Nuôi vịt sinh sản theo phương pháp an toàn sinh học

Cập nhật, 14:36, Thứ Ba, 28/10/2014 (GMT+7)

Gia đình chị Đoàn Thị Ngọc Bích ở phường Tân Lộc (Thốt Nốt- TP Cần Thơ) đã nuôi vịt sinh sản theo phương pháp trên đạt hiệu quả kinh tế rất cao do sản phẩm có chất lượng tốt, tiêu thụ dễ dàng. Đây là mô hình chăn nuôi gia đình theo Dự án OSPRO/PAS/604/USA do Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO).

Gia đình chị Bích hiện đang nuôi 1.800 con vịt đẻ giống CV Super M2 tại 2 khu trại tách biệt nhau: khu sạch (dùng ấp trứng sản xuất vịt giống) và khu bẩn (nuôi vịt). Theo kinh nghiệm của chị Bích, trứng vịt phải được xông ngay sau khi vịt rớt trứng và tủ xông có dung tích khoảng 1m3, thật kín (không xông trứng sau khi vịt đẻ 24 giờ, vì như vậy phôi của trứng sẽ chết).

Trứng thu xong đưa ngay vào tủ có sẵn một chén đựng 20g thuốc tím (KMnO4), sau đó đóng kín tủ và cho thêm vào tủ 40cc Formol theo một ống dẫn từ bên ngoài.

Xông trứng trong vòng 20 phút, sau đó bật quạt hút không khí ra ngoài qua một ống hút lên cao 2m, một giờ sau lấy trứng ra cho vào kho bảo quản để khoảng 3- 5 ngày sau thực hiện việc ấp trứng.

Cách làm trên đã đưa tỷ lệ vịt ấp nở tại trại của chị Bích cao (do phôi trứng ít bị chết), tỷ lệ vịt nuôi sống đạt 95% (trước chỉ đạt 85% do không xông trứng) và tỷ lệ vịt loại 1 đạt 80% (trước khi thực hiện dự án tỷ lệ này đạt tối đa 70%).

Trong nuôi vịt chị còn cải tiến cách nuôi, trong đó ngoài ngừa các loại dịch bệnh cho đàn vịt, chị chú ý cho chúng được uống nước sạch trong các máng nước tự động (trước vịt uống nước trong ao nuôi).

Đối với đàn vịt hậu bị, chị cho ăn thêm thức ăn công nghiệp hỗn hợp (trước chỉ ăn toàn lúa), nên đàn vịt phát triển mạnh, đẻ trứng sai và giảm tỷ lệ vịt bị thải loại so với trước đó. Ngoài ra, chị còn kết hợp nuôi vịt với cá trong ao, mang lại thu nhập thêm cho gia đình khoảng 50 triệu đồng /năm từ bán cá.

Trung Tín- theo TTKNQG