TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP

Dựa vào nông sản thế mạnh

Cập nhật, 14:36, Thứ Ba, 28/10/2014 (GMT+7)

Vĩnh Long có nhiều thế mạnh sản xuất nông sản. Tuy nhiên, tình trạng được mùa, rớt giá cứ lặp đi lặp lại nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tình hình mới thông qua những nông sản thế mạnh là sẽ tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường trở thành vấn đề cấp bách.


Đất lúa không hiệu quả khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp.

Xác định thế mạnh đầu tư

Trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã xác định rõ, đầu tư tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản thông qua đầu tư giống mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, xây dựng nhà sơ chế đóng gói, chứng nhận VietGAP, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long cũng đã đầu tư hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung (cánh đồng mẫu lớn) trên cây lúa ở 7 huyện- thị với diện tích 3.000ha, người dân xung quanh vùng dự án ở các huyện đã mở rộng thêm gần 4.000ha, nâng tổng diện tích cánh đồng mẫu toàn tỉnh gần 7.000ha.

Thông qua việc tham gia các hội chợ, ngành nông nghiệp đã phối hợp quảng bá hàng nông sản; tổ chức các hội thảo liên kết tiêu thụ nông sản, tổ chức giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp tìm kiếm thị trường.

Việc làm này cũng đã mang lại kết quả tích cực: trên 90ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC và tiêu chuẩn VietGAP; năng suất và hiệu quả sản xuất lúa tăng hơn 0,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng so với ngoài vùng dự án 3,5- 4 triệu đồng/ha/vụ; sản phẩm khác như xà lách xoong, bưởi Năm Roi cũng đã có nhiều khách hàng mới.

Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long cho rằng, để nông nghiệp bứt phá cần phải tái cơ cấu, thay đổi cách nghĩ, cách làm với mục tiêu là nâng cao giá trị gia tăng để phát triển bền vững.

Đặc biệt quan tâm vấn đề quản lý nhà nước về hướng dẫn vùng trồng, kỹ thuật... đã được thể hiện trong quy hoạch đến năm 2020. Trong đó, xác định được thế mạnh của tỉnh là cây lúa, cá tra, cam sành, bưởi Năm Roi, khoai lang.

Đây là những mặt hàng chủ lực cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; còn quy mô tăng giảm tùy thời điểm cho phù hợp với thị trường.

Bên cạnh, phải luôn luôn nghiên cứu ứng dụng xây dựng mô hình mới bổ sung như trồng bắp lai luân canh trên ruộng lúa, nuôi đặc sản (lươn đồng, cá thát lát cườm, cá bông lau...). Như vậy, nông dân mới phát triển sản xuất theo chiều hướng vừa có quy mô lớn, vừa đa dạng sản phẩm, sử dụng tốt tiềm năng hiện có để tăng thu nhập.

Nâng cao giá trị nông sản

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Vĩnh Long cũng gặp không ít khó khăn. Nhân chuyến về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho rằng, để đề án tái cơ cấu thực hiện hiệu quả hơn Trung ương cần thực hiện liên kết các tỉnh- thành ĐBSCL trên tất cả cây trồng vật nuôi; liên kết mạnh mẽ nông dân và doanh nghiệp để tạo đầu ra nông sản.

Riêng Vĩnh Long trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, mối liên kết sản xuất và tiêu thụ không được thực hiện chặt chẽ; dịch bệnh trên vườn cây ăn trái phòng trị đạt chưa cao.

Mặt khác, do điều kiện địa hình đất đai thấp, Vĩnh Long chịu ảnh hưởng nước lũ ngập lụt hàng năm, nên tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ xây dựng đê bao cho vùng sản xuất lúa chuyên canh; xem xét hỗ trợ giống cây trồng trong quá trình chuyển đổi.

Để tạo điều kiện cho nông dân tham gia thị trường, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phấn đấu xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn để có số lượng hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều với đầu mối tiêu thụ là hợp tác xã, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho rằng, mục tiêu tiếp theo phải tăng giá trị nông sản bằng các giải pháp thay đổi giống có chất lượng để bán được giá cao, đồng thời phải hạ giá thành sản xuất bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học. Vĩnh Long cần chọn ra nông sản chủ lực, xác định rõ định hướng, giải pháp thực hiện đồng bộ để đạt hiệu quả cao hơn. Để giúp nông dân chuyển đổi hiệu quả, có thể tìm những giống cây trồng đạt thu nhập từ 200- 300 thậm chí 1 tỷ đồng/ha.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tới đây ngành nông nghiệp sẽ triển khai nhiều dự án sản xuất hướng an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thực hiện tốt mối liên kết “4 nhà”, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh để tạo ra sản lượng lớn đảm bảo đủ lượng hàng hóa thị trường cần.


Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG