Hiện nay, làn sóng khởi nghiệp (KN) lan rộng trong nhiều lĩnh vực, sản phẩm (SP) KN xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường luôn thay đổi liên tục và yêu cầu của người tiêu dùng không ngừng tăng lên, không ít doanh nghiệp KN còn gặp khó, yếu về khả năng thâm nhập, phát triển thị trường. Vậy làm sao để đưa SP ra thị trường và tiếp cận đến nhiều người hơn?
Doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng tiếp cận người tiêu dùng, để đáp ứng nhu cầu thị trường. |
Cần chiến lược tiếp cận thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, phong trào KN phát triển mạnh và ngày càng có nhiều các mô hình, dự án KN ứng dụng những công nghệ mới, cách làm mới, SP độc đáo, mới lạ, góp phần đa dạng thị trường.
Theo đó, đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở KN thành công, đưa ra thị trường SP an toàn, có chất lượng, bước đầu nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người tiêu dùng và thâm nhập được vào hệ thống phân phối hiện đại.
Tuy nhiên, trong quá trình KN, doanh nghiệp KN cũng thường gặp một số khó khăn, hạn chế như: kinh nghiệm quản trị, kỹ năng tiếp cận nguồn vốn, xác định thị trường tiêu thụ, kỹ năng tiếp cận thị trường…
Không ít đơn vị KN cho rằng, tạo ra SP đã khó, việc tiếp cận thị trường càng không dễ dàng. Anh Nguyễn Hoàng Khang- người sáng lập Foodo- chuyên về sản xuất và chế biến SP từ trái cây nhiệt đới (huyện Vũng Liêm) cho hay: Hiện nay, các loại SP thay thế trên thị trường ngày một nhiều, trong khi người tiêu dùng có xu hướng ít trung thành với các thương hiệu, đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm cách để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhiều hơn.
Đối với SP KN, các đối thủ cạnh tranh đã có thương hiệu, xây dựng nhận thức với người tiêu dùng, có hệ thống phân phối, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp KN phải đưa ra những chiến lược “chuyển mình”, nâng cao khả năng tiếp cận người tiêu dùng, để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một số đơn vị KN cũng bày tỏ bên cạnh khó khăn về vốn thì còn gặp khó trong cách tìm nguồn khách hàng chất lượng và hơn hết là khi làm ra SP mà không biết cách quảng bá, giới thiệu SP đến tay người tiêu dùng như thế nào cho hiệu quả…
Theo chị Tăng Thị Tuyết Nhung (Phường 2, TP Vĩnh Long)- chủ cơ sở bánh Ngon Nhất- Tuyết Nhung, khi KN nếu không có sự hiểu biết về thị trường sẽ trở thành rào cản như: không tìm được đầu ra cho SP, khó tìm kiếm đơn hàng, khiến bế tắc dòng tiền, từ đó, kinh doanh sẽ không hiệu quả. Do đó, đòi hỏi cơ sở KN phải có kiến thức thị trường, chiến lược phát triển, định hướng thị trường rõ ràng.
Biết mình đang ở đâu
Theo anh Nguyễn Hoàng Khang, để tiếp cận thị trường tốt hơn, trong quá trình KN, phải luôn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu để biết là mình đứng ở đâu và biết áp dụng như thế nào. Phải biết là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và bán ở đâu để tìm kiếm thị trường, biết định hướng để phát triển tốt hơn.
Đồng thời, phải thường xuyên đến những thị trường tiêu thụ để xem những SP của các đối thủ cạnh tranh như thế nào để cải tiến, phát triển SP tốt hơn.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp tích cực tham gia quảng bá sản phẩm thông qua chương trình xúc tiến thương mại, sàn giao dịch điện tử. |
Còn anh Võ Văn Dũng- chủ Cơ sở Sản xuất trà thảo dược Võ Dũng (TT Trà Ôn, huyện Trà Ôn) cho hay: “Bên cạnh việc tạo ra SP sạch, an toàn phải biết cách tạo mọi điều kiện để người tiêu dùng có thể tiếp cận.
Do đó, tôi cũng tăng cường giới thiệu SP và bán hàng trên đa kênh, trực tiếp lẫn trực tuyến, nghiên cứu giá thành hàng hóa trên thị trường từ đó bán với giá hợp lý. Bên cạnh việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử, tôi cũng từng bước phát triển thị trường, nâng cao chất lượng SP để đưa vào hệ thống siêu thị.
Thời gian tới tôi sẽ tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại và tăng cường bán hàng qua Zalo, Facebook, website,… để quảng bá SP rộng rãi hơn, đồng thời, nghiên cứu sản xuất SP mới để đa dạng mặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Song song đó, theo các đại lý phân phối, siêu thị, các SP của doanh nghiệp KN muốn đưa vào kênh tiêu thụ hiện đại, cần có định hướng cụ thể về đối tượng khách hàng, đặc tính của SP. Đặc biệt, kết nối cung cầu hàng hóa là một trong các giải pháp quan trọng để đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối, giúp hàng hóa tiêu thụ tốt hơn, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.
Doanh nghiệp khởi nghiệp tích cực giới thiệu sản phẩm. |
Bên cạnh đó, doanh nghiệp KN cần chú ý đến mẫu mã bao bì, chất lượng SP, định hướng hoạt động marketing phát triển SP. Đồng thời, cần theo dõi phản hồi của khách hàng để kịp thời có những cải tiến, thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường.
Song song đó, hiện nay, thương mại điện tử cũng là hướng đi bền vững cho chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới. Đây là hoạt động mà các doanh nghiệp KN sáng tạo cũng nên tập trung phát triển để khai mở tiềm năng, tăng trưởng doanh thu, mở rộng thị trường.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin