Nguy cơ "dội chợ" khi diện tích cây sầu riêng tăng ồ ạt

Cập nhật, 11:36, Thứ Sáu, 17/03/2023 (GMT+7)

Theo đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực năm 2025 - 2030 của Bộ Nông nghiệp – PTNT, diện tích sầu riêng cả nước từ 65.000 - 75.000ha, nhưng hiện đã trên 80.000ha.

Việc phát triển “nóng” cây sầu riêng thời gian qua không chỉ tại các địa phương thuộc vùng ĐBSCL, mà còn Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nông dân đua nhau trồng sầu riêng bởi từ sau tết đến nay, sầu riêng vụ nghịch tại vườn ở các tỉnh miền Tây luôn ở mức cao. Sầu riêng Thái loại 1 khoảng 140.000 - 160.000đ/kg; sầu riêng Ri 6 từ 100.000 - 120.000đ/kg. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục, gấp 2 - 3 lần so với giá trung bình các năm trước.

Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, nhiều nơi mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn rất dễ dẫn đến hậu quả khó lường khi cung vượt quá cầu, nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp, như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng Việt Nam.

Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, Cục Trồng trọt đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo phát triển cây sầu riêng theo đúng định hướng, quy hoạch, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT. Tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức về sản xuất theo phong trào, theo số đông. Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

N. HOÀNG