Chôm chôm Bình Hòa Phước đi Pháp

06:12, 13/12/2016

Ngày 9/12/2016, ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) cho biết đã đóng thùng 700kg (350 hộp, 2kg/hộp) chôm chôm Java xuất khẩu sang thị trường Pháp, thông qua doanh nghiệp xuất khẩu với giá 48.000 đ/kg.

Ngày 9/12/2016, ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) cho biết đã đóng thùng 700kg (350 hộp, 2kg/hộp) chôm chôm Java xuất khẩu sang thị trường Pháp, thông qua doanh nghiệp xuất khẩu với giá 48.000 đ/kg.
 

Đây là lô chôm chôm thứ 2 (đợt 1: 150kg) của HTX đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu của thị trường này.

Chôm chôm xuất khẩu được đóng gói tại HTX, quy cách 2 kg/hộp.
Chôm chôm xuất khẩu được đóng gói tại HTX, quy cách 2 kg/hộp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nhân, mỗi năm HTX có khả năng cung ứng từ 350- 400 tấn chôm chôm (trong đó chôm chôm Java 80%, còn lại là chôm chôm Thái và chôm chôm đường) chủ yếu bán cho thương lái và doanh nghiệp theo thời vụ. HTX cũng đã ký kết được một số hợp đồng cung ứng và được đối tác thanh toán tiền trong vòng 7 ngày kể từ ngày xuất hàng. Hiện nhu cầu thị trường chôm chôm sạch là rất lớn và luôn cung không đủ cầu.

Hiện HTX có 18ha và 34 thành viên sản xuất chôm chôm theo GlobalGAP. Với thị trường rộng mở cho trái cây, HTX đang tiếp tục vận động nông dân vào HTX để sản xuất theo hướng an toàn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và sản lượng của các đối tác.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Nhân, dự kiến trong tháng 12 này HTX sẽ tổ chức sàn giao dịch nông sản nhằm kết nối giữa nhà vườn và các doanh nghiệp. Tại buổi kết nối này có sự tham gia của một số HTX, tổ hợp tác sản xuất, nhà vườn cùng ngồi lại với các doanh nghiệp để 2 bên trao đổi thông tin trực tiếp và tiến tới ký kết các hợp đồng hợp tác.

HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước được Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP vào năm 2012. Theo đó, hướng dẫn từng nhà vườn ghi chép sổ tay trong suốt quá trình canh tác.

Hàng tuần, HTX đều tổ chức họp để các thành viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Quá trình triển khai, từng xã viên phải tuân thủ trên 150 tiêu chí trong quy trình sản xuất.

Sau 2 năm thực hiện HTX đã được Công ty Control Union Việt Nam đánh giá cao và cấp chứng nhận vào tháng 3/2014. Hiện tại HTX đang canh tác theo quy trình GlobalGAP và dự kiến được tái chứng nhận vào ngày 24/12 tới.

Nhờ kinh nghiệm trồng chôm chôm, áp dụng kỹ thuật trồng trọt và quy trình GlobalGAP nên năng suất tăng lên. Trung bình mỗi hecta chôm chôm cho năng suất từ 25- 30 tấn trái. Chôm chôm hiện nay được cho trái quanh năm nhờ áp dụng kỹ thuật trùm nilon lên gốc để xử lý ra hoa.

Nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến nên HTX không sản xuất chôm chôm mùa thuận mà tất cả các thành viên đều cho ra trái mùa nghịch. Mùa vụ chính của HTX kéo dài từ tháng 7 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau (8 tháng mỗi năm).

Ngoài tiêu chuẩn GlobalGAP, chôm chôm phải đáp ứng yêu cầu về màu sắc, độ đồng đều.
Ngoài tiêu chuẩn GlobalGAP, chôm chôm phải đáp ứng yêu cầu về màu sắc, độ đồng đều.

Nếu như trước đây chôm chôm Bình Hòa Phước chủ yếu bán cho các thương lái để xuất sang Trung Quốc thì từ khi được chứng nhận GlobalGAP, HTX được các công ty ở Bến Tre, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh có kế hoạch thu mua để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ.

HTX đã có kế hoạch mở rộng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP hướng tới xuất bán sản phẩm quanh năm.

Đây có thể nói là bước đi tiên phong của HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước trong nỗ lực giúp nhà vườn tự quảng bá và tìm đầu ra cho tốt hơn.

Trước đó, một sàn giao dịch nông sản cho nhãn và chôm chôm đã được Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) tổ chức tại xã An Bình (Long Hồ) nhận được sự quan tâm của nhiều nhà vườn và doanh nghiệp.

Theo Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn, sàn giao dịch nông sản giúp nhà vườn sản xuất an toàn và đầu ra nông sản ổn định hơn, trong đó có nguồn cung khá dồi dào từ các xã cù lao. Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng, số lượng, thời gian cung- cầu luôn đặt ra những thách thức khó giải quyết.

Để xây dựng sàn giao dịch nông sản trong tương lai, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, cho biết ngành nông nghiệp đang tập trung thực hiện mục tiêu: sản phẩm đạt tiêu chí an toàn, chất lượng, vùng nguyên liệu đủ năng lực cung cấp, tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, viện, trường.

90% diện tích nhãn tiêu da bò chuyển sang cây ăn trái khác

Ông Nguyễn Văn Đẳng- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, cho biết thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã định hướng vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả hơn.

 

Theo đó, đến nay đã có 90% diện tích nhãn tiêu da bò (khoảng 200ha) chuyển sang trồng chôm chôm, nhãn Ido (Edor). Hiện nông dân trồng chôm chôm áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho ra trái nghịch vụ và rải vụ trong năm, chứ không đi đúng mùa vụ như trước để tránh “đụng hàng”.

 

Chôm chôm là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao nên sản lượng chôm chôm năm nay giảm khoảng 50%. Bù lại được giá khá cao, hiện chôm chôm Java mua tại vườn 28.000 đ/kg, chôm chôm Thái 40.000 đ/kg.

 

™Bài, ảnh: AN- SƠN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh