Kinh nghiệm nhà nông

Cứu ruộng dưa hấu bị ngập nước

Cập nhật, 18:24, Thứ Ba, 29/04/2014 (GMT+7)

Vụ dưa hấu Thu Đông vừa qua, gia đình anh Lưu Văn Em (xã An Thủy, huyện Ba Tri- Bến Tre) trồng 1,3ha dưa hấu trên đất ruộng.

Bước vào đầu tháng 11/2013, khi ruộng dưa của anh xuống giống được 45 ngày, dây dưa đã dài 1,5m và bắt đầu có trái thì áp thấp nhiệt đới ập đến kết hợp với triều cường làm toàn bộ ruộng dưa bị ngập úng.
 
Phải một tuần sau khi hết triều cường anh Em mới tháo được nước trong ruộng dưa. Lúc này, các dây dưa trên ruộng đã bị héo do bị úng rễ. Có người khuyên anh nên nhổ bỏ các dây dưa gần như chết đó để xuống giống mới cho kịp thời vụ.

Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn và với kinh nghiệm trồng dưa nhiều năm của mình, anh Em có quyết định cứu ruộng dưa rất táo bạo để giảm thiệt hại: Việc đầu tiên là anh cắt bỏ hết lá và trái dưa non để dưỡng dây, 10 ngày sau rễ của các dây dưa gần như được phục hồi anh mới bón thêm phân cho chúng.

Lúc này dây dưa tiếp tục lớn, nhảy thêm chồi mới và khi dây dưa dài khoảng 3m, anh bắt đầu cho đậu trái.

Nếu như các dây dưa không bị ngập úng thì khoảng cách từ trái đầu tiên đến gốc khoảng 1,5m, tức trái nằm ở liếp (hàng) kế bên, còn các dây dưa của ruộng dưa khắc phục ngập úng này khoảng cách đó là 3m. Như vậy, trái của các dây dưa này nằm ở hàng thứ hai nên được tạm gọi đây là phương pháp “để trái hàng hai”.

Với cách khắc phục trên, thời gian sản xuất kéo dài thêm 30 ngày và hao tốn chi phí hơn do phải bón thêm một đợt phân, nhưng thực tế cho thấy năng suất và chất lượng dưa khi thu hoạch gần như không bị ảnh hưởng.

Anh Em còn cho biết, để ruộng dưa có nhiều trái to đẹp không nên trồng quá dày, hàng cách hàng nên từ 2,5- 3m, bón phân cho dưa phải cân đối. Sửa dây là một khâu rất quan trọng, khi dây dưa bắt đầu bỏ vòi thì sửa cho chúng song song với nhau và dây dưa có chiều thẳng góc với hàng.

Trung Tín (theo KN Bến Tre)