Thu hút đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ

11:03, 10/03/2022

Môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch đã giúp Vĩnh Long thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những năm gần đây, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng bắt đầu quan tâm và đầu tư vào tỉnh nhà.

 

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ ngày càng quan tâm đến môi trường kinh doanh ở Vĩnh Long. Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ ngày càng quan tâm đến môi trường kinh doanh ở Vĩnh Long. Ảnh minh họa

(VLO) Môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch đã giúp Vĩnh Long thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những năm gần đây, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng bắt đầu quan tâm và đầu tư vào tỉnh nhà.

Vẫn chưa tương xứng

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 22 doanh nghiệp hoạt động trong các ngành CNHT với các ngành: sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô; ngành dệt may, da giày; linh kiện, phụ tùng cơ khí; sản phẩm bao bì; linh kiện điện tử; nguyên liệu sản xuất thực phẩm; nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; nguyên liệu sản xuất đồ nhựa; sản xuất dược phẩm...

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT được phân bổ đều cả trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 dự án lĩnh vực CNHT đang triển khai đầu tư như: sản xuất sản phẩm linh kiện, phụ tùng ô tô; sản xuất sản phẩm nguyên phụ liệu ngành giày dép; sản xuất nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh một số kết quả đạt được trong thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, nhìn chung CNHT trên địa bàn tỉnh phát triển còn chậm, tính liên kết nội địa chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong tỉnh và khu vực lân cận.

Do đó, cần triển khai các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển CNHT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới.

Tận dụng lợi thế thu hút đầu tư CNHT

Theo Sở Công thương Vĩnh Long, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh hiện nay chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ trọng 98,4%.

Ngành này hiện suy giảm khá sâu do dịch COVID-19. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị (Bình Minh, Vũng Liêm,...), các khu công nghiệp: Bình Tân, Đông Bình, An Định và một số cụm công nghiệp, các tuyến quốc lộ 53, 54, 57... đang được quan tâm, ưu tiên đầu tư, mở rộng theo quy hoạch.

Ngành công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ góp phần nâng cao hội nhập chuỗi sản xuất toàn cầu. Ảnh minh họa
Ngành công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ góp phần nâng cao hội nhập chuỗi sản xuất toàn cầu. Ảnh minh họa

Đặc biệt cầu Mỹ Thuận 2, tuyến cao tốc Trung Lương- Cần Thơ sắp hoàn thành trong giai đoạn tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung, thời gian qua, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, các chính sách hỗ trợ xúc tiến đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để tạo môi trường pháp lý ổn định cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư... 

Trong đó có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực CNHT vào địa bàn tỉnh.

Các dự án đầu tư CNHT cũng đang chuyển dịch sang một số ngành nghề khác mà theo đánh giá sẽ mang lại nhiều hiệu quả và góp phần nâng cao hội nhập chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo Sở Công thương, tháng 9/2021 đã có 1 dự án mới đi vào hoạt động, là nhà máy sản xuất các cụm chi tiết linh kiện điều khiển cho ngành công nghiệp ô tô của Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam tại Khu công nghiệp Bình Minh. Dự án có công suất 5.727 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư gần 49 triệu USD.

Đồng thời có 1 dự án mới khởi công xây dựng là dự án nhà máy sản xuất kích thủy lực thân nằm và tủ dụng cụ trong ngành sửa chữa ô tô. Dự án của Công ty TNHH Saturn Engineering Systems Việt Nam (Hoa Kỳ) tại Khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn 2, công suất 10.800 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 11,3 triệu USD.

Điểm mới trong các dự án đầu tư CNHT, nếu như trước đây những dự án đầu tư phần lớn trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm; thức ăn gia súc- thủy sản; giày da... thì nay đã có thêm các dự án đầu tư vào CNHT như sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô.

Đây là lĩnh vực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, tăng cơ hội tham gia chuỗi giá trị, tạo năng lực sản xuất mới cho công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng đã ban hành chương trình phát triển CNHT đến năm 2025. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển CNHT vào các lĩnh vực như: Linh kiện phụ tùng; dệt may- da giày; ô tô; CNHT cho công nghiệp công nghệ cao; CNHT ngành chế biến thực phẩm, nông sản, thủy sản. Chương trình phát triển CNHT theo hướng kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu;... Tổng kinh phí thực hiện trên 41 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí ngân sách địa phương, Trung ương và nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh