“Mở cửa” thị trường cho sản phẩm nông nghiệp

Cập nhật, 07:15, Thứ Năm, 27/11/2014 (GMT+7)


ĐBSCL hiện nay rất thiếu nhà đầu tư vào NN, nhất là dự án NN công nghệ cao.

Đối với mặt hàng xuất khẩu nông- thủy sản ĐBSCL, xuất khẩu cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế, các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu, nhất là mặt hàng nông- thủy sản xu hướng ngày càng tăng. Để nâng cao sức cạnh tranh các mặt hàng chủ lực như: lúa- gạo, trái cây, cá da trơn, tôm, cần có chiến lược phát triển căn cơ nhằm “mở cửa” cho các sản phẩm nông nghiệp (NN) thâm nhập sâu thị trường.

Những thách thức và cơ hội nào đang chờ đợi các sản phẩm NN ĐBSCL ở “cánh cửa” thị trường?

K 1: Nhận diện cơ hội và thách thức

Mới đây, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức công bố các phán quyết liên quan đến việc Mỹ áp thuế chống phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam, với 7/11 nội dung có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.

Có thể nói, cánh cửa lớn đã mở cho tôm Việt Nam. Tuy nhiên, cánh cửa cho các loại nông sản chủ lực khác thì cần tiếp tục… “gõ”!

Trăn trở từ vựa lúa, trái cây, thủy sản

Đánh giá của Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ĐBSCL 6 tháng đạt 8- 8,5% (cùng kỳ năm 2013 là 8,5%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nông- lâm- ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn (khu vực I chiếm 35,35%, khu vực II chiếm 26,2%, khu vực III chiếm 38,45%).

Tăng trưởng của vùng đạt khá trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Xuất khẩu đạt khá, dù mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng nhiều do ảnh hưởng xuất khẩu tiểu ngạch với Trung Quốc như khoai lang ở Vĩnh Long, dừa Bến Tre, trái cây Đồng Tháp...

Trong tiêu thụ lúa gạo, chỉ 10% số lượng được bao tiêu qua hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp. Một số vùng như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, vùng ven biển còn chịu ảnh hưởng của lũ, phèn, mặn, khô hạn cục bộ. Thu nhập của người trồng lúa còn thấp, chưa tương xứng với công sức đã đầu tư.

Tình trạng tôm nuôi, nhất là tôm nuôi công nghiệp ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... bị chết do dịch bệnh vẫn xảy ra, giá tôm nguyên liệu thường xuyên biến động, người nuôi hoang mang.

Mặc dù vậy, vẫn có những tín hiệu đáng mừng, khi ngành NN thực hiện theo nguyên tắc hợp tác- liên kết- thị trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ được nhân rộng ở các lĩnh vực nuôi trồng như cá, tôm, trái cây...

Các chính sách hỗ trợ nông dân trong phòng chống dịch bệnh, thu mua tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa... đã hỗ trợ sản xuất tích cực cho nông dân.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều chính sách, chủ trương hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu của ngành NN.
 
Chẳng hạn, ưu tiên cho đầu tư phát triển công nghiệp chế biến hàng nông- lâm- thủy- hải sản và công nghiệp cơ khí phục vụ cho sản xuất NN. Chú ý đầu tư mạnh những ngành công nghiệp chế biến mũi nhọn, tạo ra sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao để xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu.

Cần liên kết vùng- khuyến khích doanh nghiệp tư nhân

Thực tế hiện nay, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù chế biến thủy sản là ngành công nghiệp mũi nhọn, chiếm tỷ trọng và có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng sản phẩm chế biến cũng chỉ dừng lại ở mức cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh,...

Hệ số sử dụng công suất chế biến thủy sản đông lạnh và chế biến rau quả đạt thấp. Các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chưa phát triển. Ngành công nghiệp sản xuất chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu. Công nghệ xay xát lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng, hao hụt cao.

Tại hội nghị xúc tiến thương mại- đầu tư NN- nông thôn ĐBSCL vừa qua, định hướng phát triển những sản phẩm chủ lực lúa, trái cây và thủy sản… tất yếu phải theo hướng chất lượng cao, gắn sản xuất với chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Công nghiệp hóa- hiện đại hóa sản xuất NN gắn với tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế tập thể để xây dựng vùng sản xuất tập trung. Hướng tới tiếp tục xây dựng mối liên kết hợp tác “4 nhà”, nhằm nâng cao sức cạnh tranh các mặt hàng chủ lực.


Vĩnh Long đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào NN.

Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhận định: “Ngay đối với cây lúa ĐBSCL cũng phải có cách làm mới, thay vì nỗ lực để gia tăng sản lượng với hy vọng tăng thu nhập cho người nông dân, thì phải chuyển sang tập trung hướng dẫn nông dân áp dụng những giống mới, có tiềm năng kinh tế, đem lại giá trị cao hơn”.

TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng từ sau năm 2000 đến nay thu hút đầu tư vào NN rất thấp (cả đầu tư tư nhân lẫn nước ngoài), xuất phát từ cơ chế cho phát triển NN chưa được quan tâm thấu đáo.

Thực tế, lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông- lâm thủy sản chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Vì thế, cần có cơ chế chính sách khuyến khích hợp lý, để thu hút doanh nghiệp, nhất là đội ngũ DNTN đầu tư vào lĩnh vực này.

Để giải bài toán dài hạn cho thu hút đầu tư vào NN, chuyên gia kinh tế- TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần thay đổi mô hình sản xuất một cách đa dạng. Cần cơ chế phân chia lợi ích hợp lý giữa người nông dân và doanh nghiệp.
 
Dù đầu tư dưới hình thức nào, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, cũng phải căn cứ bằng chính thước đo hiệu quả trong thực tế. Quan trọng là phải gỡ bỏ những điểm nghẽn trong cơ chế thu hút đầu tư, khi đó thị trường ghi nhận xu thế mới, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ chuyển hướng đầu tư vào NN. Từ đó tạo sắc diện mới cho NN, với những thương hiệu tầm cỡ quốc gia đi ra thế giới.

Kỳ cuối: Mở lối đi riêng

Bài, ảnh: LAN THƯƠNG- LÊ SƠN