Giá tăng, nông dân hết lúa bán

Cập nhật, 10:11, Thứ Ba, 30/07/2013 (GMT+7)

Hơn tuần qua, giá lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL tăng thêm 300- 400 đ/kg. Tuy nhiên, nhiều nông dân ở Vĩnh Long không vui, bởi phần lớn họ đã bán hết lúa từ trước đó.


Giá lúa tăng nhưng lượng lúa trong dân không còn nhiều.

Hết lúa giá tăng

Anh Trần Văn Chính (xã Chánh Hội- Mang Thít) là thương lái mua lúa cho biết: “Hiện lúa gà (lúa hạt tròn) mua tại ruộng có giá từ 92.000- 94.000 đ/giạ, lúa khô có giá 106.000 đ/giạ. Mấy hôm nay giá lúa tăng nhưng quanh đây không còn ai có lúa để bán, mấy đồng gần đây người ta xuống giống hết rồi, phải đi đồng xa mới có lúa mua”.

Ghi nhận tại huyện Mang Thít, ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Thít, cho biết: Toàn huyện đã thu hoạch trên 90% diện tích, hiện chỉ còn khoảng 50- 70ha nằm rải rác ở một vài xã chưa thu hoạch. Chính sách thu mua lúa tạm trữ có làm giá lúa nhích lên chút đỉnh nhưng hiện người dân không còn lúa để bán.

Vác xong mấy bao lúa bán tại ruộng cho thương lái, anh Nguyễn Văn Nhân (xã Bình Phước- Mang Thít) rầu rầu, nói:

“Đến bây giờ giá mới tăng, nông dân ở đây có ai còn lúa để bán nữa đâu. Đã thu hoạch cách đây cả tháng rồi, đều bán lúa tươi hết để trả nợ tiền vật tư. Tui còn được vài công thu hoạch muộn nên bán giá đỡ hơn chút đỉnh”. Trước đó, ngay thời điểm thu hoạch rộ lại gặp thời tiết mưa dầm nên lúa đổ ngã, bán giá rẻ bèo chỉ 3.500 đ/kg mà thương lái kỳ kèo, chê bai.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Hai (xã Tân An Hội- Mang Thít) còn “cù” lại 5 công lúa thu hoạch muộn nên giá bán đỡ hơn. Tuy nhiên, theo cô Hai: “Giá lúa cũng chỉ nhỉnh hơn tháng trước chút đỉnh. Tui bán tại ruộng được 94.000 đ/giạ, chừa vài giạ để dành ăn, không lỗ là mừng rồi”.

Trong khi đó, tại huyện Tam Bình, đến ngày 17/7/2013, đã cơ bản thu hoạch dứt điểm diện tích lúa Hè Thu với hơn 15.000ha. Do ảnh hưởng thời tiết làm lúa đổ ngã, năng suất trung bình chỉ khoảng 5,6 tấn/ha.

“Điệp khúc” tạm trữ chậm

Nhiều nông dân cho biết, những vụ lúa vừa qua, sau khi Chính phủ triển khai việc mua tạm trữ thì lập tức giá lúa gạo tăng trở lại. Tuy nhiên, do triển khai chậm nên họ chưa được hưởng lợi. Theo các chuyên gia, để công tác mua tạm trữ đạt hiệu quả cao cần phải có chiến lược từ đầu năm, chứ không phải đợi để từng vụ mới triển khai.


Một số ít nông dân tại huyện Mang Thít còn thu hoạch lúa.

Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lúa gạo và thủy sản vừa qua, công tác mua tạm trữ lúa gạo triển khai chậm khiến nhiều địa phương tỏ ra bức xúc. Ông Huỳnh Thế Năng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng:

Cần nghiên cứu cách tạm trữ theo dạng gửi lúa cho doanh nghiệp như Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đang áp dụng khá hiệu quả tại các cánh đồng mẫu lớn những năm qua để thẩm định nếu hiệu quả tiếp tục nhân rộng.

Ông Huỳnh Văn Thòn- Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, từng kiến nghị: Cần xóa bỏ cách mua tạm trữ như hiện nay mà nên đầu tư mạnh hơn vào công sấy lúa, bởi hiện khâu này ở ĐBSCL còn khá yếu.

Kiến nghị này được đánh giá khá hay, bởi hiện nay không ít nông dân thấy giá lúa thấp quá, muốn giữ lại nhưng không có lò sấy đành chịu. Chú Võ Thanh Tân (xã Hậu Lộc- Tam Bình) nói: “Sau khi triển khai mua tạm trữ biết giá lúa sẽ tăng, nhưng có gì đâu mà chứa. Phần chở đi sấy thêm tốn kém, phần thì nợ phân thuốc, đành bán lỗ”.

Ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì cho rằng, trong điều kiện lượng gạo tồn kho lớn, để nâng chất lượng hạt gạo thì ngành nông nghiệp các địa phương cần chú trọng khuyến cáo nông dân sử dụng giống chất lượng cao.
 
“Đây là bước chuyển cần thiết vì nếu tiếp tục chú trọng vào thị trường cấp thấp thì sẽ khó khăn, ngay cả thị trường Châu Phi hiện cũng nhập gạo cấp cao”- ông Trương Thanh Phong cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quốc Huấn- Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Đến ngày 25/7/2013, thực hiện thu mua lúa gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ, 4 công ty: CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long, Công ty Lương thực Vĩnh Long và Công ty CP TM Hồng Trang đã thu mua được 38.230 tấn lúa quy gạo đạt 80% chỉ tiêu được giao là 48.000 tấn. Riêng Công ty Lương thực Vĩnh Long đã thu mua xong với 12.000 tấn. Ngoài ra, còn có Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau thu mua được khoảng 4.000 tấn quy gạo tại kho trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: THẢO LY- NGUYỄN HOÀNG