Tiện lợi tiêu dùng trực tuyến

11:03, 17/03/2023

Mua sắm trực tuyến thông qua mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử… đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, bởi những tiện ích mà nó mang lại.

 

Mua trực tuyến, giao tận nơi đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Mua trực tuyến, giao tận nơi đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Mua sắm trực tuyến thông qua mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử… đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, bởi những tiện ích mà nó mang lại.

Khoảng cuối năm 2022, chị Kim Ngân ở Phường 2 (TP Vĩnh Long) ghé siêu thị mini gần nhà mua hàng hóa và được nhân viên siêu thị mời tham gia nhóm Zalo của siêu thị để “cần mua gì thì chị cứ nhắn, tụi em ship tận nhà”. Tại nhóm Zalo này, nhân viên siêu thị cập nhật hình ảnh, giá cả hàng hóa hàng ngày và thường kèm theo lời mời “đi chợ cùng siêu thị chúng em”. Chị Ngân cho biết: “Do đi làm cả ngày nên tôi thường mua rau củ, thực phẩm chế biến sẵn… của siêu thị. Tranh thủ đặt mua online và hẹn đi làm về giao nên rất tiện lợi!”.

Cũng ở TP Vĩnh Long, chị Quỳnh Trang ở Phường 4 thì cho biết, hiện chị là thành viên của 4 nhóm Zalo bán hàng gồm: 2 nhóm siêu thị, 1 nhóm thanh lý quần áo và 1 nhóm bán… đủ thứ. Chị Trang cho biết, khi cần mua hàng hóa ở siêu thị thì vô nhóm xem thông tin. Hình ảnh, giá cả, các mặt hàng đang có chương trình ưu đãi được cập nhật mới liên tục; nhất là các mặt hàng rau củ, trái cây, thực phẩm… Muốn biết thêm thông tin về hàng hóa thì nhân viên siêu thị luôn nhiệt tình tư vấn. Quốc Nghĩa- nhân viên một siêu thị ở Phường 8 (TP Vĩnh Long) cho biết “hóa đơn từ 200.000đ siêu thị sẽ giao nhưng với khách “mối” thì mua ít hơn 200.000đ vẫn giao”. Sau khi chốt mua thì khách có thể hẹn giờ giao hàng theo yêu cầu, thanh toán thì có thể trả tiền mặt hoặc chuyển khoản…

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi thì theo chị Trang, mua hàng online có một số hạn chế, lưu ý nhỏ. Chẳng hạn, đối với những nhóm Zalo có nhiều người bán, bán nhiều loại hàng hóa thì khi cần mua một món hàng cụ thể phải tìm lại hình ảnh và tìm người bán khá tốn thời gian, khi người mua cần gấp thì người bán đang offline nên… khó gặp nhau. Chị Trang cũng cho rằng, nên nhắn tin riêng cho người bán, không nhắn vô nhóm chung để tránh làm phiền
cả nhóm.

Là trưởng nhóm một nhóm Zalo bán hàng, anh Tuấn V. ở xã Tân Hạnh (Long Hồ) cho biết, nhóm gồm các thành viên là khách hàng thân thiết, ủng hộ sản phẩm. Trong số đó, có cả những khách hàng là người bán các sản phẩm dịch vụ khác, nhằm tạo “kênh” trao đổi, ủng hộ sản phẩm lẫn nhau. Để tránh tình trạng tin nhắn giới thiệu sản phẩm gửi liên tục gây ảnh hưởng các thành viên, trưởng nhóm ghim tin nhắn nhắc các thành viên vui lòng tắt thông báo. Đồng thời, gửi hình ảnh, thông tin về sản phẩm ngắn gọn, có chọn lọc…

Hình ảnh, giá cả, các ưu đãi được giới thiệu sôi động trên các nhóm Zalo.
Hình ảnh, giá cả, các ưu đãi được giới thiệu sôi động trên các nhóm Zalo.

Cho biết gia đình mình thường mua hàng qua mạng xã hội và qua các ứng dụng thương mại điện tử, anh Nguyễn Minh Đức ở xã Đông Thành (TX Bình Minh) chia sẻ: “Nhà tôi mua máy hút bụi, nồi chiên không dầu, điện thoại, sách… qua Zalo, Facebook, Lazada, Chợ Tốt, Tiki... Có rất nhiều sản phẩm để lựa chọn, giá cả khá mềm so với mua trực tiếp. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, thương hiệu, giá cả, nhà cung cấp… trước khi quyết định mua”.

Theo dữ liệu nghiên cứu của Metric.vn, Shopee, Lazada, Tiki và Sendo là những sàn thương mại điện tử nổi bật nhất tại Việt Nam. Theo ước tính, lượng người dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên chạm mốc 60 triệu người, chiếm tới gần 74,8% số người sử dụng internet. Cuối năm 2021, Việt Nam có 91,3 triệu thuê bao smartphone nhưng đến tháng 3/2022, đã có thêm hơn 2 triệu thuê bao sử dụng smartphone, nâng tổng số lên 93,5 triệu thuê bao và ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone đạt khoảng 73,5%... Qua đó, góp phần tạo nên lực lượng tiêu dùng số không nhỏ.

Khách hàng chốt mua sản phẩm online.
Khách hàng chốt mua sản phẩm online.

Tiêu dùng số được khẳng định vì theo báo cáo xu hướng số của người dùng trên không gian mạng của công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc thì mua sắm trực tuyến, thanh toán không tiền mặt là xu hướng nổi bật nhất. Thị trường đang chứng kiến sự bùng nổ của các ứng dụng, nổi bật nhất là các ứng dụng thương mại điện tử. Thống kê cho thấy, có 55% người dùng trả lời đang mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử phổ biến, số còn lại cho biết mua sắm trực tuyến thông qua mạng xã hội (24%) hoặc cả hai (21%).

Theo đánh giá của các chuyên gia, dự báo, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ cán mốc 39 tỷ USD trong 3 năm tới với mức tăng trưởng hai con số.

Bài, ảnh: NAM ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh