“Mở cửa” thị trường cho sản phẩm nông nghiệp

Kỳ cuối: Mở lối đi riêng

Cập nhật, 06:58, Thứ Sáu, 28/11/2014 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Nhận diện cơ hội và thách thức

Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, việc kêu gọi nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ nông nghiệp (NN) còn rất hạn chế. Dù vậy, vẫn có thể kỳ vọng vào những doanh nghiệp (DN) đầu tàu, đang tiên phong mở lối đầu tư cho các sản phẩm NN hướng ra thị trường thế giới.


Từ dừa Bến Tre, các DN đã cho ra nhiều sản phẩm đa dạng.

Ngành hàng lúa gạo- tìm lối đi riêng

Trước tình hình mặt hàng gạo thông dụng chịu áp lực cạnh tranh gay gắt về chất lượng và giá cả, nhất là từ Ấn Độ, Myanmar, Pakistan… Công ty Lương thực Tiền Giang (TIGIFOOD) đã kịp thời chuyển hướng kinh doanh, chuyển dịch mạnh sang thị trường gạo chất lượng cao. Đặc biệt nhóm gạo có nhãn hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất bằng container.

DN đã chi gần 200 tỷ đồng tập trung nguồn lực để đầu tư theo chiều sâu và đem lại hiệu quả cao. Nổi bật là 3 phòng đóng gói gạo đạt tiêu chuẩn HACCP, thực hiện nhiều dạng bao bì với kích cỡ khác nhau, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính như Mỹ, Hong Kong, EU…

Theo TIGIFOOD, giai đoạn trước năm 2010, xuất khẩu bình quân dưới 20% gạo chất lượng cao thì hiện tỷ trọng này luôn đạt trên 80% (năm 2013, xuất khẩu 83.114 tấn, chiếm 83,49%- cao nhất từ trước đến nay trong cơ cấu gạo xuất khẩu của DN).

Từ suy nghĩ làm sao nâng cao giá trị sản phẩm hạt gạo địa phương để vươn ra thị trường thế giới. DNTN Cỏ May (Đồng Tháp) đã đầu tư 5 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến gạo đạt chuẩn HACCP, được xem là hiện đại nhất hiện nay.

Đồng thời, đầu tư, hỗ trợ nông dân sử dụng bộ giống thuần chủng để canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn, áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Với dòng sản phẩm gạo mới theo mùa thương hiệu NOSAVINA như:

Lài Đông Xuân, Sen Hè Thu, Cúc Thu Đông có đặc điểm: gạo mới, dẻo và thơm được tiêu thụ mạnh tại TP Hồ Chí Minh và cả nước, đang mở sang thị trường Singapore và hướng tới thị trường Malaysia, Châu Mỹ, Châu Âu. Sắp tới, DN cho biết sẽ cho ra đời sản phẩm gạo hữu cơ, đáp ứng nhu cầu gạo chất lượng cao trong và ngoài nước.

Với niềm tự hào “gạo Việt Nam cũng không thua kém gì gạo ngoại”, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) đã mạnh dạn đầu tư kho xưởng, kho chứa, dây chuyền máy móc hiện đại, khép kín mới 100% làm nhà máy gạo sạch.

Thiết lập “đường dây” từ thu mua, chọn lọc nguyên liệu đến thành phẩm, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện thị trường nội địa rất tin dùng thương hiệu “gạo bồ câu” như Jasmine, 64 Thơm, Tài Nguyên, Hàm Châu, Thơm Lài, Đài Loan… tạo đà để DN định hướng mở cửa các thị trường khó tính như EU trong tương lai.

Để có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, Công ty Lương thực Sông Hậu cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật, đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực, cải tiến công nghệ sản xuất chế biến ngành hàng lúa gạo. Từ vụ Đông Xuân 2013- 2014, DN đã ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa chất lượng cao với nông dân.

 

Tiến sĩ Võ Mai- Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

Tôi từng tham gia một hội chợ quốc tế về rau quả có báo cáo cho thấy thị hiếu của người tiêu dùng đang dần thay đổi, nhất là những nước giàu, như thị trường Úc không quan trọng giá cả, họ quan tâm nhất là phải đẹp, hấp dẫn và thuận tiện khi ăn. Chẳng hạn chôm chôm bóc hết vỏ bỏ vào hộp, ăn ngay.


Mở thị trường cho rau quả xuất khẩu

Là DN chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu rau quả nhiệt đới đông lạnh và đóng hộp, với thị trường xuất khẩu chính là EU, Mỹ, Nhật, Canada, Úc và ASEAN, tỷ trọng xuất khẩu trên 90% sản lượng sản xuất.

Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (ANTESCO) cho biết, hiện DN có 2 nhà máy chế biến rau quả công suất 14.000 tấn/năm, với các thiết bị hiện đại và đang chuẩn bị xây dựng nhà máy thứ 3 công suất 10.000 tấn/năm.

Theo kinh nghiệm của DN, để tăng giá trị cần ưu tiên cơ cấu rau quả xuất khẩu theo thứ tự: tươi- chế biến đông lạnh- chế biến đóng hộp- chế biến nước ép và sấy khô.

Thị trường nội địa là chỗ dựa cho thị trường xuất khẩu khi gặp khó khăn, nên cần phát triển song song. Cần hình thành vùng nguyên liệu tập trung sản xuất lớn đủ sức cung ứng ổn định cho DN.

Theo ANTESCO đánh giá, ngành rau quả Việt Nam có nhiều tiềm năng và triển vọng xuất khẩu còn rất lớn. Để mở cửa các thị trường, phải có sự gắn kết “như một” giữa DN và nông dân, cùng đi một con thuyền đưa trái cây Việt Nam ra biển lớn. Dự kiến đến năm 2015, tổng nhu cầu nguyên liệu rau quả của DN khoảng 200.000 tấn/năm, nên DN rất cần liên kết với nông dân ĐBSCL.

Bến Tre được xem là thủ phủ dừa, cây kinh tế NN chủ lực với trên 63.000ha, tạo kim ngạch xuất khẩu 160 triệu USD, chiếm khoảng 33% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Bài toán khó hiện nay, theo Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) là các sản phẩm chế biến từ dừa, đa số là sản phẩm thô và bán thành phẩm. Dừa Việt Nam hiện cạnh tranh rất lớn với dừa Indonesia, Sri Lanka, Philippines,…

Để phát huy thế mạnh cây dừa của Bến Tre và ĐBSCL, hiện Betrimex đang đầu tư trên 20 triệu USD với công nghệ hiện đại xây dựng nhà máy nước dừa, sữa dừa, hứa hẹn tung ra thị trường sản phẩm mang tính đột phá như nước dừa, sữa dừa, dầu dừa tinh luyện, than hoạt tính,...

Để đáp ứng nhu cầu các thị trường khó tính, Betrimex đã liên tục cải tiến, cam kết chất lượng, số lượng và thời gian.

Điều đó giúp cho sản phẩm dừa của Betrimex có mặt rộng khắp trên 40 quốc gia. Từ thị trường truyền thống như các nước Trung Đông, Châu Phi, Trung Quốc, Hàn Quốc sản phẩm dừa đã mở tiếp “cánh cửa” đến Pháp, Nga, Nhật, Italia, Hà Lan, Hy Lạp, Đài Loan, U.E.A, Uruguay…

Để ổn định và phát triển, Betrimex chủ động xây dựng mô hình liên kết “4 nhà”, dự kiến đến năm 2020 sẽ thực hiện 12.300ha.

Có thể thấy, thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ, ngay cả trên “sân nhà” cũng chưa thật sự tạo được ưu thế so với nhiều thương hiệu nông sản ngoại khác. Chính vì thế, sự đổi mới, tìm hướng đi riêng là xu hướng tất yếu đang được quan tâm đầu tư của nhiều DN “nặng tình” với nông sản ĐBSCL.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Điều dễ dàng nhận thấy nhất hiện nay, ví dụ như ngành hàng gạo, một mặt chất lượng không ngừng được cải thiện, mặt khác các nhãn hàng gạo Việt ngày càng chú trọng bao bì phù hợp, mẫu mã bắt mắt, đóng gói rất đẹp.

Trái cây nói riêng và nông sản nói chung muốn vào thị trường nào phải tìm hiểu kỹ yêu cầu, những rào cản của thị trường đó. Chẳng hạn, thị trường Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, vào Châu Âu phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Để có thể phát huy tối đa cơ hội khi các thị trường lớn mở cửa cần có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà.

Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quản lý, ngoài việc hỗ trợ nông dân làm VietGAP, GlobalGAP cần có định hướng cho DN không để xuất khẩu cạnh tranh thiếu lành mạnh, giành giật thị trường.

Xây dựng thương hiệu gạo, cá tra

Hiện Bộ Công thương đang triển khai nội dung hỗ trợ cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và DN xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam. Đối với cá tra, đang khởi động dự án nhằm tăng giá trị gia tăng cá tra xuất khẩu, qua việc cải thiện khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật quốc tế cũng như phát triển thương hiệu.


Bài, ảnh: LAN THƯƠNG- LÊ SƠN