Kinh nghiệm trồng thanh long ở Đài Loan

02:04, 30/04/2014

Cây thanh long của Đài Loan được trồng trên líp cao để thoát nước, được rải rất nhiều trấu, vỏ trứng gà, vịt dưới gốc cây nhằm tăng cường canxi cho cây phát triển.

Cây thanh long của Đài Loan được trồng trên líp cao để thoát nước, được rải rất nhiều trấu, vỏ trứng gà, vịt dưới gốc cây nhằm tăng cường canxi cho cây phát triển.


Mô hình vườn thanh long của Đài Loan

Sau chuyến công tác từ Đài Loan, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, chuyên gia cây ăn quả và TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) đã chia sẻ về những kinh nghiệm trồng thanh long bằng phương pháp mới của Đài Loan.

CANXI CHO THANH LONG

Theo Cục BVTV, hiện thanh long VN đã được xuất khẩu sang 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng VSATTP như Mỹ, châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt hơn 150 triệu USD, tăng mạnh so với 5,8 triệu USD vào năm 2003; trong đó VN đã xuất khẩu 1.200 tấn thanh long tươi vào Mỹ với giá tương đối cao khiến nhiều DN đang đẩy mạnh việc thu gom thanh long hoàn thành các đơn hàng cho đối tác Mỹ.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Sofri cho rằng: “Dù đạt được những kết quả vượt bậc nhưng thanh long VN sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt vì nhiều nước trong khu vực và đặc biệt là Đài Loan, Trung Quốc đã bắt đầu trồng đại trà với quy mô lớn loại cây ăn trái này!”.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, để hướng đến thị trường xuất khẩu tốt doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đa dạng các sản phẩm để tạo sự cạnh tranh tốt với thanh long các nước trong tương lai. Hiện thanh long VN mới chỉ xuất tươi, các sản phẩm sau chế biến như sấy khô, làm mứt, rượu, nước hoa quả…cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo ông Châu, hiện Đài Loan đã có thể xử lý thanh long ra trái quanh năm và Trung Quốc cũng đã triển khai kế hoạch trồng hơn 20.000 ha thanh long. Mặc dù, Trung Quốc chỉ mới phát triển trồng thanh long và có điều kiện thời tiết bất lợi nhưng với khả năng tài chính và kỹ thuật canh tác hiện đại, nông dân Trung Quốc cũng có thể xử lý thanh long cho trái quanh năm với năng suất thanh long cao nhất đạt tới 100 tấn/ha và thấp nhất cũng phải 60 tấn/ha.

Chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế việc trồng thanh long của Đài Loan, ông Châu cho biết: “Chuyến đi thực tế này bên Đài Loan đã khiến chúng tôi rất ngỡ ngàng trước những mô hình trồng thanh long, vì họ có thể xử lý ra hoa kết trái vào giữa mùa đông mà năng suất rất cao.

Cây thanh long của Đài Loan được trồng trên líp cao để thoát nước, đồng thời họ đem rải rất nhiều trấu, vỏ trứng gà, vịt dưới gốc cây nhằm tăng cường canxi cho cây phát triển cứng cáp và giúp thời gian bảo quản trái được lâu.

Những vườn thanh long ở Đài Loan được người nông dân trồng với quy mô lớn và khá bài bản. Cây cách cây khoảng 1 m, hàng cách hàng khoảng 3 m, hầu hết trái thanh long đều được bao lại và tất cả các trụ đều bằng cột sắt thay vì trụ xi măng hay thân cây sống như của VN.

Hơn nữa, hệ thống tưới nước tự động cả trên ngọn và dưới gốc. Họ tiến hành tỉa cành rất kỹ, chỉ để một tầng cành và một lớp, không như tập quán trồng thanh long của người dân VN thường có thói quen giữ lại nhiều cành, nhiều lớp càng tạo điều kiện ủ bệnh và sâu bệnh phát triển mạnh.



Các chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam tham quan mô hình trồng thanh long ở Đài Loan

“Tham quan thực tế những vườn của họ, chúng tôi chứng kiến toàn bộ cây thanh long ra cành rất mập, đều và không hề có biểu hiện của sâu bệnh. Trung bình mỗi trái khoảng 1,2 kg và mỗi cành người ta chỉ để một trái, không như vườn thanh long của ta thường giữ từ 2 - 3 trái khiến chất lượng không đảm bảo…”, ông Châu chia sẻ.

CẦN CÓ KẾ HOẠCH CỤ THỂ

"Bệnh đốm trắng trên cây thanh long (người dân còn gọi là bệnh đốm nâu, tắc kè bông hay “bệnh ma”) ở Tiền Giang và Long An hiện đang rất phổ biến vì nguồn nước tưới bị ô nhiễm nặng. Thực tế cây thanh long cần nguồn dinh dưỡng lớn nên việc cắt tỉa cành và ủ phân tái sử dụng như kinh nghiệm của Đài Loan là rất cần thiết", TS Nguyễn Văn Hòa.

Trước những thách thức của thị trường xuất khẩu có thể gây tác động tiêu cực đến SX và tiêu thụ thanh long trong nước, PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, VN cần có kế hoạch SX thanh long rải vụ để sao “né” được hàng thanh long của Đài Loan và Trung Quốc.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long sang Mỹ và châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đồng thời, các nhà khoa học phải tăng cường nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống thanh long mới, chất lượng cao để tăng khả năng cạnh tranh với thanh long trồng từ các nước khác.

Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, để giải quyết những nỗi lo trên, VN cần mở rộng diện tích trồng thanh long ở các tỉnh có điều kiện thích hợp, đồng thời mở rộng thị trường và tìm thị trường mới, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

“Viện đang tiến hành thí nghiệm việc xông đèn cho cây thanh long bằng bóng đèn 17W để thay cho loại bóng 20W hiện nay của nhà vườn của VN hay bóng 23W của Đài Loan đang sử dụng nhằm tăng hiệu quả và giảm chi phí SX.

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ nhanh chóng nghiên cứu lai tạo giống thanh long ruột vàng như Newzeland đã làm được nhằm tạo ra giống mới “độc chiêu” và giữ bản quyền tốt phục vụ chuyển giao cho người dân trong nước ứng dụng SX nhằm đa dạng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế!”, TS Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Theo NNVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh