Giúp nông dân sản xuất lúa đi vào “bài bản”

Cập nhật, 12:57, Thứ Năm, 31/07/2014 (GMT+7)

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hội Nông dân xã Song Phú (Tam Bình) đã nêu cao tinh thần “vì dân phục vụ” từ việc vận động hội viên, nông dân tham gia mô hình kinh tế tập thể đến việc liên kết chặt chẽ “4 nhà”, nhằm tăng hiệu quả sản xuất và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Sau mỗi vụ lúa, Hội Nông dân xã Song Phú gặp gỡ nông dân để đánh giá và rút kinh nghiệm cho vụ sau.

Nông dân được hưởng lợi

Hơn 5 năm tham gia tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa số 2 (ấp Phú Hòa Yên), ông Nguyễn Văn Gọn đã có thể an tâm trồng lúa với chi phí tiết kiệm và gia tăng lợi nhuận. “Nếu tự ên mình làm thì không có hiệu quả”- ông Gọn khẳng định.

Tham gia cánh đồng mẫu (CĐM), ngoài được hỗ trợ 50% giống ban đầu và tiền phân thuốc 70.000 đ/công. Điều làm ông hào hứng nhất là được lo đến... “tận răng”, từ việc lựa chọn lịch thời vụ, giống lúa, phân thuốc, đến lúc thu hoạch cũng được Ban điều hành THT đứng ra lo tất tần tật chuyện hợp đồng máy cắt, máy xới và cả tìm thương lái thu mua.

Trước đây, mỗi vụ lúa, ông phải tự lo mọi thứ, “ngán nhất là thu hoạch xong phải chạy đôn, chạy đáo tìm mối lái nên làm không sung như bây giờ”- ông Gọn nói.

Vụ Đông Xuân vừa rồi ông vui như “mở cờ trong bụng” vì 14 công lúa của ông “được mùa, được giá” cho năng suất 9 tấn lúa/ha, bán được khoảng 50 triệu đồng/ha. Còn vụ Hè Thu mới đây thì thu hoạch cũng được khoảng 6,8 tấn/ha, với giá bán 4.700 đồng/kg, cũng thu được gần 32 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/công.

Ngoài tham gia THT, ông còn là thành viên CLB “Cánh đồng mơ ước” do Công ty TNHH ADC đứng ra tổ chức tập huấn 2 lần/vụ về quy trình sử dụng phân thuốc hợp lý. Cuối mỗi vụ CLB đều có tổng kết để đánh giá hiệu quả, lợi nhuận so với trồng lúa bên ngoài và đề ra phương hướng để vụ sau làm tốt hơn. “Nếu mình làm tự phát thì hao thuốc, tốn tiền, kéo theo lợi nhuận chẳng bao nhiêu”- ông Gọn nói.

Theo ông Lương Minh Hạnh- Chủ tịch Hội nông dân xã, được Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo chịu trách nhiệm chính về xây dựng CĐM. Hội đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ nông nghiệp, cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông. Đồng thời, gắn với chi hội nông dân các ấp thành lập 24 THT sản xuất lúa với diện tích 910ha. Trong đó, CĐM có diện tích 105ha ở ấp Phú Trường Yên và Phú Hòa Yên.

Để giúp nông dân làm ăn có hiệu quả hơn, hội đã phối hợp với Công ty TNHH ADC thành lập 5 CLB “Cánh đồng mơ ước” với diện tích khoảng 80ha/vụ. Đồng thời, phối hợp với 2 kỹ sư FF của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện chương trình “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân.

Nhờ liên kết chặt chẽ trong việc “bám đồng” cùng nông dân, khi phát hiện bất cứ triệu chứng gì khác thường như nhiễm bệnh, lúa chính sớm... sẽ đưa ra biện pháp xử lý phù hợp để làm lúa đạt hiệu quả hơn.

Cách làm hiệu quả

Theo ông Lương Minh Hạnh: Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân đã chủ động phối hợp, nâng chất hoạt động của các THT, giúp nông dân sản xuất lúa có bài bản hơn vì nông dân vừa là chủ thể, cũng là người hưởng lợi.

“Thông qua việc chủ động giúp nông dân thay đổi phương thức canh tác phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn và tổng kết rút kinh nghiệm... đã giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác”- ông nhận định.

Một trong những đơn vị thực hiện khá tốt mô hình kinh tế hợp tác phải kể đến ấp Phú Hòa Yên. Toàn ấp có 2 THT sản xuất lúa theo CĐM, 738 công với 104 thành viên tham gia. Ngoài ra, ấp còn có CLB “Cánh đồng mơ ước” với 23 thành viên tham gia với tổng diện tích 230 công.

Ông Trần Văn Út- Phó trưởng ấp cho biết: Mỗi THT đều có hẳn quy trình từ lúc xuống giống đến thu hoạch và buôn bán đồng loạt. Ban điều hành THT gồm 3 người, do dân bầu ra. Theo đó, Ban điều hành sẽ đứng ra điều động ngày sản xuất theo chỉ đạo của xã; chọn người quản lý cống bộng; liên hệ chặt chẽ với Hội nông dân xã phối hợp tổ chức tập huấn; hợp đồng với doanh nghiệp từ việc chọn giống, phân, thuốc, đến cắt, xới và thu mua lúa cho thành viên.

Lúc đầu chỉ có khoảng 50% hộ dân tham gia THT, đến nay đã phủ kín toàn ấp. Trong số các thành viên tham gia, có khoảng 30% hộ dân khác địa phương “xâm canh” xin vào THT.

Từ tiền thu máy xới, máy gặt đập liên hợp, Ban điều hành sẽ trích ra bồi dưỡng cho các thành viên trong ban và người quản lý cống bộng 200.000 đ/người/năm. Phần còn lại, sẽ đưa về xã quản lý khi cần thì rút ra hoặc đưa vào tu sửa đường nội đồng. Nhờ vậy, đã rải đá khoảng 300m đường nội đồng, giúp nông dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. “Đây là cách làm vừa lợi về kinh tế hợp tác, vừa lợi về giao thông nông thôn”- phó trưởng ấp nhận định.

Theo ông "thu hoạch vụ lúa Hè Thu xong, chúng tôi sẽ vận động nông dân bán đồng cho vịt chạy (thu 10.000 đ/công) để tiếp tục có có kinh phí rải đá phủ kín đường nội đồng.

Còn theo ông Lương Minh Hạnh, vụ Đông Xuân tới, sẽ vận động toàn bộ nông dân trong xã tham gia CĐM. Đồng thời, sẽ liên hệ chặt chẽ với Công ty TNHH ADC trong việc chọn giống và tiêu thụ sản phẩm cho nhà nông.

Với sự phối hợp chặt chẽ của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông) đã góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, ổn định thị trường, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt là góp phần cùng địa phương “làm mới” nông thôn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI