Hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm, phát triển kinh tế

11:06, 13/06/2023

Theo khảo sát của các ngành có liên quan, nguồn vốn cho vay cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh phục vụ giải quyết việc làm, phục hồi và phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả.

(VLO) Theo khảo sát của các ngành có liên quan, nguồn vốn cho vay cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh phục vụ giải quyết việc làm, phục hồi và phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả.

Sở Lao động-TB-XH, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long vừa phối hợp kiểm tra nắm tình hình triển khai thực hiện Đề án Cho vay giải quyết việc làm cho cho cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo Quyết định số 295/QĐ-UBND, ngày 15/2/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Long (gọi tắt là Đề án 295) với kết quả ghi nhận trên.

Hộ gia đình anh Hoàng Nguyễn Việt Sơn (Khóm 2, TT Vũng Liêm) có mở cửa hàng kinh doanh dụng cụ y khoa.

Trước đây do chưa có đủ vốn, các thiết bị có giá cao như xe lăn, xe lắc, máy thở... khi khách hàng có nhu cầu đặt sản phẩm thì anh mới liên hệ đặt hàng rồi có thì giao hàng.

Tiếp cận Đề án 295 của tỉnh, anh Sơn đăng ký vay 100 triệu đồng nhằm đầu tư các trang thiết bị y tế có giá cao, “để khi khách hàng có nhu cầu mua thì có thể đáp ứng ngay, không cần mất thời gian chờ đặt hàng”.

Theo anh Việt Sơn, hiện tại thì việc kinh doanh ổn định, có thời điểm nhu cầu sử dụng dụng cụ y khoa của người dân rất nhiều.

Nêu ý kiến về việc thụ hưởng vốn vay, anh Sơn nói: “Khi có điều kiện mở rộng cửa hàng kinh doanh, có thể được hỗ trợ vay vốn nhiều hơn để đầu tư thêm các dụng cụ y khoa, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tại địa phương”.

Mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn vay nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng là đề xuất của hộ gia đình chị Trần Thị Út Trinh khi tiếp cận đề án. Chị Út Trinh (xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm) làm nghề mua bán dừa khô tại địa phương.

Nhiều cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh đã được trợ lực kịp thời từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
Nhiều cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh đã được trợ lực kịp thời từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách.

Trước đây gia đình thuộc hộ nghèo, chị đi làm công nhân, chồng làm thuê cho garage xe tải. Năm 2020, gia đình chị Út Trinh được hỗ trợ cho vay vốn từ NHCSXH là 30 triệu đồng.

Với ý chí, nghị lực phấn đấu, từ nguồn vốn vay này, gia đình chị chuyển sang thu mua dừa khô về tách vỏ dừa và bán các sản phẩm từ dừa (gáo, cơm, vỏ, xơ...) cho thương lái.

Từ công việc làm garage của chồng, gia đình quyết định vay thêm vốn từ NHCSXH để mua xe tải phục vụ vận chuyển dừa, tiết kiệm chi phí thuê.

2 năm kể từ công việc mua bán dừa khô, gia đình chị Út Trinh thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Ngoài tự tạo việc làm, việc kinh doanh này đã giải quyết việc làm cho 7-10 lao động địa phương, với thu nhập 400.000-500.000 đồng/người/ngày.

“Gia đình có ý định mở thêm một chi nhánh mua bán dừa khô và mong muốn được vay vốn với số tiền cao hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động”, chị Út Trinh cho biết.

Theo NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, tính đến 31/5/2023, đơn vị đã giải ngân vốn theo Đề án 295 là trên 172,6 tỷ đồng (ngân sách trung ương 145 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 27,6 tỷ đồng), đạt 99,8% kế hoạch được giao.

Ông Trương Thanh Hà- Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh cho biết, nguồn vốn đã phục vụ cho 3.556 lượt khách hàng vay với 3.556 dự án, giải quyết việc làm cho 4.694 lao động.

“Đề án đã giải quyết được một phần khó khăn trước mắt của một bộ phận người lao động”, ông Trương Thanh Hà nói.

Nhu cầu vốn vay của người lao động để tự tạo việc làm và giải quyết việc làm hiện nay cao, và bằng các giải pháp, nguồn này cần được hỗ trợ kịp thời.
Nhu cầu vốn vay của người lao động để tự tạo việc làm và giải quyết việc làm hiện nay cao, và bằng các giải pháp, nguồn này cần được hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện Đề án 295 còn hạn chế trong khi nhu cầu vay vốn của người dân thì rất lớn, nhất là đối với các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh; người lao động bị tác động bởi đại dịch COVID-19 có nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định cuộc sống.

“Nguyện vọng là muốn được vay thêm vốn để đầu tư thêm máy may và tạo thêm việc làm cho chị em”, hộ gia đình chị Nguyễn Hương Giang (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm) với cơ sở may công nghiệp tại gia đình có nhu cầu nguồn vốn vay tín dụng cao cũng là một thực tế.

Trước đó, vay 100 triệu đồng từ NHCSXH theo Đề án 295 đã giúp chị khắc phục được một phần khó khăn và đầu tư mua thêm thiết bị máy may, nguyên vật liệu may, duy trì việc làm ổn định cho 42 lao động hầu hết ở trong xóm với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Tham gia khảo sát tình hình triển khai vốn tín dụng chính sách nói trên, ông Trần Văn Khái- Giám đốc Sở Lao động-TB-XH, cho rằng việc cho vay giải quyết việc làm cho cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh theo các đề án của tỉnh, nhằm khôi phục kinh tế, hỗ trợ đời sống người dân, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội... đã mang lại hiệu quả rất lớn.

Các mô hình sản xuất, kinh doanh duy trì và phát triển qua trợ lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách này không chỉ giúp cho hộ gia đình vượt qua khó khăn mà còn tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Phía NHCSXH, ông Trương Thanh Hà cho biết đã chủ động, phối hợp rà soát đúng đối tượng, thực hiện giải ngân vốn kịp thời và đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Khái, hiện nay nhu cầu vốn của người lao động rất cao, do đó NHCSXH tỉnh cần xem xét từng trường hợp với điều kiện cụ thể nhằm hỗ trợ người lao động tiếp cận được nguồn vốn với mức vay cao hơn, đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Công tác này sẽ góp phần hướng đến kết quả chung là giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh