Đậy gốc, giữ ẩm chôm chôm khi nhiễm mặn

Cập nhật, 12:46, Thứ Ba, 17/05/2016 (GMT+7)

Vườn chôm chôm của tôi cũng như nhiều bà con giai đoạn chuẩn bị ra hoa thì bị nước mặn xâm nhập. Để hạn chế cây bị ảnh hưởng, phải áp dụng kỹ thuật chăm sóc thế nào? Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn.

Phạm Thị Mến (Trà Ôn)

Chị Mến thân mến, do chôm chôm chống chịu mặn kém, nên độ mặn khoảng 2‰ sẽ gây ảnh hưởng nhất định như cháy lá, rụng bông… Vì vậy, cần có giải pháp chăm sóc kịp thời cho cây. Trước tiên, chị cần đóng cống không cho nước mặn vào vườn.

Nếu chôm chôm vườn chị chỉ mới chuẩn bị ra hoa thì cần dịch chuyển để tránh ra hoa giai đoạn này, tăng cường bón các loại phân có chứa các chất kali, lân, vôi, chất hữu cơ để tăng khả năng đề kháng cho cây. Hạn chế tỉa cành, tạo tán, nhất là tỉa vào thời điểm hạn mặn.

Đậy gốc, giữ ẩm chôm chôm khi nhiễm mặn là khâu rất quan trọng. Không nên tưới nước lên lá hoặc trực tiếp vào vùng rễ, mà chỉ nên tạo ẩm bằng cách tưới nước phạm vi ngoài vùng rễ tập trung để nước thấm dần vào. Tưới vào buổi chiều mát để giảm tác động về mặt sinh lý của mặn đối với cây.

Chúc chị áp dụng hiệu quả!

BẠN NHÀ NÔNG