Vì sao lúa Ma Lâm 202 được bán với giá cao?

Cập nhật, 06:16, Thứ Ba, 28/10/2014 (GMT+7)

Bài, ảnh: Ths NGUYỄN VĂN LIÊM


Cán bộ kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cùng nông dân thăm đồng đánh giá hiệu quả phòng chống dịch bệnh trên lúa.

Việc một giống lúa chất lượng thấp lại có giá bán cao như Ma Lâm 202 (ML202) đã gây ra nhiều thắc mắc cho người dân trong thời gian qua, thậm chí có một số nơi nông dân định sản xuất giống lúa này trong vụ mùa sắp tới. Liệu đây chỉ là giá bán nhất thời hay sẽ ổn định mãi như vậy? Đây là vấn đề nông dân cần quan tâm để có hướng điều chỉnh sản xuất cho phù hợp nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra.

 Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), trong thời gian qua, nhiều nông dân thuộc địa bàn các huyện Mang Thít, Long Hồ và Vũng Liêm đã và đang sản xuất giống lúa ML202 với quy mô diện tích khá lớn.

Trong đó, tập trung nhiều nhất là tại huyện Mang Thít, diện tích sản xuất giống lúa này ở vụ lúa Thu Đông năm 2014 vừa qua lên đến gần 5.000ha (chiếm hơn 70% diện tích canh tác của toàn huyện) và tại một số xã lân cận của 2 huyện Long Hồ và Vũng Liêm cũng đang có nhiều nông dân sản xuất giống lúa này. Dự báo các vụ lúa sắp tới có nhiều khả năng nông dân sẽ mở rộng sản xuất giống lúa này.

Được biết, giống lúa ML202 có xuất xứ từ tỉnh Bình Thuận do Trại Giống lúa Ma Lâm thuộc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Bình Thuận chọn tạo, đưa vào khảo nghiệm và sản xuất đại trà trong những năm gần đây, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống quốc gia, có chứng nhận bảo hộ giống cây trồng từ tháng 2/2013.

Giống lúa này có ưu điểm là có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn (khoảng 90- 100 ngày), chống chịu khá tốt với các đối tượng dịch hại chính, dễ canh tác nên cho năng suất cao (vụ Đông Xuân có nơi đạt trên 10 tấn/ha) và khi xay xát tỷ lệ gạo rất cao (74- 75%), hạt gạo nở cơm, lúa dễ bán nên được nhiều nông dân chọn để sản xuất.

Tuy nhiên, giống lúa này lại có nhược điểm là dạng lúa hạt tròn, bị bạc bụng, phẩm chất gạo thấp nên chủ yếu được tiêu thụ để làm bột, làm bún và đặc biệt là nuôi gà, vịt nên người dân còn gọi là “Lúa gà”.

Theo điều tra kết quả khảo sát của cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV Vĩnh Long, hiện tại sản lượng lúa ML202 sản xuất ra được nông dân để ăn 30%, còn lại 70% bán cho thương lái, với giá cao hơn các giống lúa khác từ 100- 200 đ/kg, thậm chí có thời điểm giá lúa này cao bằng các giống lúa chất lượng cao. Còn theo một số thương lái thì hiện nay lúa này được mua rồi bán lại cho thương lái ở chợ Bà Đắc (Cái Bè- Tiền Giang) với số lượng không giới hạn.

Tìm hiểu về vấn đề này chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Đôn- Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Cái Bè- Tiền Giang), thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và được ông Đôn cho biết: Nguyên nhân giống lúa ML202 này bán được giá cao là do hiện nay có một lượng lớn gạo Ma Lâm hạt tròn đang được các doanh nghiệp của Việt Nam xuất sang Trung Quốc để làm bột.

Cũng theo ông Đôn, hiện nay ở Trung Quốc đang có 2 loại quota nhập khẩu: Loại hạt dài thì có thuế cao, còn loại hạt tròn như ML202 thì mức thuế thấp.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Đôn, có khả năng đến cuối năm 2014 này, Trung Quốc sẽ hợp nhất lại 2 loại thuế quota nhập khẩu lúa gạo lại thành một, có nghĩa là sẽ đánh đồng một mức thuế cho cả 2 loại hạt dài và hạt tròn.

Hiện nay, đang là lúc tranh thủ thuế nhập khẩu gạo tròn vẫn còn hiệu lực đến cuối tháng 12 năm nay nên các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh thu mua để kịp thời gian giao hàng cho các hợp đồng đã ký, vì vậy mà hiện tại giá lúa này đang ở mức cao hơn so với giá trị thật của nó.

Nhưng nếu khi Trung Quốc thống nhất mức thuế nhập khẩu gạo thì giá lúa ML202 sẽ trở lại đúng với giá trị như là các dạng lúa hạt tròn có chất lượng thấp và như vậy thì bà con nông dân có thể sẽ gặp khó nếu như canh tác nhiều diện tích bằng giống lúa này.

Bởi vì khi mức thuế nhập khẩu có chung một mức thì người ta sẽ có xu hướng chọn nhóm gạo hạt dài có chất lượng tốt hơn chớ không ai chọn hạt tròn như lúa ML202.

Hiện nay, ngoài Vĩnh Long, còn có nhiều địa phương khác như Bến Tre, Trà Vinh cũng đang có diện tích trồng lúa ML202 khá lớn. Để tránh tình trạng rớt giá, bà con nông dân không nên tiếp tục mở rộng gieo sạ giống lúa này. Bởi một khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu hoặc giảm giá thu mua thì thị trường trong nước khó lòng tiêu thụ hết với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi vụ như hiện nay.


Điểm trình diễn giống lúa chất lượng cao OM 6976.

Trước tình hình nêu trên, nhằm quản lý chặt chẽ quy mô diện tích sản xuất và thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch hại, đồng thời tránh làm lẫn tạp với các giống lúa chất lượng cao đang được sản xuất đại trà của tỉnh, hạn chế việc ồ ạt mở rộng quy mô diện tích sản xuất lúa ML202 sẽ có nguy cơ gây khó khăn trong việc tiêu thụ, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long đã có văn bản đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của sở và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông báo cho nông dân biết về các chính sách mua lúa gạo của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới để nông dân hiểu và tự điều chỉnh diện tích sản xuất, không nên mở rộng thêm diện tích sản xuất giống lúa ML202 khi chưa có hợp đồng bao tiêu chắc chắn nhằm hạn chế rủi ro do khó tiêu thụ.

Các cơ quan chuyên môn như BVTV, khuyến nông cần thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình hình dịch bệnh, hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng đến các trà lúa khác.

Những địa phương có nông dân sản xuất giống lúa ML202 cần quy hoạch tập trung theo từng vùng để dễ quản lý, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, không sản xuất giống ML202 xen kẽ với các vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao của tỉnh để tránh gây lẫn tạp giống.

Ngoài ra, cũng cần khuyến cáo nông dân nên sử dụng cấp giống lúa xác nhận để sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả. Hạn chế tối đa việc tự để giống sẽ dễ dẫn đến thoái hóa giống, làm giảm năng suất chất lượng lúa và tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, gây hại.

Như vậy, nguyên nhân giá lúa ML202 cao bằng lúa hạt dài là đã rõ: do các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cung ứng cho phía Trung Quốc trước khi mức thuế suất ưu đãi kết thúc. Vì thế, nguy cơ lúa Ma Lâm rớt giá hoàn toàn có thể xảy ra khi nước này thống nhất mức thuế nhập khẩu vào đầu năm sau.