Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp nâng cao thu nhập

Cập nhật, 08:15, Thứ Tư, 14/12/2016 (GMT+7)

Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương đã có sự chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế tốt nhất của từng vùng, từng địa phương, giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Chuyển từ trồng lúa sang trồng màu, giúp anh Thuận nâng cao thu nhập.
Chuyển từ trồng lúa sang trồng màu, giúp anh Thuận nâng cao thu nhập.

Trồng cam sành cho lợi nhuận cao

Những năm gần đây, cây cam sành bắt đầu được người dân quan tâm, khôi phục trở lại. Tại huyện Tam Bình, nông dân đã trồng mới 90,3ha, nâng tổng diện tích trồng cam sành toàn huyện lên gần 2.900ha. Trong đó, có hơn 2.600ha đang cho trái.

Tại huyện Trà Ôn có hơn 1.700ha trồng cam sành trên đất lúa, chiếm 57,9% diện tích cam sành toàn huyện. Nhìn chung, các mô hình cam sành trồng dưới ruộng được người dân đầu tư công chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật nên cho hiệu quả kinh tế cao.

Với 5 công cam trồng được trên 2 năm, ông Trần Ngọc Diệp (ấp Tầm Vu, xã Trà Côn- Trà Ôn) dự kiến qua tết sẽ cho trên 15 tấn trái. Ông nói: “Có người kêu mua mão 300 triệu đồng nhưng tui không chịu bán. Do cam tui trồng có hơn 90% là hàng đẹp (trái to, không lọt lon) nên mỗi công phải lời ít nhất 100 triệu đồng tui mới bán”.

Đến ấp Vĩnh Tiến (xã Hựu Thành- Trà Ôn) tham quan vườn cam đang cho trái xum xuê của anh Trần Văn Đỉnh. Với 8 công cam được 4 năm tuổi, anh ước tính cho thu hoạch gần 80 tấn trái.

Anh nói: “Tui chọn cách trồng thưa và cho trái mùa thuận để “ăn” cam lâu dài. Hiện, cam có giá trên 20.000 đ/kg, trừ chi phí tui thu lời trên 150 triệu đồng”.

Hiện, cây cam sành phát triển khá tốt trên đất lúa đã được cải tạo lại, do yêu cầu kỹ thuật và điều kiện canh tác khác nhau giữa cây lúa và cây cam, những hộ trồng lúa gần hoặc liền kề với những hộ trồng cam thì năng suất lúa thấp, buộc phải trồng cam hoặc cho người khác thuê đất trồng cam. Mùa thuận, nông dân trồng cam thu lợi nhuận 150- 220 triệu đồng/ha.


Mùa nghịch tuy năng suất thấp hơn nhưng lại bán cao giá, lợi nhuận 250- 300 triệu đồng/ha. Cá biệt, có hộ đạt lợi nhuận 500- 600 triệu đồng/ha.

Theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn, một trong những giải pháp trồng cam bền vững là phải sử dụng giống sạch bệnh, thiết kế vườn đạt tiêu chuẩn, trồng cây che mát, chắn gió và sử dụng phân hữu cơ, bón phân và xịt thuốc khoa học để tránh gây mất cân bằng hệ sinh thái vườn.

Nâng cao thu nhập nhờ trồng màu

Gần 3 năm nay, anh Huỳnh Văn Trí (ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ- Tam Bình) chuyển từ 6 công đất lúa sang trồng rẫy, chủ yếu là dưa leo, đậu đũa. Trung bình, khoảng hơn 1 tháng là cho thu hoạch, bình quân mỗi vụ lời khoảng 1 triệu đồng/công.

Gần đó, anh Trần Thanh Phú cũng đã chuyển hơn 5 công ruộng trồng lúa sang trồng dưa leo, bí đao, khổ qua. Anh nói: do đây là vùng đất gò nên chuyển sang trồng rẫy thích hợp hơn. Làm rẫy tuy khá cực nhưng cho lợi nhuận từ 4- 5 lần so trồng lúa.

Chúng tôi đến ấp Phú Sơn B (xã Long Phú- Tam Bình) nhân lúc anh Phạm Văn Thuận (Bảy Thuận) tưới nước cho giàn dưa leo. Anh kể: “Do địa thế ruộng nhà nằm cặp vườn cây ăn trái nên khi sạ 2 công lúa bị chuột cắn mất phân nửa. Tui chuyển sang trồng dưa hấu rồi dưa leo, mỗi vụ tui thu hoạch từ 2- 3 tấn trái/công, nếu bán được giá thì lời hơn 20 triệu đồng”.

Đang rải phân vun bón cho giàn mướp khía nặng trĩu trái, anh Trần Văn Tâm (cùng ấp Phú Sơn B) kể: “Trước nông dân mình trồng lúa thường thất vụ 3 nên bà con cho tui mượn đất trồng rẫy. Thấy hiệu quả từ mô hình mang lại nên giờ vùng này bà con trồng rất nhiều. Hiện ngoài thu nhập từ trồng rẫy, mỗi ngày tui còn xịt thuốc mướn với giá 15.000 đ/bình, mỗi ngày cũng bỏ túi được 450.000đ.

Theo đồng chí Lê Tiến Dũng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình, thời gian qua Huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo nông dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Bước đầu đã đạt kết quả khả quan, trong năm 2016 diện tích trồng lúa giảm 1,4%, trồng màu tăng 6,3%, diện tích trồng cây ăn trái tăng 1,9%.

Bên cạnh, Huyện ủy Tam Bình còn chỉ đạo thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc vụ Hè Thu và Thu Đông theo phương thức liên kết “4 nhà”, bao tiêu sản phẩm có 43 hộ tham gia với 57,8ha, cho lợi nhuận cao hơn 4- 4,5 triệu đồng/ha.

Mô hình cũng đã mang lại hiệu quả xã hội như giảm tác hại phân, thuốc hóa học, tạo dinh dưỡng cho đất và sức khỏe người sản xuất cũng như tiêu dùng.

Vụ Đông Xuân này, địa phương đang tiếp tục nhân rộng thêm 20ha, đồng thời tiếp tục chỉ đạo, vận động nhân dân mạnh dạn đưa cây màu xuống ruộng, phát triển vườn cây ăn trái và các mô hình cho giá trị kinh tế cao như cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa giống, trồng thanh long, nấm rơm và bào ngư.

 

Huyện Trà Ôn đã cơ cấu lại các giống lúa, hiện có trên 85% diện tích sử dụng giống xác nhận, 55% diện tích sử dụng giống chất lượng cao và xây dựng một số mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 370ha. Nhờ áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình 2,8- 3,2 triệu đồng/ha.

 

Hiện, đang hình thành mô hình 2 lúa- 1 màu; vận động nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất vườn kém hiệu quả và đất lúa không chủ động được nước sang trồng cam sành nhằm đem lại giá trị cao hơn.

 

  • ™Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI