Khu, tuyến công nghiệp

Doanh nghiệp "chạy đà" khôi phục sản xuất kinh doanh

Cập nhật, 06:10, Thứ Ba, 15/02/2022 (GMT+7)

(VLO) Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hiện các doanh nghiệp (DN) ở các khu, tuyến CN đã hoạt động trở lại, đạt 100%. Song song đó, các DN cũng đã đưa ra kế hoạch sản xuất và mong muốn tuyển thêm người lao động để khôi phục và phát triển bền vững hoạt động sản xuất kinh doanh ở đơn vị.

Sau Tết, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch phục hồi bền vững hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau Tết, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch phục hồi bền vững hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hoạt động 100%

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, đến ngày 10/2 đã có 45/45 (100%) DN hoạt động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Số lao động trở lại làm việc 41.081 lao động, chiếm 98% so với số lao động đang làm việc trước Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, số lao động vắng mặt 2.927 lao động (vắng có phép 2.396 lao động; vắng không phép 520 lao động; nghỉ việc 11 lao động).

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc- Phó Ban Quản lý Các khu công nghiệp, các DN thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, đa số DN đều thực hiện chính sách tiền thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động, ngoài tiền thưởng Tết, còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác cho người lao động như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì,...

“Sau kỳ nghỉ Tết, các DN trở lại hoạt động ổn định, nhiều DN có lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao; tình trạng “nhảy việc” ít xảy ra. Các DN đã tổ chức sản xuất với tinh thần khẩn trương, tích cực. Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 được thực hiện tốt”- ông Phúc cho biết.

Ông Nguyễn Việt Trung- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tỷ Xuân chia sẻ, năm qua là năm rất khó khăn với DN vì tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. “Để hỗ trợ DN, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tận tình.

Các sở, ban ngành đã cùng đồng hành, chia sẻ cùng DN, nắm bắt và giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc là bước đệm quan trọng giúp DN phục hồi nhanh chóng. Đến nay, DN đã 100% khôi phục hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đáp ứng được nhu cầu hàng hóa cho đối tác khách hàng”- ông Trung cho biết.

Trong khi đó, chính sách thu hút đầu tư, tiếp xúc với DN có tiềm năng tiếp tục được Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh chú trọng.

Theo đó, tiếp tục tập trung cho công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, gửi thông tin về các khu công nghiệp cho 5 nhà đầu tư tiềm năng, tham gia diễn đàn xúc tiến đầu tư và định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trực tuyến…

“Khát” nguồn lao động

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp, dự báo số lượng lao động cần tuyển dụng của các DN trong thời gian đầu năm 2022 (bao gồm nhu cầu tuyển dụng lao động mới và tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc) là 24.100 lao động.

Trong đó, số DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều như Công ty TNHH Tỷ Xuân: 7.087 lao động, Công ty TNHH Tỷ Bách: 7.000 lao động, Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam: 2.500 lao động, Công ty TNHH Sungjin Vĩnh Long Vina: 1.200 lao động, Công ty TNHH May mặc Leader (VN): 1.500 lao động, Công ty CP Dệt may ĐTTM Thành Công CNVL: 1.500 lao động, Công ty TNHH KYUNGSHIN VIETNAM: 1.300 lao động, Công ty TNHH FURUKAWA AUTOMOTIVE SYSTEMS Vĩnh Long (Việt Nam): 800 lao động,... chủ yếu lao động phổ thông.

Lãnh đạo một DN may mặc cho biết, hiện nhà xưởng đang hoạt động vẫn còn thiếu khoảng hơn 1.000 lao động. Trong khi đó, năm 2022, đơn vị có thể sẽ đưa vào hoạt động thêm xưởng sản xuất mới, nhu cầu lên đến hàng ngàn lao động.

“Với nhu cầu đó, thực tế cho thấy rất cần sự quan tâm cũng như các chính sách thu hút lao động không riêng gì DN mà còn của địa phương.

Có thể thấy, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, DN có xu hướng đầu tư vào những nơi đáp ứng đủ và tốt nhu cầu lao động- tức chuyển dịch theo nguồn lao động. Không như lúc trước, người lao động phải chạy theo DN”- lãnh đạo này chia sẻ.

Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp, nhận kiến nghị từ các DN, thời gian tới, mong muốn Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tăng cường kết nối cung cầu lao động, đảm bảo cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của DN.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long, dự báo thị trường lao động của tỉnh trong năm 2022 có những chuyển biến tích cực. Thông qua kết nối cung cầu, hiện có 734 DN đăng ký tuyển dụng tại trung tâm với nhu cầu hơn 49.000 lao động.

Trong khi đó đã có 13.200 người đăng ký tư vấn tìm việc làm. Có thể đánh giá đây là sự chuyển dịch lao động từ các tỉnh, thành khác vào tỉnh Vĩnh Long nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN tỉnh nhà.

Năm 2022, để làm tốt vai trò kết nối cung cầu lao động trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác hỗ trợ thị trường lao động như: phối hợp tổ chức ngày hội việc làm; tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, lưu động; đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp, dự báo nhu cầu nhân lực… Đồng thời, các trường dạy nghề sẽ tăng cường hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội gắn kết nghề nghiệp- việc làm.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY