà Ôn và Vũng Liêm thời gian gần đây, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các địa phương cần nghiên cứu biện pháp vận động nông dân chuyển đổi mùa vụ hợp lý nhằm thích ứng điều kiện hạn, mặn;

điều chỉnh lịch thời vụ từ 3 vụ sang 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu; vận động nhân dân cách chuyển đổi sản xuất 3 vụ sang 2 lúa- 1 màu; chuyển đổi cơ cấu cây ăn trái theo kế hoạch tái cơ cấu của ngành nông nghiệp từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh và các loại cây có giá trị kinh tế khác.

Bên cạnh đó, địa phương cần chú trọng việc đảm bảo nước sạch sinh hoạt ở các vùng đông dân cư, khu đô thị ở các xã, vùng chưa có nước máy, hộ khó khăn về nước sinh hoạt, hộ ở trong nội đồng xa kinh rạch; xây dựng phương án dùng xe, xà lan chở nước ngọt cấp cho dân trong trường hợp hạn, mặn gay gắt kéo dài.

  • ™Bài, ảnh: LÊ SƠN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh