Kỳ cuối: Kỳ vọng những nhân tố tăng trưởng mới

02:11, 16/11/2023

Bà Phạm Chi Lan- chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định: Những tháng cuối năm 2023 và 2024, kinh tế Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đối mặt với cơ hội và thách thức mới từ bối cảnh kinh tế toàn cầu theo nhiều chiều, phức tạp, đan xen nhau.
 

 
Sản xuất phụ kiện bộ dây điện xe ô tô tại Công ty Kyungshin Việt Nam 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Sản xuất phụ kiện bộ dây điện xe ô tô tại Công ty Kyungshin Việt Nam 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Phạm Chi Lan- chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định: Những tháng cuối năm 2023 và 2024, kinh tế Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đối mặt với cơ hội và thách thức mới từ bối cảnh kinh tế toàn cầu theo nhiều chiều, phức tạp, đan xen nhau.
 
Riêng Vĩnh Long cũng có nhiều nhân tố tích cực từ các dự án hạ tầng giao thông, dự án khu công nghiệp (KCN)… hỗ trợ thêm nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh của nền kinh tế.
 
Đón “làn sóng” mới
 
Dù ghi nhận tình hình sản xuất của hầu hết doanh nghiệp (DN) tại các KCN của tỉnh khó khăn do tác động tình hình chung kinh tế thế giới làm giảm đơn hàng, nhất là những ngành chiếm tỷ trọng lớn như may mặc, giày da; nhưng theo ông Nguyễn Thanh Sang- Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, vẫn có nhiều ngành sản xuất phục hồi tốt như điện, điện tử, sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi… 
 
Là DN có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất phụ kiện bộ dây điện cho các dòng xe ô tô Hyundai, Kia… ông Dương Văn Minh- Trưởng Phòng Sản xuất Công ty TNHH Kyungshin Việt Nam (KCN Hòa Phú), cho biết:
 
"Những tháng đầu năm 2023, DN gặp không ít khó khăn về sụt giảm đơn hàng đến 30-35%. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, tình hình sản xuất có khả quan hơn, đơn hàng đã nhiều trở lại và một đơn vị ở châu Âu cũng đã chấm điểm đạt chuẩn nên sẽ có thêm đơn hàng mới. Để đón làn sóng mới này, từ nay đến cuối năm DN đã lên kế hoạch tuyển dụng thêm lao động đáp ứng các đơn hàng mới”. 
 
Hiện Công ty Kyungshin Việt Nam đang có 1.750 lao động, trong đó, lao động trong tỉnh chiếm khoảng 70%. Theo ông Dương Văn Minh, với lợi thế nguồn lao động trẻ tại địa phương và khu vực lân cận, DN không lo thiếu lao động. Để hoạt động hết công suất phải cần 2.200-2.500 lao động, nên trong thời gian tới, DN cần thêm 500 lao động.
 
“Chúng tôi dự báo tình hình sản xuất kinh doanh cuối năm và đầu năm 2024 sẽ tốt hơn. Theo chiều hướng đó, DN cũng định hướng sản xuất phát triển song song phụ tùng 50% linh kiện của xe điện và 50% linh kiện của xe xăng. Đây là hướng sản xuất phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh, sạch hiện nay”- ông Minh cho biết. 
 
Cũng theo ông Minh, bên cạnh đơn hàng tăng trở lại, các chính sách hỗ trợ DN, người lao động sau đại dịch COVID-19 kịp thời, thì “chính quyền địa phương, Ban Quản lý Các KCN tỉnh cũng hỗ trợ rất nhiệt tình các vấn đề phát sinh, giúp DN sớm phục hồi hoạt động sản xuất”- ông Minh nói và cho rằng:
 
“Hơn 3 năm hoạt động tại Vĩnh Long, lực lượng lao động tại chỗ như tờ giấy trắng chưa biết gì về điện, được các chuyên gia Hàn Quốc hướng dẫn, tập huấn, giờ đã quen với guồng làm việc của công ty nước ngoài và đảm nhận các vị trí quan trọng. Riêng tôi cũng tự học tiếng Hàn Quốc để trao đổi trực tiếp với lãnh đạo công ty. Đối với lao động làm việc ở công ty nước ngoài, thành thạo ngôn ngữ của DN bản địa hoặc tiếng Anh, giúp công việc thăng tiến tốt hơn, được trọng dụng và dễ lên lương hơn”. 
 
Các DN của Vĩnh Long kỳ vọng những nhân tố từ hạ tầng KCN, hạ tầng giao thông… cũng đem tới “làn gió mới” cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Sang- Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCN, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình khu tái định cư KCN Gilimex Vĩnh Long; Bộ GT-VT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, quy hoạch xây dựng tuyến tránh QL54 dài 30km qua Vĩnh Long…
 
Qua đó, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư vào các KCN, nhất là KCN cặp tuyến QL54 như KCN Gilimex Vĩnh Long, KCN Đông Bình. Hơn nữa, “cùng với xây dựng khu tái định cư, việc giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng KCN Gilimex Vĩnh Long sẽ tiến hành song song, kỳ vọng năm 2024 chúng ta sẽ có quỹ đất sạch thu hút đầu tư mới”- ông Sang cho biết. 
 
Cùng với đó, DN cũng kỳ vọng quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt sẽ mở ra không gian phát triển mới; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững. Đặc biệt, đó là các trục động lực phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chạy dọc chuỗi đô thị theo hành lang QL1, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, đường sắt tốc độ cao kết nối trung tâm TP Hồ Chí Minh qua Vĩnh Long với Cần Thơ- trung tâm vùng ĐBSCL…
Bà Huỳnh Thị Hồng Yến- Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Kyungshin Việt Nam
Công ty Kyungshin Việt Nam đã đi vào hoạt động ở Vĩnh Long hơn 3 năm, chúng tôi đề xuất tỉnh nên có những lớp tập huấn về chuyên ngành cho các trưởng bộ phận DN như kế toán, thuế, nhân sự, tài chính… để nắm vững các kiến thức thực tế và tránh những sai sót vi phạm khi phục vụ các đoàn kiểm tra, thanh tra của Trung ương và địa phương. 
 
Chúng tôi cũng mong muốn đối với các ngành thanh tra, kiểm tra DN như: hải quan, thuế, tài chính, PCCC… cần có sự phối hợp và phân bố thời gian kiểm tra DN phù hợp. Như tháng vừa rồi, DN chúng tôi phải tiếp cùng lúc 4 đơn vị kiểm tra, vừa làm chuyên môn, vừa xử lý tiếp các đoàn như vậy rất là rối.

Thay đổi định hướng kinh doanh, phát triển thị trường 

 
Tại tọa đàm “Thách thức và cơ hội để DN ĐBSCL phát triển” tổ chức tại TP Cần Thơ vừa qua, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhận định, những tháng cuối năm 2023 và 2024, kinh tế Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đối mặt với cơ hội và thách thức mới từ bối cảnh kinh tế toàn cầu theo nhiều chiều, phức tạp, đan xen nhau.
 
Trong đó, cơ hội có thể kể đến như tận dụng các cam kết quốc tế trong các FTA thế hệ mới để cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực thể chế và năng lực cạnh tranh; tái cơ cấu nền kinh tế, tạo lợi thế so sánh mới để nâng vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng hiện có; chuyển đổi mạnh theo các xu hướng mới: kinh tế số, kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm, kết nối xanh...
 
Mặc dù nền tảng kinh tế cao hơn, quy mô lớn hơn, nhưng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thu nhập nội địa và thu nhập bình quân còn thấp; thể chế kinh tế thị trường cơ bản hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh; hệ thống quản trị vĩ mô, vi mô rất cần được nâng cấp sớm nhất; các nút thắt về thể chế, hạ tầng, nhân lực, công nghệ chưa có đột phá; nguy cơ tụt hậu xa hơn khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ mới tấn công…
 
Theo bà Phạm Chi Lan, trước những khó khăn, thách thức, vẫn có một số DN tồn tại được và đứng vững. Bởi hầu hết các DN có khả năng chống chịu mạnh mẽ là do họ có sự chuẩn bị trước đó, thích ứng nhanh với những biến động thị trường.
 
Để DN tồn tại và phát triển, bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Từng DN cần tự đổi mới tư duy, định vị- định hướng lại, xây dựng chiến lược, chương trình hành động và tổ chức thực hiện.
 
Bên cạnh đó, các hiệp hội DN hỗ trợ, liên kết DN và các tác nhân khác, tham gia cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới luật pháp, chính sách, tạo thuận lợi cho DN và start up. Chính quyền các cấp thực hiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN”. 
 
Theo các chuyên gia kinh tế, để vượt khó, DN cần thay đổi tư duy, nhận thức rõ và đầy đủ để có hướng đi bền vững dựa trên lợi ích quốc gia, nội lực mạnh, năng lực thích ứng tốt.
 
Trong đó, DN cần định hướng chuyển đổi mạnh mẽ theo kinh tế xanh, chuyển đổi số; chuẩn hóa quy trình sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tham gia hội nhập quốc tế, đặc biệt các FTA, các chuỗi cung ứng đã có và mới. DN nào ứng dụng thành công nền tảng số hóa thì việc triển khai và vận hành đạt hiệu quả cao hơn các DN khác là điều hiển nhiên. 
 
Mặt khác, theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: “Trước khi bị những hạn chế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cản đường tiến, DN nên chủ động hơn. Theo đó, chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng, mang yếu tố then chốt cho các DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt”. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời
 
Vĩnh Long thống nhất và quán triệt triệt để tinh thần kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng được thể hiện trong các chủ trương, đường lối, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, có tư tưởng chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao.
 
Cần phải quán triệt nguồn lực từ khu vực tư nhân là một động lực cho phát triển; đồng thời, cần xác định rõ công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng quan trọng để khuyến khích sự phát triển, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân. Phát huy vai trò định hướng của đầu tư nhà nước để thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội, coi nguồn đầu tư nhà nước là nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn lực xã hội, đầu tư của khu vực tư nhân vào nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi.

Bài, ảnh: T.PHƯỚC-

T.LY- T.TIÊN
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh